Phóng to |
Máy bay EC-225 đang tác nghiệp trên vùng biển VN - Ảnh: phi đội EC-225 cung cấp |
13g28, nhiệt độ tại sân bay huấn luyện của phi đội EC-225 lên đến 350C. Trong buồng lái của máy bay biển tầm xa EC-225 hôm nay có ba người: cơ trưởng Nghiêm Quang Huy, phi công Trần Hoài Nam và giáo viên huấn luyện Kiều Đăng Hùng. 13g30, “VNT EC-225 check good. Take off” (VNT EC-225 chuẩn bị tốt, xin cất cánh), cơ trưởng Nghiêm Quang Huy đọc khẩu lệnh xin cất cánh từ trung tâm điều hành bay. Sau khi đài kiểm soát không lưu thông báo sức gió, áp suất, nhiệt độ tại sân... và hạ lệnh “take off!” (cho phép cất cánh), chiếc EC-225 từ từ nhấc mình lên khỏi đường băng và bay vòng lên bầu trời xanh ngắt, bắt đầu một buổi huấn luyện bay kéo dài ba giờ.
Ứng phó mọi tình huống
Hôm nay tổ bay của cơ trưởng Nghiêm Quang Huy và phi công Trần Hoài Nam phải thực hành những nội dung vừa học buổi sáng như: xử lý tình huống máy bay bị cháy một động cơ khi đang làm nhiệm vụ ngoài biển (trong nhiều trường hợp như đang cất cánh, hạ cánh, đang treo) và phải đưa máy bay về căn cứ an toàn; tình huống máy bay phải hạ cánh khi đang ở vùng ngoài đệm không khí (helipad); máy bay bị hỏng hệ thống thủy lực khi đang bay; điều khiển cất cánh ở những khu vực bãi hạn chế...
Giáo viên huấn luyện ngồi kèm bên cạnh để đưa ra tình huống và theo sát mọi thao tác của phi công. Phi công Huy và Nam phải thay nhau cầm cần điều khiển chính 90 phút, người lái phụ thì cầm “check list” (tức danh mục kiểm tra, gồm những thuật ngữ chuyên ngành) đọc cho đồng đội thực hiện và xác nhận đúng mới được phép điều khiển, xử lý tình huống.
Trong suốt ba giờ, EC-225 đã thực hiện nhiều vòng bay ra ven biển và thực hành những tình huống đã học. Có lúc chiếc EC-225 cứ bay vòng tròn trên khu vực đường băng, có lúc lại chao đảo (trong tình huống máy bay bị mất thăng bằng)... theo yêu cầu tình huống mà giáo viên huấn luyện đưa ra.
“Tình huống khó nhất là khi máy bay ở vùng ngoài đệm không khí (helipad) và đang treo ở độ cao 130 feet (hơn 40m) rồi cắm một góc 150 cho đến khi đạt được VTOSS, tức tốc độ cần thiết để đưa máy bay lên cao. Ở tình huống này, giáo viên huấn luyện đã thực hành mẫu cho chúng tôi một lần. Nhưng lần đầu khi cắm chúc xuống một góc 150 ở độ cao 130 feet, tôi thật sự thấy ngợp”, phi công Trần Hoài Nam chia sẻ.
16g30. Chiếc EC-225 quay về đường băng sau 31 lần hạ cánh ở nhiều tình huống, kết thúc buổi huấn luyện. Bước ra từ buồng lái, nụ cười tươi làm rạng rỡ những gương mặt đỏ ửng vì nắng. Buổi “giảng bình” (tổng kết, rút kinh nghiệm) diễn ra ngay tại khu vực gần đường băng với tổ kỹ thuật của phi đội EC-225, trong khi chiếc EC-225 đang được tổ kỹ thuật đưa vào hangar (nhà để máy bay).
“Mục đích của bài huấn luyện ngày hôm nay là cho phi công quen các kỹ thuật điều khiển cơ bản để thao tác chuẩn khi xử lý tình huống và rèn luyện bản lĩnh cho người chiến sĩ phi công. Khi máy bay đang bay nhưng có tình huống không hay xảy ra, họ phải phán đoán máy bay đang ở tình trạng nào để xử lý. Hôm nay anh Huy và Nam tiếp thu tốt, tiến bộ so với buổi huấn luyện trước”, giáo viên huấn luyện Kiều Đăng Hùng nhận xét.
Những người lái EC-225
“Lần đầu tiên nhìn thấy EC-225, tôi bị choáng ngợp bởi sự hiện đại của nó vì không khác gì buồng lái của máy bay Boeing. Máy bay EC-225 có hệ thống điều khiển bằng thiết bị điện tử, tích hợp kỹ thuật số, áp dụng công nghệ mới nhất, được trang bị các hệ thống tự động lái và các trang thiết bị dẫn đường rất hiện đại để đảm bảo công tác hoạt động trong mọi điều kiện thời tiết... Đặc biệt, nhờ được lắp thêm khoang chứa dầu phụ nên EC-225 có thể bay liên tục hơn năm giờ”, cơ trưởng Nghiêm Quang Huy nói.
Để được ngồi trên chiếc máy bay biển tầm xa hiện đại ấy, mỗi phi công như anh Huy, anh Nam... phải trải qua những khóa đào tạo khắt khe ở VN và nước ngoài. Tất cả phi công trong phi đội EC-225 được tuyển chọn từ các trung đoàn chiến đấu của Quân chủng phòng không không quân khắp cả nước.
Nhiều người trong số họ đã có kinh nghiệm lái nhiều loại máy bay chiến đấu, trong đó có không ít người thuộc thế hệ 8X. Thành viên nhỏ tuổi nhất đội bay mới sinh năm 1986. Các thành viên được chọn phải dành gần 18 tháng học tiếng Anh do khi huấn luyện bay hoặc làm nhiệm vụ, phi công chỉ được trao đổi bằng ngôn ngữ này.
Sau đó họ được đưa sang Pháp tham gia hai tháng đào tạo và phải vượt qua cuộc sát hạch quan trọng. Chỉ những ai đủ điều kiện nhận chứng chỉ mới được tham gia huấn luyện với máy bay EC-225.
Sau khi đã làm chủ được các hệ thống trang thiết bị của EC-225, học viên được huấn luyện bay sim (bay trong buồng tập với mô hình như máy bay thật đến 75% và xử lý các tình huống bất trắc do giáo viên đặt ra). Học viên được cảm nhận cảm giác máy bay trong tình huống cháy động cơ bị rung lắc, bị lao xuống biển, bị say sóng...
“Khi chúng tôi làm sai hoặc không đạt chỗ nào, ngay khi đang bay, giáo viên vẫn cho dừng lại. Thầy chỉ lên màn hình đang ở dạng tĩnh nói rõ học viên sai như thế nào và yêu cầu làm lại ngay từ thao tác đó cho đến khi hoàn thành mới học qua tình huống khác”, anh Huy kể.
Ngoài ra, học viên còn được thực hành huấn luyện bay trực tiếp ngay trên máy bay EC-225. EC-225 có hệ thống dẫn đường thể hiện bằng tham số nên theo cơ trưởng Nghiêm Quang Huy: “Dù trước đây tôi đã có kinh nghiệm được huấn luyện với máy bay vận tải của Nga, nhưng EC-225 là loại máy bay rất hiện đại nên không chỉ đòi hỏi phi công phải có trình độ bay mà còn phải giỏi tiếng Anh”.
Việc thực hành huấn luyện bay diễn ra hằng ngày nên cường độ lao động trí óc rất cao. Cơ trưởng Huy bảo lúc nào anh em cũng lẩm nhẩm các phương án xử lý tình huống bất trắc giả định cho thật nhuần nhuyễn.
Trong câu chuyện về phi đội của mình, anh Huy hay nhắc đến một lực lượng rất thầm lặng. Đó là những cán bộ, nhân viên trong đội kỹ thuật, bảo đảm hậu cần... Để các phi công điều khiển chiếc EC-225 bay lượn trên bầu trời có sự góp sức của hàng chục cán bộ, nhân viên kỹ thuật dưới mặt đất. Trước khi máy bay cất cánh, họ là những người đến sớm nhất và là người về trễ nhất sau mỗi chuyến bay.
Anh Vũ Đình Bá - phi đội phó đội kỹ thuật - cho biết: “Do phi đội mới thành lập nên anh em vẫn vừa làm vừa học. Chúng tôi phải nắm vững mấy chục ngàn chi tiết kỹ thuật của máy bay EC-225. Nhiều người ngoài giờ làm còn tự nghiên cứu tài liệu đến 11, 12g đêm. Người nào có thời gian rảnh cứ vô thư viện đọc tài liệu. Dù tất cả còn rất mới, từ lực lượng đến máy bay nhưng tự mỗi người chúng tôi đều cố gắng từng ngày. Lý do đơn giản thôi, được làm việc với máy bay EC-225 đã là niềm vinh dự lớn lao với mỗi người chúng tôi rồi”.
Chúng tôi rời sân bay huấn luyện của phi đội EC-225 khi nắng chiều vừa dịu dần. Trong hangar, những chiếc EC-225 mới tinh kiêu hãnh nằm sát nhau, bình yên trong gió chiều lồng lộng.
Trong ánh sáng của buổi hoàng hôn vừa chớm, tại hangar vẫn thấp thoáng những gương mặt trẻ trong bộ đồ kỹ thuật đang lặng lẽ thực hiện nhiệm vụ của mình, chuẩn bị cho chuyến bay ngày mai...
Những đợt sát hạch nghiêm ngặt Trong thư viện của phi đội bay EC-225 có hơn 100 cuốn tài liệu về kỹ thuật hoàn toàn bằng tiếng Anh, mỗi cuốn nặng khoảng 2,5kg. Do phải làm việc trực tiếp bằng ngoại ngữ nên trước đó, toàn bộ nhân viên kỹ thuật của phi đội đã được đưa đi đào tạo tiếng Anh ở Học viện Hàng không VN. Sau khi hoàn thành khóa học ba tháng ở Công ty Bay dịch vụ miền Nam, họ lại được gửi ra nước ngoài đào tạo thêm hai tháng. Để được làm việc với máy bay EC-225, họ phải vượt qua kỳ thi cấp chứng chỉ nghiêm ngặt của Nhà máy Eurocopter và Nhà máy sản xuất động cơ Turbomeca (Pháp). Mang trên mình trách nhiệm quan trọng ấy, hầu hết họ đều là những gương mặt thuộc thế hệ 8X. Do phải làm việc với ngôn ngữ thứ hai và phải cập nhật hằng ngày nên nhiều người trong số họ nói tiếng Anh rất tự nhiên. Dù phi đội đã mời giáo viên dạy riêng, nhiều người còn chủ động học thêm ở các trung tâm ngoại ngữ để đẩy nhanh tiến độ học. Phi đội còn phát động phong trào nói tiếng Anh mọi lúc mọi nơi, kể cả lúc ăn cơm. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận