19/07/2011 06:08 GMT+7

Quyết tâm tạo ra một DOC "thật"

KHỔNG LOAN (từ Bali, Indonesia)
KHỔNG LOAN (từ Bali, Indonesia)

TT - Ngày 18-7, sau cuộc thảo luận liên quan tới biển Đông, các quan chức cấp cao ASEAN đã thống nhất được nội dung hướng dẫn thực thi và tăng cường tuân thủ Tuyên bố về ứng xử của các bên ở biển Đông (DOC) để trao đổi với đoàn Trung Quốc, dự kiến diễn ra ngày 21-7.

ASEAN tiếp tục bàn về giải quyết tranh chấp

pLztDemK.jpgPhóng to

Ông Phạm Quang Vinh, trợ lý bộ trưởng Bộ Ngoại giao, trưởng đoàn quan chức cao cấp tại ASEAN của Việt Nam, trả lời phỏng vấn báo chí sáng 18-7 - Ảnh: Khổng Loan

Video clip "ASEAN bàn về cơ chế giải quyết tranh chấp" - TVO

“Tôi có thể khẳng định là có tiến bộ. Nếu đề cập về không khí và tinh thần thảo luận, tôi cho là thú vị - Ngoại trưởng Indonesia, tiến sĩ Marty Natalegawa, nói - Một mặt, chúng ta thấy rõ là các căng thẳng liên quan tới các vấn đề trên biển Đông đang ngày càng leo thang, thì mặt khác những nỗ lực và quyết tâm nhằm tìm kiếm những giải pháp để giải quyết vấn đề cũng gia tăng với tốc độ nhanh như vậy”. Ông cho rằng các bên hiện không còn “chấp nhận cho có” nữa giống như thời gian gần 10 năm qua. Trong bối cảnh khu vực đang ngày càng trở nên thiếu ổn định và bị chia rẽ - như ông nhận định - ông hi vọng lần này các bên sẽ tạo ra một DOC “thật”.

Với tư cách đại diện nước nắm quyền chủ tịch ASEAN, tiến sĩ Marty khẳng định: “Là quốc gia không tuyên bố chủ quyền trên biển Đông, chúng tôi rất mong muốn sử dụng được sức mạnh của các bên để tập trung vào giải quyết vấn đề đang gây rất nhiều quan tâm trong khu vực theo hướng tích cực, thay vì đơn giản là buộc tội bên nào có lỗi. ASEAN cũng như Trung Quốc đang rất quyết tâm tạo ra những tiến bộ theo một cách nào đó trong các hội nghị lần này”.

Ông thừa nhận so với năm 2010, khi tình hình liên quan tới biển Đông rất căng thẳng và dường như không có lối thoát, thì nay tình hình vẫn căng thẳng như vậy, nhưng “có khả năng tìm thấy lối thoát”. Indonesia đang cố gắng thay đổi suy nghĩ của các bên, đưa các quốc gia lại gần nhau chứ không phải chia rẽ họ, ông nhấn mạnh.

Tổng thư ký ASEAN, tiến sĩ Surin Pitsuwan cũng nêu rõ: “ASEAN và cộng đồng quốc tế đang vô cùng quan ngại về khả năng xung đột có thể xảy ra trên tuyến đường hàng hải ở khu vực, vì nền kinh tế của tất cả các thành viên khu vực đều phụ thuộc vào việc có đảm bảo được tự do hàng hải và sự ổn định về lưu thông trên biển hay không. Tôi chắc chắn là chúng ta có khả năng tạo ra một diễn đàn để các bên liên quan cùng bàn bạc về vấn đề này. ASEAN cần phải làm cho cộng đồng thế giới tin rằng khối ASEAN, đặc biệt là ASEAN và đối tác Trung Quốc, có thể giải quyết được những khác biệt liên quan tới vấn đề này, và chứng minh cho thế giới thấy là chúng tôi đang thật sự quan tâm, có thể giải quyết và sẽ giải quyết được trong hòa bình các diễn tiến mới nảy sinh, dựa trên các chuẩn mực đã thống nhất”.

Bên lề hội nghị ngày 18-7, ông Phạm Quang Vinh, trợ lý bộ trưởng Bộ Ngoại giao, trưởng đoàn quan chức cao cấp tại ASEAN của Việt Nam, cho biết ASEAN và các đối tác sẽ tiếp tục bàn bạc để hoàn thiện cơ chế giải quyết tranh chấp, xây dựng một cấu trúc khu vực nhằm đảm bảo hòa bình, ổn định và an ninh ở ASEAN, lấy ASEAN làm trung tâm. Ông cũng khẳng định lần này các nước ASEAN đã nhất trí với nhau phải tiếp tục thúc đẩy hòa bình, ổn định, an ninh và an toàn hàng hải ở khu vực theo hướng giải quyết các tranh chấp thông qua biện pháp hòa bình, tuân thủ luật pháp quốc tế và Công ước LHQ về luật biển. Ngoài ra, dự kiến hội nghị lần này sẽ chuẩn bị để cuối năm trình hội nghị cấp cao Đông Á một tuyên bố về nguyên tắc điều chỉnh các mối quan hệ cùng có lợi.

Ông cũng cho biết các bên sẽ tiếp tục các nỗ lực đã đạt được, trong đó có kế hoạch tổng thể để tăng cường kết nối trong ASEAN trên tất cả các lĩnh vực và kết nối ASEAN với Đông Á nói chung.

Đại sứ Vũ Đăng Dũng, trưởng phái đoàn đại diện thường trực Việt Nam tại ASEAN, xác nhận trong khuôn khổ hội nghị lần này trưởng đoàn Việt Nam, Phó thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Gia Khiêm sẽ có cuộc gặp song phương với trưởng đoàn của Trung Quốc là Bộ trưởng Ngoại giao Dương Khiết Trì vào ngày 21-7.

Mỹ công bố nghị quyết ủng hộ Philippines

Ngày 18-7, báo Philippines Daily Inquirer đưa tin nhóm 31 hạ nghị sĩ Mỹ đã trình lên Quốc hội Mỹ nghị quyết thể hiện sự ủng hộ Philippines liên quan đến việc giải quyết tranh chấp trên biển Đông.

“Nghị quyết ủng hộ vị thế của Philippines trong việc tìm kiếm giải pháp đa phương, hòa bình và tuân thủ theo luật pháp quốc tế, lên án việc sử dụng vũ lực hoặc công khai đe dọa” - báo Inquirer dẫn lời Ngoại trưởng Philippines Albert del Rosario tuyên bố. Ông Del Rosario cũng bày tỏ sự hoan nghênh động thái này của Washington và cho biết: “Philippines dù nhỏ nhưng đã chuẩn bị và cam kết sẽ làm mọi điều cần thiết để chống lại các hành động gây hấn”.

Nghị quyết số 352 kêu gọi một giải pháp hòa bình cho các tranh chấp lãnh hải ở biển Đông và các vùng biển sát lục địa Đông Á.

Mỹ sẽ đưa ra đề nghị mới về biển Đông tại ARF

Ngày 18-7, tờ Đại Công Báo của Hong Kong cho biết Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton sẽ đưa ra đề nghị mới về vấn đề biển Đông tại Diễn đàn khu vực ASEAN (ARF) nhằm tỏ rõ quan điểm của Washington trong việc bảo vệ “lợi ích quốc gia” của Mỹ trong khu vực này.

Báo dẫn dự thảo tuyên bố của chủ tịch ARF cho biết tuyên bố sẽ đặc biệt nhấn mạnh đến Trung Quốc, kêu gọi các nước ASEAN và Trung Quốc phải bảo đảm môi trường hòa bình, hữu hảo và hài hòa cho phát triển kinh tế và phồn vinh trong khu vực.

Tuyên bố cũng nhấn mạnh tính cấp bách của việc đề ra các nguyên tắc thực thi và tăng cường tuân thủ Tuyên bố về ứng xử của các bên ở biển Đông (DOC), kêu gọi Trung Quốc và ASEAN khởi động để đề ra các quy tắc ứng xử có tính ràng buộc hơn.

KHỔNG LOAN (từ Bali, Indonesia)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên