05/04/2015 11:11 GMT+7

Rắc rối với tường chung

DƯƠNG NGỌC HÀ
DƯƠNG NGỌC HÀ

TT - Bức tường sử dụng chung cho cả hai nhà, ai muốn “đụng” tới bức tường chung này đều phải được sự đồng thuận. Nhưng nếu một trong hai bên không đồng ý thì sao?

Căn nhà cũ của chị T. ở đường Đoàn Văn Bơ (Q.4, TP.HCM) có bức tường chung với nhà bên cạnh. Khi nhà hàng xóm xây nhà mới trước đã yêu cầu “cưa đôi” bức tường chung dày 20cm này nhưng chị T. không chịu với lý do nhà cũ, việc “cưa” bức tường sẽ ảnh hưởng đến sức chịu đựng của toàn bộ căn nhà.

Trước thái độ dứt khoát của chị T., người hàng xóm đành xây tường mới, để lại bức tường cũ.

Nơi thỏa thuận được, nơi không

Đến khi chị T. đập nhà cũ thì phát hiện người hàng xóm đã xây tầng 1 phía sau của nhà họ đè lên bức tường chung. Hai bên đồng ý phương án: chị T. sử dụng toàn bộ diện tích bức tường phần phía trước nhà và nhà hàng xóm sử dụng phần diện tích tường phía sau. Sau khi hai bên thỏa thuận xong, UBND Q.4 mới đồng ý cấp giấy phép xây dựng cho chị T..

Đây là một trong những trường hợp điển hình về việc thỏa thuận sử dụng bức tường chung: giấy tờ rõ ràng, hai bên đạt được sự đồng thuận về phương án sử dụng bức tường chung.

Không như chị T., bà H. có nhà ở đường Bà Hạt (Q.10) lại gặp rắc rối với bức tường giáp ranh nhà bà P.. Cuối năm 2013, bà H. đập nhà cũ chuẩn bị xây nhà mới. Khi đập bức tường giáp giữa hai nhà xuống thì nhà bà P. bị trống do không có tường che.

Từ đó, hai nhà thường xuyên xảy ra tranh chấp. Bà H. cho rằng bức tường giáp ranh là tường riêng của nhà mình. Bà P. lại nói đó là tường chung của hai nhà, phía bà H. muốn đập tường phải thỏa thuận và yêu cầu bà H. phải khôi phục bức tường như cũ.

Phòng Tài nguyên và môi trường Q.10 có công văn khẳng định phần tường tiếp giáp giữa hai nhà là tường riêng của nhà bà H.. Nhưng bà P. không đồng ý vì theo giấy chủ quyền nhà do UBND Q.10 cấp thì bức tường trên là tường chung của hai nhà.

UBND P.8 (Q.10) hòa giải không thành. Vụ việc được khởi kiện ra TAND Q.10. Bà H. đành phải chừa lại phần tường đang tranh chấp, xây một bức tường khác cho căn nhà mới về phía đất của mình.

“Tại sao Phòng Tài nguyên và môi trường Q.10 đã khẳng định bức tường trên thuộc sở hữu của nhà tôi mà UBND phường không xử cho tôi thắng?” - bà H. bức xúc. Còn nhà bà P. vẫn bị để trống phần gác trên (phần tường đã bị đập) từ tháng 10-2013 đến nay.

“Những ngày mưa gió, gia đình tôi rất khổ sở vì nước mưa tạt thẳng vô nhà, gió thổi bay các vật dụng khác. Tại sao UBND phường để cho bà H. xây nhà mà không buộc bà H. phải xây lại bức tường cũ cho gia đình tôi?” - bà P. cho biết.

Đại diện UBND P.8 (Q.10) cho biết đã giải quyết vụ việc đúng thẩm quyền. Văn bản của Phòng Tài nguyên và môi trường Q.10 xác định phần tường tiếp giáp giữa hai nhà là của bà H.. UBND phường chỉ giải thích pháp luật cho hai bên, khuyên hòa giải để giữ tình làng nghĩa xóm chứ không có thẩm quyền quyết định cho bên nào thắng, bên nào thua trong việc này.

Không thỏa thuận được thì... để trống

Ông Tống Đức Tiến, trưởng phòng cấp phép xây dựng Sở Xây dựng TP.HCM, cho biết trong trường hợp hai nhà có bức tường chung thì phải có biên bản thỏa thuận việc sử dụng bức tường của hai bên.

Nếu người xin giấy phép xây dựng không cung cấp được biên bản này thì cơ quan cấp phép chỉ giải quyết cho xây dựng trên phần đất trong giấy chủ quyền (ngoài bức tường). Người xây nhà sau không thỏa thuận được việc sử dụng bức tường cũng phải chừa lại không được đập bỏ.

Theo một phó chánh án TAND Q.10 thì vụ việc giữa bà H. và bà P. thuộc thẩm quyền giải quyết của tòa án do hai nhà đều đã có giấy chủ quyền.

Trong quá trình giải quyết vụ án, tòa án cần phải định giá tài sản tranh chấp (ở đây là giá trị bức tường và giá trị quyền sử dụng đất dưới bức tường) để làm cơ sở tính án phí và cũng là giá trị để tòa quyết định phần bồi thường trong quá trình xét xử.

Cũng theo vị này, vụ việc chậm đưa ra xét xử do phía bị đơn (bà P.) chưa hợp tác để xác định giá trị của phần tài sản tranh chấp. Hơn nữa, bà P. có đơn khiếu nại thẩm phán được phân công giải quyết vụ việc nên phải chờ giải quyết xong việc khiếu nại của bà P. thì mới tiếp tục giải quyết vụ án.

Phó chánh án TAND Q.10 cũng cho biết theo quy định trong vụ án dân sự, các bên tranh chấp phải tự cung cấp chứng cứ chứng minh yêu cầu của mình.

Nếu trường hợp các chứng cứ đó ở các cơ quan chức năng, người dân khó thu thập thì có thể yêu cầu tòa án thu thập giúp. Lúc đó tòa án sẽ có công văn gửi cơ quan chức năng để trích xuất những tài liệu có liên quan phục vụ việc xét xử.

Các bên nên thỏa thuận với nhau

Luật sư Trần Công Ly Tao, Đoàn luật sư TP.HCM, cho rằng nguyên nhân tranh chấp trong vụ việc giữa bà H. và bà P. bắt nguồn từ việc UBND Q.10 cấp giấy chủ quyền nhà, đất không rõ thông tin. Trong giấy chủ quyền của nhà bà P. thì tất cả bức tường đều có ký hiệu tường chung - riêng.

Riêng bức tường giáp ranh giữa nhà bà P. và bà H. thì không thể hiện điều này. Tranh chấp phát sinh từ đó. Công văn của Phòng Tài nguyên và môi trường Q.10 không thể thay thế được hiệu lực pháp lý của giấy chủ quyền nhà do UBND Q.10 cấp nên bà P. không công nhận nội dung của công văn trên là có cơ sở.

Theo Luật đất đai năm 2003, những vụ việc tranh chấp liên quan đến bất động sản mà các bên đã có giấy chủ quyền nhà, đất thì thuộc thẩm quyền giải quyết của tòa án.

Liên quan đến chuyện bức tường chung, luật sư Ly Tao khuyên các bên nên thỏa thuận với nhau, tránh để phát sinh tranh chấp, giải quyết rất mệt mỏi mà còn làm mất tình làng nghĩa xóm khi phải ra tòa.

Trước khi xây dựng, hai bên nên ngồi lại thỏa thuận, mỗi bên chịu lùi một chút là mọi chuyện êm xuôi. Còn một khi không đạt được thỏa thuận thì nên bỏ trống phần tường chung. Khi nào bức tường rệu rã, tự đổ thì mỗi nhà được sử dụng một nửa diện tích đất dưới chân tường.

 

DƯƠNG NGỌC HÀ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên