10/07/2019 09:00 GMT+7

Rà soát, chặn gian lận xuất xứ

NGỌC AN - TRẦN VŨ NGHI
NGỌC AN - TRẦN VŨ NGHI

TTO - Vẫn còn tình trạng lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại, thậm chí có gian lận về xuất xứ, do có tới 70 - 80% hàng hóa được hưởng ưu đãi thuế 0%, sau khi các FTA được thực thi.

Rà soát, chặn gian lận xuất xứ - Ảnh 1.

Sử dụng thép cán nguội tại một doanh nghiệp sản xuất thép trong nước - Ảnh: T.V.N.

Ngày 9-7, tại buổi họp triển khai thực hiện đề án "Tăng cường quản lý nhà nước về chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại và gian lận xuất xứ" vừa được Thủ tướng ban hành, Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh cho biết bộ này sẽ rà soát các ngành hàng, lĩnh vực có nguy cơ phát triển nóng, đưa ra cơ chế cảnh báo phòng vệ thương mại để ngăn chặn gian lận xuất xứ hàng hóa.

Theo ông Trần Tuấn Anh, dù đã có hệ thống cảnh báo phòng vệ thương mại cùng với việc quản lý nguồn gốc qua chứng nhận xuất xứ... nhưng vẫn còn tình trạng lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại, thậm chí có gian lận về xuất xứ, do có tới 70 - 80% hàng hóa được hưởng ưu đãi thuế 0%, sau khi các FTA được thực thi. 

Một số ngành có nhiều nguy cơ bị lợi dụng ưu đãi xuất xứ có thể kể đến là gỗ, gỗ dán, điện tử, da giày... Điều này tiểm ẩn nhiều nguy cơ nhiều mặt hàng xuất khẩu của VN trở thành đối tượng của hoạt động trừng phạt thương mại hoặc áp đặt thuế quan các biện pháp phòng vệ thương mại.

Do đó, ông Tuấn Anh yêu cầu Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công thương) tập trung giải pháp kiểm tra, giám sát đối với các ngành có nguy cơ cao, đặc biệt là các ngành hàng đang phát triển quá nóng, trong đó cần lưu ý hàng loạt nhóm sản phẩm xuất khẩu sang EU, Mỹ... 

Theo đó, cần phải thành lập tổ công tác để theo dõi, đảm bảo cơ chế phối hợp giữa các bộ, ngành tổ chức để tăng cường kiểm tra, giám sát hoạt động tạm nhập tái xuất, vốn là lĩnh vực diễn ra nhiều hoạt động gian lận thương mại, vi phạm pháp luật nghiêm trọng.

Trước đó, theo đề án "Tăng cường quản lý nhà nước về chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại và gian lận xuất xứ" vừa được ban hành, Thủ tướng chỉ đạo phải tăng cường các biện pháp quản lý nhằm dự báo, ngăn chặn hiện tượng VN bị lợi dụng làm điểm trung chuyển để xuất khẩu hàng hóa sang nước thứ ba..., nhằm bảo vệ quyền và lợi ích của VN trong thương mại quốc tế và các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh chân chính.

Các giải pháp trọng tâm gồm tăng cường quản lý, giám sát các hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu, đầu tư nước ngoài; nâng cao nhận thức, hiệu quả thực thi các quy định pháp luật về phòng vệ thương mại, xuất xứ, hải quan, chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại. 

Ngoài ra, cần rà soát, xây dựng, sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật về chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại, gian lận xuất xứ; các cơ quan chức năng liên quan xử lý nghiêm các hành vi lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại, gian lận xuất xứ hàng hóa.

Mục tiêu của đề án nhằm nâng cao hiệu quả của quá trình hội nhập kinh tế quốc tế, đặc biệt là tham gia các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, bảo đảm thực hiện nghiêm túc và hiệu quả các cam kết trong khuôn khổ Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), các hiệp định thương mại tự do đã ký kết.

Mỹ đánh thuế "kép" với thép VN

Cục Phòng vệ thương mại cho biết Bộ Thương mại Hoa Kỳ chính thức khẳng định có việc lẩn tránh thuế đối với sản phẩm tôn mạ và thép cán nguội xuất khẩu từ VN, có sử dụng nguyên liệu thép cán nóng nhập khẩu từ Đài Loan và Hàn Quốc, nên quyết định áp thuế "kép" chống bán phá giá lẫn trợ cấp để ngăn xuất khẩu sang Mỹ.

Theo đó, phía Hoa Kỳ sẽ bắt đầu thu tiền đặt cọc đối với hai sản phẩm nói trên của VN, với khoản tiền tương đương với mức thuế chống bán phá giá và chống trợ cấp mà Hoa Kỳ đang áp dụng với Trung Quốc, Hàn Quốc hoặc Đài Loan (bị Mỹ áp thuế từ năm 2016).

Nếu chứng minh được các sản phẩm tôn mạ và thép cán nguội không sử dụng từ thép cán nóng của Trung Quốc, Hàn Quốc và Đài Loan, các doanh nghiệp Việt sẽ không bị mất tiền cọc. Nếu không chứng minh được, các sản phẩm này xuất sang Mỹ kể từ ngày 2-8-2019 phải chịu mức thuế mà Mỹ đã áp dụng đối với Trung Quốc.

T.V.N.

Rà soát ngành hàng có nguy cơ phát triển nóng, chặn gian lận xuất xứ Rà soát ngành hàng có nguy cơ phát triển nóng, chặn gian lận xuất xứ

TTO - Bộ Công Thương sẽ rà soát các ngành hàng, lĩnh vực có nguy cơ phát triển nóng, đưa ra cơ chế cảnh báo phòng vệ thương mại để ngăn chặn gian lận xuất xứ hàng hóa.

NGỌC AN - TRẦN VŨ NGHI
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên