24/03/2023 08:22 GMT+7

Quyết liệt chặn game không phép

Game không phép đạt doanh thu xấp xỉ 5.000 tỉ đồng/năm tại thị trường Việt Nam nhưng không phải chịu trách nhiệm gì với người chơi game cũng như cơ quan quản lý nhà nước. Theo các chuyên gia, cần có các biện pháp mạnh để ngăn chặn game không phép.

Game đánh bài không phép tràn lan trên các kho ứng dụng smartphone tại Việt Nam - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Game đánh bài không phép tràn lan trên các kho ứng dụng smartphone tại Việt Nam - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Ngày 23-3, phát biểu tại hội nghị triển khai các giải pháp quản lý kênh thanh toán đối với game, Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Thanh Lâm nhìn nhận đang có tình trạng cạnh tranh không lành mạnh trên thị trường cung cấp game, trong đó các doanh nghiệp game tuân thủ quy định của pháp luật bị thiệt thòi.

"Quan điểm của Bộ TT&TT đối với việc xử lý game không phép rất nhất quán, quyết liệt, vướng đâu xử lý đấy, tìm giải pháp để xử lý", ông Lâm khẳng định.

Doanh thu game không phép 5.000 tỉ đồng/năm

Ông Lê Quang Tự Do, cục trưởng Cục Phát thanh - Truyền hình và Thông tin điện tử, cho biết doanh thu ước tính trong lĩnh vực game tại Việt Nam năm 2022 là hơn 500 triệu USD, trong đó game không phép chiếm 30%.

"Hàng trăm nghìn game không phép đang phát hành trên mạng, trong đó chủ yếu cung cấp xuyên biên giới vào Việt Nam qua Google Play, Apple Store, Valve Stream. Doanh thu của game không phép ước tính khoảng gần 5.000 tỉ đồng/năm", ông Do thông tin.

Trên thực tế, trong khi các doanh nghiệp trong nước bị quản lý bởi nhiều quy định, các nhà cung cấp xuyên biên giới lại phát hành không phép, thanh toán qua trung gian và không phải đóng thuế.

Theo ông Do, doanh nghiệp game nước ngoài làm được điều này vì các kênh thanh toán cho game không phép đều có thanh toán thông qua kênh thanh toán trung gian...

"Một bên quá nhiều lợi thế, một bên chịu nhiều quy định ràng buộc, cuộc chơi chắc chắn không công bằng, Nhà nước cũng thất thu rất lớn về thuế", ông Do nói.

Theo Bộ TT&TT, đến nay có hơn 220 doanh nghiệp game trong nước được cấp giấy phép ở Việt Nam, nhưng số doanh nghiệp thực sự hoạt động và cung cấp game ra thị trường chỉ còn 30 đơn vị, "còn lại thoi thóp hết vì không thể cạnh tranh với game nước ngoài".

Trong khi đó, đang tồn tại rất nhiều hệ lụy, tác hại từ game không phép đã xảy ra trên thực tế. Đó là game được người chơi game Việt Nam nạp tiền nhưng không chịu bất kỳ trách nhiệm nào liên quan nội dung.

Vi phạm nhiều nhất liên quan đến khiêu dâm, xuyên tạc về lịch sử, tuyên truyền lệch lạc về "đường lưỡi bò", dòng tiền bị chảy ra nước ngoài khoảng 5.000 tỉ đồng/năm không phải đóng thuế, người chơi bị mất tiền do game đột ngột đóng cửa nhưng không biết ai để liên hệ...

"Trong năm 2022, có game không phép thu hút nhiều người Việt Nam tham gia, mặc dù cơ quan quản lý đã cảnh báo game không phép nhưng vẫn có rất nhiều người bị lừa mất tiền", ông Do cho biết thêm.

Ai dung túng, tạo điều kiện?

Tại hội nghị, nhiều đại biểu cho rằng nguyên nhân chính của tình trạng game không phép là việc cung cấp xuyên biên giới trên Apple Store và Google Play quá dễ dàng. Việc thanh toán cũng dễ dàng, có chiết khấu với các doanh nghiệp.

Quan trọng nhất là các trung gian thanh toán, nhà mạng thực sự chưa coi trọng việc thanh toán cho game này có phép hay không nên dẫn đến việc thanh toán cho game không phép rất nhiều. Trong đó, các ví điện tử chiếm tới 60% tổng thanh toán.

Theo các đại biểu, việc thanh toán cho game hiện nay quá dễ dàng bằng nhiều hình thức, các trung gian thanh toán không chủ động kiểm tra, thậm chí không kiểm tra được vì một số lý do nên dẫn tới việc nạp tiền cho game không phép, cờ bạc, vi phạm pháp luật dễ dàng.

Trong khi đó, người dùng vẫn thiếu ý thức cảnh giác trong quá trình lựa chọn và sử dụng dịch vụ, ứng dụng game. "Chúng ta đã biết việc này nhưng chưa có giải pháp thực sự hiệu quả", một đại biểu thừa nhận.

Trong thời gian tới, theo ông Nguyễn Thanh Lâm, luật chơi phải sòng phẳng hơn. Theo đó, Bộ TT&TT sẽ phối hợp với Bộ Công an, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) để có những biện pháp ngăn chặn game không phép.

Cụ thể, Bộ TT&TT sẽ yêu cầu các tổ chức, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trung gian thanh toán thực hiện các giải pháp ngăn chặn, không kết nối và thanh toán cho các game không phép qua hệ thống thanh toán của đơn vị mình hoặc khi nhận được yêu cầu từ cơ quan quản lý nhà nước.

"Trường hợp thanh toán qua IAP phải yêu cầu Apple, Google cung cấp đầy đủ các thông tin về giao dịch để thực hiện các biện pháp ngắt kết nối hoặc chặn thanh toán cho game không phép", đại diện Bộ TT&TT nói và cho biết sẽ chỉ đạo Cục Phát thanh - Truyền hình và Thông tin điện tử định kỳ hằng tháng gửi danh sách các game đã được cấp phép, danh sách game không phép để các trung gian thanh toán đối chiếu, không thanh toán hoặc kết nối thanh toán tới các game không phép.

Phải chặn kết nối và thanh toán

Bộ TT&TT đề nghị Bộ Công an và NHNN phối hợp giám sát, kiểm tra và xử lý nghiêm nếu đơn vị trung gian thanh toán tiếp tục thanh toán cho game không phép.

Theo đó, NHNN có biện pháp ngăn chặn, không cho các đơn vị trung gian này được thanh toán cho game. Các nhà mạng ngăn chặn đường truyền truy cập tới các cổng trung gian thanh toán không phép, chặn đường truyền truy cập tới các website/ứng dụng cung cấp game vi phạm pháp luật Việt Nam...

Cũng tại hội nghị, đại diện các đơn vị trung gian thanh toán như MoMo, ZaloPay, VTC Pay... cam kết chỉ thanh toán những game, cho những doanh nghiệp hợp pháp theo luật pháp Việt Nam.

Tuy nhiên, các doanh nghiệp cũng bày tỏ khó khăn do cách hiểu các bên khác nhau về việc game được cấp phép, không phép.

"Trước giờ chúng tôi chưa nhận được hướng dẫn từ bộ. Nếu bộ cung cấp thông tin, chúng tôi sẽ làm việc với Apple, Google", một doanh nghiệp cho biết.

Các doanh nghiệp trung gian thanh toán cũng đề nghị Bộ TT&TT làm việc trực tiếp với Google, Apple để chặn game không phép từ đầu nguồn. Đồng thời, muốn bộ có quy định và hành lang cụ thể, chặt chẽ hơn.

Cụ thể, các đơn vị trung gian thanh toán đều mong muốn nhận thông tin định kỳ từ Bộ TT&TT hướng dẫn game nào được thanh toán, game nào thì không...

Ông Phạm Anh Tuấn, vụ trưởng Vụ Thanh toán (NHNN), khẳng định NHNN đã nêu rõ quan điểm ủng hộ Bộ TT&TT phòng chống thanh toán cho game không phép.

"Quan điểm là bộ ngành phải chặn ngay từ đầu nguồn thì không còn hàng hóa bất hợp pháp để mà thanh toán nữa. Bộ cần cung cấp danh sách game bất hợp pháp trên mạng cũng như những tài khoản được quảng cáo là nhận tiền từ game", ông Tuấn kiến nghị.

Cũng theo ông Tuấn, văn bản 1080 yêu cầu nghiêm cấm thanh toán cho game bất hợp pháp do Bộ TT&TT cung cấp chỉ cập nhật đến tháng 2-2020.

"Nếu Bộ TT&TT cung cấp danh sách hằng tuần, chúng tôi cũng sẽ chỉ đạo hằng tuần cho trung gian các đơn vị thanh toán và tổ chức tài chính", ông Tuấn cam kết.

Xử nghiêm doanh nghiệp đặt quảng cáo vào nội dung xấu độc, vi phạm pháp luật

Một quảng cáo ở kênh YouTube có nhiều video về chửi tục, đánh nhau bằng hung khí - Ảnh: B.MAI chụp lại

Một quảng cáo ở kênh YouTube có nhiều video về chửi tục, đánh nhau bằng hung khí - Ảnh: B.MAI chụp lại

Tại văn bản về việc tuân thủ pháp luật liên quan đến hoạt động quảng cáo trên mạng, được ký ban hành ngày 23-3, Bộ TT&TT cho biết sẽ tăng cường rà soát, phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp doanh nghiệp đặt quảng cáo vào nội dung xấu độc, vi phạm pháp luật trên mạng.

Trong đó, Bộ TT&TT đề nghị các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ quảng cáo và các nhãn hàng nghiêm túc thực hiện việc tăng cường rà soát, sàng lọc vị trí cài quảng cáo trên mạng, không để quảng cáo bị gắn vào trang, kênh, tài khoản, nội dung xấu độc, vi phạm pháp luật theo quy định.

Bộ TT&TT cũng yêu cầu các doanh nghiệp có hoạt động quảng cáo, kinh doanh dịch vụ quảng cáo xây dựng danh sách nội dung xấu độc trên mạng của đơn vị mình (black list) để loại trừ quảng cáo.

"Chấm dứt tình trạng triển khai quảng cáo tràn lan không kiểm soát, dẫn đến việc gián tiếp tiếp tay cho các nội dung xấu độc, vi phạm pháp luật được sản xuất và phát tán trên không gian mạng", văn bản nhấn mạnh và cho biết sẽ chỉ đạo các đơn vị chức năng tăng cường rà soát, phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp đặt quảng cáo vào nội dung xấu độc, vi phạm pháp luật.

Danh sách trắng dành cho quảng cáo

Thứ trưởng Nguyễn Thanh Lâm cho biết để hỗ trợ việc tuân thủ pháp luật quảng cáo trên môi trường mạng, lần đầu tiên Bộ TT&TT xây dựng danh sách nội dung "đã được xác thực" trên mạng (gọi tắt là white list - danh sách trắng) chính thức công bố ngày 23-3.

White list gồm danh sách đã được cấp phép của 301 báo, tạp chí điện tử; 1.381 trang thông tin điện tử tổng hợp và 953 mạng xã hội với đầy đủ thông tin về cơ quan cấp phép, số giấy phép, đơn vị được cấp phép, cơ quan chủ quản, tên miền website.

Các đơn vị, tổ chức, cá nhân xem chi tiết white list trên trang abei.gov.vn của Cục Phát thanh - Truyền hình và Thông tin điện tử.

"Bộ khuyến nghị các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ quảng cáo, các nhãn hàng xem xét lựa chọn quảng cáo trong "white list" nhằm đảm bảo an toàn thương hiệu, góp phần phát triển hệ sinh thái quảng cáo và nội dung số Việt Nam an toàn, lành mạnh", ông Lâm nhấn mạnh.

Sẽ chặn kết nối và thanh toán với game không phép?Sẽ chặn kết nối và thanh toán với game không phép?

Doanh thu ước tính trong lĩnh vực game tại nước ta trong năm 2022 là hơn 500 triệu USD, thì game không phép chiếm 30% (chủ yếu cung cấp xuyên biên giới vào Việt Nam qua Google Play và Apple Store).

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên