Đây là mô hình một cửa hỗ trợ phụ nữ và trẻ em bị bạo lực đầu tiên thí điểm tại TP.HCM theo quyết định của UBND TP.HCM.
Thay vì phải đến nhiều nơi tìm kiếm sự hỗ trợ, mô hình một cửa là điểm đến an toàn, là nơi can thiệp, trợ giúp, cung cấp các gói dịch vụ thiết yếu khép kín và phù hợp cho các nạn nhân là phụ nữ và trẻ em bị bạo lực, xâm hại tình dục.
Nếu cần nơi tạm lánh khẩn cấp, nhân viên công tác xã hội Bệnh viện Hùng Vương sẽ chuyển nạn nhân tới Trung tâm Công tác xã hội - Giáo dục dạy nghề thiếu niên TP.HCM (số 14 Nguyễn Văn Bảo, phường 4, quận Gò Vấp) để chăm sóc và nuôi dưỡng, can thiệp trị liệu và tiếp cận các dịch vụ thiết yếu khác.
Mô hình này ra đời sau hơn hai năm nghiên cứu với sự chủ trì, điều phối chuyên môn của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Sở Y tế TP.HCM cùng các sở, ban, ngành, đơn vị liên quan và Bệnh viện Hùng Vương.
Đây là hoạt động nằm trong chương trình "Thành phố an toàn cho phụ nữ và trẻ em" do UBND TP.HCM thực hiện với hỗ trợ kỹ thuật của Cơ quan Liên Hiệp Quốc về bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ (UN Women) và sự đồng hành của Tổ chức PE&D tại Việt Nam.
Theo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, việc triển khai thí điểm mô hình một cửa hỗ trợ phụ nữ và trẻ em đặt tại cơ sở y tế là một giải pháp mới chưa có tiền lệ tại Việt Nam.
Phát biểu tại lễ ra mắt mô hình một cửa tại TP.HCM, bà Elisa Fernandez, trưởng đại diện UN Women Việt Nam, cho biết sự phối hợp của các bên cung cấp dịch vụ hỗ trợ cho người bị bạo lực, bao gồm nhân viên y tế, quân đội, công an, luật sư, thẩm phán, trợ giúp viên pháp lý, kiểm sát viên, cố vấn, nhà trị liệu, nhà giáo dục… có thể tạo ra sự thay đổi cần thiết trong hệ thống nhằm tăng tỉ lệ phụ nữ và trẻ em tìm kiếm sự trợ giúp từ chính quyền.
Kinh phí hoạt động của mô hình một cửa do ngân sách của UBND TP.HCM đảm bảo và được tổng hợp trong dự toán hằng năm của Sở Y tế và Sở Lao động - Thương binh và Xã hội. Thời gian thực hiện thí điểm trong giai đoạn 2022 - 2026.
Báo cáo Điều tra quốc gia về bạo lực đối với phụ nữ ở Việt Nam năm 2019 cho thấy: cứ 3 phụ nữ thì có gần 2 phụ nữ (gần 63%) bị một hoặc hơn một hình thức bạo hành thể xác, tình dục, tinh thần và bạo lực kinh tế cũng như kiểm soát hành vi do chồng/bạn tình gây ra trong cuộc đời.
Tuy nhiên, 90% phụ nữ bị bạo hành tình dục hoặc/và bạo lực thể xác do chồng gây ra không tìm kiếm bất kỳ sự hỗ trợ nào từ các cơ quan chính quyền.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận