02/06/2015 09:08 GMT+7

“Quy định thế này, tôi có thể làm Thủ tướng được”

V.V.THÀNH
V.V.THÀNH

TT - “Nếu chúng ta quy định trách nhiệm của Thủ tướng như thế này thì tôi có thể làm Thủ tướng được” - ông Nguyễn Bá Thuyền nói trong phiên thảo luận về dự thảo Luật tổ chức Chính phủ (sửa đổi).

Sáng 1-6, Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự thảo Luật tổ chức Chính phủ (sửa đổi).

Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Nguyễn Đức Kiên cho rằng dự thảo luật dành ra nhiều điều khoản để quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Thủ tướng và các bộ trưởng, tuy nhiên quy định như vậy thì quyền hạn và trách nhiệm không tương xứng với nhau.

“Tôi chỉ xin gửi lại ban soạn thảo một câu hỏi, trong trường hợp xảy ra vụ việc như Vinashin thì các đồng chí rút kinh nghiệm quy định trách nhiệm như thế nào?” - ông Kiên nói.

Ông Nguyễn Bá Thuyền nói: “Nếu chúng ta quy định trách nhiệm của Thủ tướng như thế này thì tôi có thể làm Thủ tướng được”

Đại biểu Nguyễn Bá Thuyền (Lâm Đồng) cũng nhận định theo dự thảo luật thì nhiệm vụ, quyền hạn của Thủ tướng rất lớn, nhưng trách nhiệm thì rất nhỏ.

“Nếu chúng ta quy định trách nhiệm của Thủ tướng như thế này thì tôi có thể làm Thủ tướng được” - ông Nguyễn Bá Thuyền nói.

Ông Thuyền giải thích dự thảo luật quy định Thủ tướng chỉ có trách nhiệm báo cáo trước Ủy ban Thường vụ Quốc hội, trước Quốc hội, trước Chủ tịch nước và vắng mặt thì ủy quyền. Nếu quy định trách nhiệm như vậy là quá nhỏ, trong khi Thủ tướng có quyền hạn rất lớn.

Từ cách đặt vấn đề này, ông Thuyền đề nghị phải thiết kế nhiệm vụ, quyền hạn của Thủ tướng Chính phủ rất rõ trong dự thảo luật, từ đó mới có thể quy trách nhiệm được.

Trong phiên họp, các đại biểu cũng đã thảo luận sôi nổi về số lượng cấp phó trong Chính phủ, các bộ và các cơ quan thuộc Chính phủ. Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Phan Trung Lý cho biết tiếp thu ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Quốc hội cho xác định rõ số lượng tối đa thứ trưởng, phó thủ trưởng cơ quan ngang bộ là không quá 5; trong đó Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Bộ Ngoại giao là không quá 6; số lượng cấp phó của tổng cục là không quá 4; số lượng cấp phó của cục, vụ, văn phòng, thanh tra và các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc bộ, cơ quan ngang bộ là không quá 3.

Từ thực tiễn, đại biểu Lê Đình Khanh (Hải Dương) kể câu chuyện về UBND tỉnh nọ ra quy định mỗi sở không quá 3 phó giám đốc, nhưng hiện thời họ có đến 4 - 5 phó giám đốc.

“Khi hỏi tại sao thì họ bảo trung ương cũng quy định không quá 4 thứ trưởng, nhưng mà lên đến 9 thứ trưởng có chết ai đâu? Thôi thì mình nói thì cứ phải nói theo sách, nhưng làm thì vận dụng. Đây là chuyện thật 100%” - ông Khanh nói.

Theo ông Khanh, luật có rồi nhưng trên sai một li thì dưới đi một dặm, tình trạng nhờn pháp luật cũng sẽ diễn ra ở nhiều lĩnh vực khác nữa.

“Kể cả với Bộ Quốc phòng, Bộ Ngoại giao. Báo cáo với Quốc hội, tôi nghe nói quốc phòng của Trung Quốc không phải ít quân nhưng người ta không có thứ trưởng. Ở nhiều nước bộ ngoại giao không có thứ trưởng mà chỉ có trợ lý, hoặc là một số nước mà dân số gấp ba, bốn lần Việt Nam mà họ chỉ có tổng thống và một phó tổng thống, họ vẫn làm việc tốt. Ở Việt Nam mà cứ giảm 1/3 cấp phó so với dự thảo luật quy định thì tôi chắc chắn bộ máy sẽ vận hành tốt hơn” - ông Khanh nói.

Theo dự kiến, ngày 19-6 Quốc hội sẽ biểu quyết thông qua dự thảo Luật tổ chức Chính phủ (sửa đổi).

V.V.THÀNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên