Nhà văn Nguyễn Huy Thiệp ký tặng sách chiều 11-8 tại nhà riêng - Ảnh: YÊN BA
Chiều 11-8, nhà văn Nguyễn Huy Thiệp xúc động chia sẻ với Tuổi Trẻ Online niềm hạnh phúc lớn lao của ông khi đang cầm trên tay cuốn sách "hiếm có" trong đời viết văn của mình, ký tặng vào những bản sách cao cấp.
‘Hiếm có’
"Tôi mừng lắm. Sách đẹp lắm. Một cuốn sách hiếm có đấy", nhà văn Nguyễn Huy Thiệp chia sẻ ngắn qua điện thoại. Hiện sức khỏe của tác giả Tướng về hưu đang dần khôi phục sau cơn tai biến hồi đầu năm nay. Ông đang tiếp tục điều trị vật lý trị liệu hằng ngày. Dự tính vài tháng nữa ông có thể đi lại nhẹ nhàng.
Tuy vậy, nhà văn gầy yếu đi nhiều sau cơn bạo bệnh.
Cuốn sách mà Nguyễn Huy Thiệp vui mừng đón nhận hôm nay là cuốn Truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp (với minh họa của các họa sĩ) do Nhà xuất bản Văn Học và Đông A liên kết phát hành nhân kỷ niệm nhà văn 70 tuổi, theo ý muốn được nhà văn dự tính từ mùa thu năm ngoái, vài tháng trước khi ông gặp nạn sức khỏe.
Cuốn sách lần này làm mới một chút từ cuốn sách đã được làm từ năm 2007. Đó là cuốn sách do họa sĩ Lê Thiết Cương cùng đứng ra với tác giả tổ chức bản thảo và tập hợp các họa sĩ tài năng vẽ minh họa đủ 42 truyện ngắn mang tính tổng kết đời văn của Nguyễn Huy Thiệp, do chính tác giả tuyển chọn những truyện ông tâm đắc nhất.
Nhà văn Nguyễn Huy Thiệp nói cuốn sách kỷ niệm 70 tuổi của ông là một cuốn rất đẹp, "hiếm có" - Ảnh: ĐÔNG A
Chia sẻ với Tuổi Trẻ Online, họa sĩ Lê Thiết Cương cho biết năm đó, ông và nhà văn Nguyễn Huy Thiệp quyết định làm một cuốn sách tuyển tập truyện ngắn thật đẹp, sang trọng tổng kết sự nghiệp viết truyện ngắn của nhà văn tài năng, và cũng là để ghi dấu kỷ niệm tình bạn thân thiết dài năm tháng của hai người.
Lê Thiết Cương cùng với tác giả đã mời 17 họa sĩ tên tuổi trong nước và 1 họa sĩ Thụy Điển, gồm: Lê Thiết Cương, Thành Chương, Phan Cẩm Thượng, Đỗ Dũng, Lê Trí Dũng, Đào Hải Phong, Đinh Quân, Hoàng Phượng Vỹ, Đặng Xuân Hòa, Hà Trí Hiếu, Võ Tá Hùng, Nguyễn Hồng Hưng, Đỗ Phấn, Quách Đông Phương, Lê Thị Minh Tâm, Trịnh Tú, Lý Trần Quỳnh Giang, Lena Sjoberg.
Trong lần xuất bản này, Đông A in ấn, phát hành 3 ấn bản: cao cấp, S500 và S100.
Ở ấn bản cao cấp và S500, bạn đọc sẽ gặp lại một số minh họa quen thuộc trong lần in trước, đồng thời có một số minh họa mới.
Đặc biệt, ở ấn bản S100 sẽ có thêm 13 minh họa màu mới của nhóm họa sĩ thực hiện minh họa cho bản in năm 2007 vẽ thêm.
Họa sĩ Lê Thiết Cương nói đây đều là những bức minh họa được vẽ với tình cảm của những người "chơi với nhau như bạn, vẽ văn chương của bạn mình, chứ không phải là một cuộc triển lãm minh họa".
"Đó là kỷ niệm bạn bè. Ông Thiệp là một nhà văn đặc biệt ở thời của ông bởi ông chơi với nhiều họa sĩ do ông rất mê hội họa", họa sĩ Lê Thiết Cương nói.
Về văn chương của Nguyễn Huy Thiệp, họa sĩ Lê Thiết Cương bình luận ngắn gọn: "Đã nói đến nghệ thuật là nói đến phong cách. Văn chương của ông Thiệp là một phong cách riêng, ông mang một dấu vân tay của riêng mình".
42 truyện trong sách đều được minh họa bởi các họa sĩ có tiếng. Trong ảnh là minh họa của họa sĩ Phan Cẩm Thượng cho truyện ngắn Quan Âm chỉ lộ - Ảnh: ĐÔNG A
Nhà văn là người đi tìm đạo
Với bản Truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp lần này, nhà văn đã từng dự định sẽ viết lại lời giới thiệu mới, nhưng ông chưa kịp viết thì nằm bệnh.
Tuy nhiên, cuốn sách cũng có được bài viết mới của ông dưới dạng hỏi - đáp ông vừa viết ngay trước thời điểm bệnh trọng. Trong đó nhà văn trả lời nhiều câu hỏi như: Có nghề văn không? Thế nào là nhà văn thành công? Một nhà văn cần phẩm chất gì? Anh là ai? Ăn may hay ăn mày?... Ông đã có những định nghĩa về văn chương và nhà văn theo cách riêng mình.
Theo nhà văn Nguyễn Huy Thiệp, văn chương là thứ vô chiêu, không có hình tướng. Nó gần với tôn giáo và chính trị. Nó đi tìm đạo, tìm ý nghĩa cuộc sống, tìm sự giác ngộ.
Còn nhà văn (rốt ráo) trước sau gì vẫn phải - và chỉ là người đi tìm đạo mà thôi. Anh ta dại dột chạy tế lên trước để vén tấm màn vô thức lên cho mọi người cảm thấy, trông thấy rồi sau đó để họ về nhà, họ ngẫm nghĩ và ý thức để sống cuộc đời của họ sao cho có đạo.
Đặc biệt, ông nhấn mạnh rằng nhà văn là người biết sống trung dung, phong lưu, tri túc, "cầm kỳ thi họa đủ mùi ca ngâm".
"Không dễ gì tổ chức được một cuộc đời như thế. Rất khó, khó nhất không phải chỉ là tiền bạc, cũng khó nhất không phải chỉ là tri thức, mà khó nhất lại là đạo đức! Các cụ ngày xưa nói "có đức mặc sức mà ăn" là vô cùng sâu sắc, vô cùng tế nhị", nhà văn Nguyễn Huy Thiệp viết.
Trả lời cho câu hỏi "Anh là ai?", nhà văn khiêm tốn tự nhận mình "là một dạng ăn may, một nhà văn may mắn gặp thời", gặp được toàn những người rất tốt.
Một số hình ảnh minh họa trong sách:
Minh họa truyện ngắn Tướng về hưu của Thành Chương
Minh họa truyện ngắn Những người thợ xẻ của Lê Trí Dũng
Minh họa của Đặng Xuân Hòa cho truyện ngắn Kiếm sắc
Minh họa của Lê Thiết Cương cho truyện ngắn Con gái thủy thần
Minh họa truyện ngắn Thương nhớ đồng quê của họa sĩ Hà Chí Hiếu
Minh họa truyện ngắn Sống dễ lắm của họa sĩ Đào Hải Phong
Minh họa truyện ngắn Con gái thủy thần của họa sĩ Đinh Quân
Minh họa truyện ngắn Giọ máu của họa sĩ Nguyễn Hồng Hưng
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận