03/10/2019 17:17 GMT+7

Rất ít trẻ em biết tổng đài bảo vệ trẻ em 111

TRUNG TÂN
TRUNG TÂN

TTO - Đó là một trong những nhận định của Đoàn giám sát của Quốc hội tại buổi làm việc với tỉnh Đắk Lắk về việc phòng chống xâm hại trẻ em trên địa bàn.

Rất ít trẻ em biết tổng đài bảo vệ trẻ em 111 - Ảnh 1.

Bà Lê Thị Nga, chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Quốc hội, trưởng đoàn giám sát số 2 về chống xâm hại trẻ em - Ảnh: TRUNG TÂN

Ngày 3-10, đoàn giám sát của Quốc hội đã có buổi làm việc với lãnh đạo, sở ngành tỉnh Đắk Lắk về việc thực hiện chính sách pháp luật về phòng chống xâm hại trẻ em.

Bà Nguyễn Thị Thủy, ủy viên thường trực Ủy ban Tư pháp Quốc hội, cho biết trẻ em nói chung và tại Đắk Lắk nói riêng hiện đang đối diện với nhiều nguy cơ bị hành hạ, bóc lột và nghiêm trọng hơn là bị xâm hại tình dục. 

Cũng theo bà Thủy, hiện có 6 hình thức xâm hại trẻ em như bắt cóc, buôn bán người, bóc lột... nhưng qua phỏng vấn thực tế, các em chỉ trả lời là xâm hại tình dục. Đặc biệt, các em chỉ hiểu xâm hại tình dục đều là tác động vào bộ phận sinh dục.

Các em chỉ trả lời những câu hỏi về việc bảo vệ là tránh xâm hại người xa lạ, tuy nhiên trong thực tế có rất nhiều vụ xâm hại do chính người thân nạn nhân gây ra. Rất ít em biết về tổng đài bảo vệ trẻ em 111...

Rất ít trẻ em biết tổng đài bảo vệ trẻ em 111 - Ảnh 2.

Bà Nguyễn Thị Thủy, ủy viên thường trực Ủy ban Tư pháp Quốc hội, phát biểu tại hội nghị - Ảnh: TRUNG TÂN

"Hiểu biết về xâm hại trẻ em, nhất là xâm hại tình dục của các em rất hạn chế. Vì vậy tới đây cần tăng cường công tác tuyên truyền để các em hiểu hơn về xâm hại trẻ em", bà Thủy đề xuất.

Bà Lê Thị Nga, chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Quốc hội, cho biết Việt Nam là một trong các quốc gia tham gia sớm công ước bảo vệ trẻ em và được quốc tế ghi nhận. Tuy nhiên thời gian qua trên địa bàn cả nước xảy ra nhiều vụ xâm hại trẻ em gây chấn động dư luận.

Từ thực trạng này, Quốc hội quyết định lập 3 đoàn công tác để giám sát cấp cao (cấp toàn Quốc hội) để khảo sát, đánh giá thực trạng này để thảo luận tại Quốc hội thời gian đến. "Sau đó, chúng ta sẽ có một nghị quyết của Quốc hội về thực trạng này để có những giải pháp căn cơ", bà Nga nói.

Theo bà Nga, để bảo vệ trẻ em, các địa phương cần tăng cường kiểm tra, giám sát công tác bảo vệ quyền lợi, nâng cao nhận thức về chống xâm hại trẻ em.

"Tôi đề nghị Đắk Lắk cũng như các địa phương cần có cuộc thanh tra, kiểm tra chuyên đề về việc đảm bảo quyền lợi trẻ em. Về góc độ đoàn giám sát, chúng tôi sẽ tổng hợp các báo cáo, ý kiến góp ý để báo cáo, thảo luận tại Quốc hội để ban hành nghị quyết", bà Nga thông tin.

Theo số liệu của UBND tỉnh Đắk Lắk trong 5 năm gần đây, toàn tỉnh có 279 trẻ bị xâm hại, trong đó có 190 em bị xâm hại tình dục. Hậu quả khiến 13 cháu mang thai, 159 cháu mang thương tật, 3 cháu tử vong.

Ngoài ra, có gần 10.300 trẻ em đang trong độ tuổi đi học nhưng không được đến trường mà phải tham gia lao động. Trong đó có 118 em đi lao động ngoài tỉnh; 90 trẻ em bỏ nhà ra đi lang thang.

Cũng theo UBND tỉnh Đắk Lắk, trên địa bàn hiện số trẻ có cha mẹ ly hôn, sống trong gia đình có các vấn đề xã hội (bạo lực gia đình, nhiễm HIV…) lên đến hơn 4.600 cháu; có hơn 5.700 em có hoàn cảnh đặc biệt và hơn 117.000 em có nguy cơ tương đương, chiếm 23% tổng số trẻ em toàn tỉnh.

Kiến nghị tăng hình phạt tội xâm hại tình dục trẻ em Kiến nghị tăng hình phạt tội xâm hại tình dục trẻ em

TTO - UBND quận Tân Bình kiến nghị Quốc hội tăng hình phạt đối với tội xâm hại tình dục trẻ em, các bộ, ngành trung ương cần sớm ban hành nghị quyết hướng dẫn quy định của Bộ luật hình sự về các tội phạm xâm hại tình dục trẻ em.

TRUNG TÂN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên