27/08/2019 11:01 GMT+7

Quy định quản lý taxi: Nơi ủng hộ, nơi rụt rè

THU DUNG - TRƯỜNG TRUNG - V.HUỲNH ghi
THU DUNG - TRƯỜNG TRUNG - V.HUỲNH ghi

TTO - Việc "đồng phục" cho taxi để nhằm dễ quản lý trong thời buổi taxi công nghệ phát triển tràn lan hiện nay có cần thiết không, vì sao "đồng phục" cho taxi thông thường nhưng không "đồng phục" cho taxi công nghệ?

Quy định quản lý taxi: Nơi ủng hộ, nơi rụt rè - Ảnh 1.

Các hãng taxi hoạt động tại khu vực sân bay Tân Sơn Nhất (TP.HCM) - Ảnh: NGỌC PHƯỢNG

Ông Tạ Long Hỷ (chủ tịch Hiệp hội Taxi TP.HCM):

Không khả thi tại TP.HCM

Theo tôi, phần lớn các quy định mới về quản lý taxi mà TP Hà Nội đề xuất rất khó triển khai. Đặc biệt là không khả thi đối với thị trường taxi tại TP.HCM hiện nay.

Trước hết, TP Hà Nội đề xuất các hãng taxi phải có cùng màu sơn, có 5 màu cơ bản gồm vàng, đỏ, trắng, xanh và ghi khá bất tiện. Có thể thấy, hiện nay các hãng taxi khác nhau sẽ có màu sắc, thiết kế, logo riêng...

Mỗi hãng đã trải qua thời gian dài xây dựng thương hiệu, chất lượng mới chiếm được vị trí trong lòng người dân. Bây giờ quy định các hãng dùng chung màu sơn, người dân sẽ không còn phân biệt được giữa các hãng, không nhận diện được thương hiệu nào uy tín để sử dụng.

Khi xảy ra sự cố trên xe, tai nạn trên đường, chúng ta hoàn toàn không nhận biết được tài xế của hãng xe nào đã gây ra. Không chỉ vậy, chi phí thay đổi thiết kế, màu sắc cho vài chục ngàn xe là không nhỏ, gây lãng phí.

Việc quy hoạch phạm vi vùng nội thành, ngoại thành cho các hãng taxi hoạt động cũng không phù hợp, điều này sẽ đẩy lùi sự phát triển của ngành vận tải này. Không chỉ vậy, các hãng hoạt động ở ngoại thành sẽ ít khách, thu nhập không cao. Lúc này, hãng taxi và tài xế sẽ rơi vào tình trạng khó khăn.

Riêng đề xuất thành lập Trung tâm quản lý phần mềm dùng chung taxi Hà Nội thì cần thiết. Theo đó, toàn bộ các hãng phải mở tài khoản điện tử để thực hiện việc trả phí tự động cũng như việc nộp phạt khi vi phạm pháp luật về giao thông đường bộ.

Ý tưởng này góp phần quản lý, quy hoạch lại hoạt động taxi. Chúng ta sẽ điều hành bằng công nghệ, đảm bảo quản lý nghiêm ngặt dịch vụ taxi, đảm bảo các khoản phí được truy thu đầy đủ. Tuy nhiên, TP Hà Nội phải cân nhắc cách triển khai và hình thức triển khai sao cho hiệu quả, tránh các hệ lụy làm rối loạn thị trường taxi.

Tóm lại, tại TP.HCM, việc thay đổi quy định là chưa cần thiết. Thay vào đó, chúng ta nên tập trung nâng cao chất lượng taxi tại TP.HCM. Tập trung quy hoạch phát triển, đảm bảo cân bằng giữa taxi công nghệ và taxi thông thường.

Chị Nguyễn Hoàng Dũng (hành khách taxi tại TP.HCM):

Nên sớm triển khai trong cả nước

Khi các TP lớn như Hà Nội, TP.HCM đồng loạt áp dụng màu sơn chung cho các hãng taxi, có phần mềm chung để quản lý hoạt động taxi sẽ đem lại lợi ích lớn cho khách hàng. Màu sơn chung sẽ giúp khách hàng dễ dàng nhận diện xe taxi nhái, taxi dù, tránh tình trạng lên nhầm xe và bị chặt chém.

Hiện nay, tại TP.HCM xuất hiện nhiều taxi dù. Các xe này không có phù hiệu, logo taxi nhưng trên xe dán số điện thoại gần giống số điện thoại các hãng taxi lớn. Nhiều du khách nước ngoài, khách từ xa đến đã bị nhầm lẫn, đi nhầm với mức phí "cắt cổ".

Nhà nước nên cân nhắc sớm triển khai những đề xuất này rộng rãi ở nhiều tỉnh, thành trong cả nước nhằm quản lý hoạt động taxi tốt hơn, nâng cao chất lượng dịch vụ taxi.

Ông Võ Thành Nhân (chủ tịch Hiệp hội Taxi Đà Nẵng):

Đà Nẵng: lo "vỡ trận" các loại xe

Đến thời điểm này TP có quy hoạch taxi là 1.700 chiếc. 8 đơn vị thành viên của Hiệp hội Taxi đã đạt đến con số này và không phát triển thêm nhưng Grab lại triển khai hoạt động trên địa bàn.

Việc này không những phá vỡ quy hoạch vận tải mà còn gây thiệt hại đến các doanh nghiệp chấp hành tốt chính sách pháp luật. Hiệp hội Taxi Đà Nẵng ước tính có từ 3.000 - 5.000 taxi công nghệ hoạt động. "Đà Nẵng đang gặp vấn đề "vỡ trận" các loại xe dưới 9 chỗ. Không riêng gì taxi công nghệ đăng ký tại Đà Nẵng mà còn từ các địa phương khác về đây hoạt động" - ông Nhân nói.

Về những nội dung trong dự thảo quy chế về quản lý taxi trên địa bàn TP Hà Nội, ông Nhân cho rằng việc quản lý về màu sắc là "khó chấp nhận", bởi màu sắc là đặc điểm nhận dạng thương hiệu mà các hãng đã dày công vun đắp.

"Tôi nghĩ taxi và các loại xe đăng ký là xe kinh doanh nên cấp riêng một loại biển số, màu vàng chẳng hạn để thuận bề quản lý cũng như thu phí" - ông Nhân đề xuất.

Ông Đỗ Lâm Tới (giám đốc Công ty Open 99 Vĩnh Long):

"Đồng phục" có cần không?

Việc quy định màu sơn riêng biệt cho từng hãng taxi khó khả thi vì đối với những TP lớn như Hà Nội, TP.HCM có đến vài chục hãng taxi thì 5 màu sẽ không đủ bố trí riêng cho từng hãng và như thế vẫn có những hãng trùng màu với nhau.

Việc "đồng phục" cho taxi để nhằm dễ quản lý trong thời buổi taxi công nghệ phát triển tràn lan hiện nay có cần thiết không, vì sao "đồng phục" cho taxi thông thường nhưng không "đồng phục" cho taxi công nghệ?

Quản lý taxi bằng màu ở các nước

Taxi ở Thái Lan có màu sắc vô cùng sặc sỡ, từ một màu như hồng, tím, cam, xanh, vàng cho tới kết hợp hai màu với nhau. Tuy nhiên, không phải các hãng taxi tùy ý sơn màu mà màu sắc có ý nghĩa mã hóa riêng phục vụ công tác quản lý.

Taxi hai màu chia làm ba loại: vàng - lục, đỏ - xanh và vàng - cam. Trong đó vàng - lục là chỉ taxi tư nhân, màu đỏ - xanh biển là taxi cho thuê, màu vàng - cam là chỉ taxi của công ty.

Trái với Bangkok (Thái Lan), New York (Mỹ) lại nổi tiếng với taxi chỉ có một màu duy nhất là màu vàng. Xuất hiện năm 1907, các hãng taxi vẫn sơn màu tùy thích và bắt mắt.

Vào năm 1912, John Hertz - nhà sáng lập Công ty taxi Yellow Cab - quyết định sơn toàn bộ taxi của hãng thành màu vàng, sau khi ông đọc được nghiên cứu cho rằng màu vàng là màu nổi bật nhất, dễ thấy từ xa.

Chẳng bao lâu sau, màu vàng trở thành "mốt" trong giới taxi. Tới khi ngành công nghiệp taxi ở New York phát triển mạnh, cạnh tranh trở nên gay gắt, giới chức New York ban hành Đạo luật Hass vào năm 1937 để siết chặt số lượng taxi.

Tới năm 1967, New York quyết định rằng tất cả taxi được cấp phép và có logo đều phải được sơn màu vàng. Từ đó hình ảnh taxi màu vàng là một trong nhiều biểu tượng của New York.

Trong khi đó, taxi ở Hàn Quốc được chia làm ba màu chính, có quy định giá cước riêng. Taxi màu cam là taxi của hãng, tài xế nộp doanh thu cho hãng.

Taxi màu trắng là taxi riêng, tài xế và hãng ăn chia tiền doanh thu theo quy định. Taxi hạng sang có màu đen và hộp đèn màu vàng trên nóc xe, thân xe có sọc vàng.

Thăm dò ý kiến

Hà Nội dự kiến chia vùng phục vụ và quy định màu cho taxi để quản lý tốt hơn và thuận lợi cho khách hàng. Bạn:

Bạn có thể chọn 1 mục. Bình chọn của bạn sẽ được công khai.

Taxi ở Hà Nội phải mở tài khoản điện tử để trả phí và... nộp phạt Taxi ở Hà Nội phải mở tài khoản điện tử để trả phí và... nộp phạt

TTO - Ngoài việc mở tài khoản điện tử, taxi ở Hà Nội phải dọn rửa đảm bảo 'nội thất không mùi' và được thiết kế theo 5 màu sơn xe cơ bản, để từ năm 2026 sẽ thống nhất 'khoác' màu sơn chung đối với xe taxi hoạt động trên địa bàn Hà Nội.


THU DUNG - TRƯỜNG TRUNG - V.HUỲNH ghi
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên