17/09/2021 19:12 GMT+7

'Quy hoạch đất chú trọng xây dựng các tuyến đường ven biển'

QUANG THẾ
QUANG THẾ

TTO - Ngày 17-9, Hội đồng thẩm định Quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và kế hoạch sử dụng đất 5 năm (2021-2025) đã họp phiên đầu tiên dưới sự chủ trì của Phó thủ tướng Lê Văn Thành, chủ tịch hội đồng.

Quy hoạch đất chú trọng xây dựng các tuyến đường ven biển  - Ảnh 1.

Một lô "đất vàng" bỏ hoang trên địa bàn quận Cầu Giấy (Hà Nội) gần 20 năm - Ảnh: QUANG THẾ

Phó thủ tướng nhấn mạnh: "Quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất vừa là cơ sở, vừa là động lực để phát triển kinh tế - xã hội. Nếu chúng ta không có quy hoạch, kế hoạch bảo đảm chất lượng, có tầm nhìn, thì sẽ rất khó phát triển.

Không làm kỹ càng, bài bản, khoa học, không có tầm nhìn thì quy hoạch sử dụng đất không tạo được diện mạo, không gian phát triển cho mỗi ngành, mỗi địa phương cũng như cả nước".

Do đó, Phó thủ tướng yêu cầu đặt ra là quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đai phải có tính thực tiễn cao để phục vụ phát triển kinh tế, vừa phải có tính khoa học, tầm nhìn.

Đánh giá công tác lập quy hoạch, Phó thủ tướng cho rằng Bộ Tài nguyên và môi trường đã có nhiều nỗ lực, hoàn thiện khối lượng công việc lớn trong một thời gian ngắn. Đồng thời đã tập trung chỉ đạo xây dựng quy hoạch, kế hoạch một cách bài bản, khoa học, công phu để hoàn thiện dự thảo trình ra hội đồng.

Quy hoạch đất chú trọng xây dựng các tuyến đường ven biển  - Ảnh 2.

"Đất vàng" bỏ hoang tại khu đô thị Nam Trung Yên (quận Cầu Giấy, Hà Nội) - Ảnh: QUANG THẾ

Tại phiên họp, hội đồng đã nghe, thảo luận về báo cáo quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và kế hoạch sử dụng đất 5 năm (2021-2025); báo cáo tổng hợp, tiếp thu, giải trình ý kiến thành viên hội đồng.

Phó thủ tướng cho rằng, về cơ bản dự thảo quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã đáp ứng hai mục tiêu lớn là đã xác định được định hướng phân bổ không gian và chỉ tiêu sử dụng các nhóm đất lớn như: nông nghiệp, đất rừng, đất phi nông nghiệp...

Theo đó, quy hoạch, kế hoạch đã chú trọng việc bảo đảm quỹ đất cho phát triển hạ tầng giao thông, hạ tầng công nghiệp, hạ tầng đô thị, an ninh, quốc phòng.

Dự thảo đề xuất chỉ tiêu đến năm 2030 cả nước có khoảng 15,8 triệu ha đất phục vụ mục đích phát triển rừng, tương đương khoảng 48% tổng diện tích tự nhiên của cả nước. Đất chuyên trồng lúa đến năm 2030, theo dự thảo quy hoạch là khoảng 3,57 triệu ha.

Ngoài ra, Phó thủ tướng Lê Văn Thành cũng lưu ý về việc quy hoạch đất phục vụ phát triển các vùng, khu vực ven biển. "Thực tế thời gian qua, khu vực ven biển đã trở thành động lực phát triển của nhiều địa phương. Trong đó, việc quy hoạch và đầu tư xây dựng các tuyến đường ven biển tạo ra tiềm năng phát triển rất lớn…", Phó thủ tướng nói.

Trong thời gian tới, Phó thủ tướng đề nghị Bộ Tài nguyên và môi trường khẩn trương tiếp thu các ý kiến, tập trung hoàn thiện để trình các cấp có thẩm quyền theo quy định.

Bộ Tài nguyên và môi trường ban hành kế hoạch chi tiết xây dựng dự án Luật Đất đai (sửa đổi)

Trước đó, ngày 9-9, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và môi trường Trần Hồng Hà ký ban hành quyết định số 1732 "kế hoạch chi tiết xây dựng dự án Luật Đất đai (sửa đổi)".

Theo quyết định số 1732, thành lập ban soạn thảo, tổ biên tập xây dựng dự án, tổ chức lấy ý kiến rộng rãi... Trên cơ sở nội dung công việc trên, kế hoạch yêu cầu thành lập 8 nhóm để giúp Bộ trưởng tổ chức thực hiện trong suốt quá trình xây dựng dự án Luật Đất đai (sửa đổi).

Quy hoạch TP.HCM đến 2040, tầm nhìn 2060: Thủ tướng Chính phủ phê duyệt những gì? Quy hoạch TP.HCM đến 2040, tầm nhìn 2060: Thủ tướng Chính phủ phê duyệt những gì?

TTO - Trong nhiệm vụ điều chỉnh quy hoạch chung mới, TP.HCM là trung tâm tài chính và dịch vụ của khu vực Đông Nam Á và châu Á - Thái Bình Dương.

QUANG THẾ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên