11/11/2015 16:31 GMT+7

​Quy định không rõ ràng, hơn 30 con tê tê chết oan

SƠN BÌNH
SƠN BÌNH

TTO - Vì phải chờ quyết định xử lý vật chứng mới được thả về rừng, nhiều con tê tê bị bắt giữ trong các vụ buôn bán động vật quý hiếm phải chết oan vì không quen môi trường nuôi nhốt.

Những con tê tê tịch thu được trong những vụ buôn bán trái phép

Chiều 10-11, ông Trần Quang Phương, quản lý Chương trình bảo tồn thú ăn thịt và tê tê (CPCP) - một trương trình hợp tác giữa Vườn quốc gia Cúc Phương và Trung tâm Nghiên Cứu và Bảo tồn động vật hoang dã (Save Vietnam’s Wildlife) cho biết chỉ hơn hai tháng qua đã có hơn 30 con tê tê tạu CPCP đã bị “chết oan” do quy định của pháp luật chưa rõ ràng.

Tê tê chết khi chờ ngày về rừng

Theo ông Phương, tại CPCP hiện có khoảng 70 con đạt tiêu chuẩn sức khỏe, sẵn sàng để tái thả lại môi trường tự nhiên.

Tuy nhiên, cơ quan công an cùng kiểm lâm đã không đồng ý cho trung tâm thả những con tê tê trên về rừng bởi cho rằng phải chờ đến khi vụ án hình sự được xử lý xong và có quyết định xử lý tang vật (là các con tê tê này) theo luật tố tụng hình sự.

Theo ông Phương, hậu quả của việc chờ đợi kết quả giải quyết vụ án này là hơn 30 con tê tê đủ sức khỏe để về lại môi trường tự nhiên đã chết.

Theo CPCP, hai loài tê tê Java (Manis javanica) và tê tê vàng (Manis pentadactyla) đều nằm trong danh sách những động vật được bảo vệ cao nhất trên thế giới, thuộc nhóm loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ.

Khi kéo dài thời gian nuôi giữ những con tê tê, không chỉ đe dọa mạng sống của chúng mà còn tốn kém nhiều chi phí mua thức ăn.

Cụ thể, thức ăn cho một con tê tê (mối và kiến) tốn hơn 1,4 triệu đồng/tháng. Tính ra 70 con tê tê “ngốn” khoảng 100 triệu đồng/tháng.

Cũng theo CPCP, bất cập trong quy định trên không chỉ xảy ra với riêng tê tê mà nhiều động vật hoang dã khác.

“Chúng tôi đã kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền xem xét sớm có các quyết định để các động vật hoang dã nguy cấp, quý, hiếm được thả lại môi trường tự nhiên trong thời gian sớm nhất nhưng hiện vẫn chưa được giải quyết”, ông Phương cho biết.

Cần vận dụng quy định linh hoạt

 

Ông Nguyễn Văn Thái, giám đốc Save Vietnam’s Wildlife cho biết trên thế giới chưa có đơn vị nào sinh sản thành công tê tê cho mục đích kinh tế, tất cả tê tê tịch thu đều có nguồn gốc săn bắt trái phép ngoài tự nhiên.

Những con tê tê sau khi tịch thu cần được thả về tự nhiên trong thời gian nhanh nhất. Đó cũng là biện pháp xử lý tê tê sau khi tịch thu với tất cả các nước trên thế giới nên ở nước ta cần thay đổi quy định pháp luật để động vật quý hiếm sớm được thả về tự nhiên.

Theo ông Thái, khi bắt giữ các vụ vận chuyển hoặc tiêu thụ động vật hoang dã trái phép, cơ quan điều tra chỉ cần có đầy đủ thông tin về loài, số lượng cá thể, trong lượng và lưu giữ lại hình ảnh để tiến hành khởi tố vụ án, không cần phải lưu giữ vật chứng là những động vật hoang dã này chờ đến khi kết thúc vụ án mới giải quyết.

Trao đổi với Tuổi Trẻ, luật sư Võ Xuân Trung, đoàn luật sư TP.HCM cho biết theo quy định của luật tố tụng hình sự thì những động vật hoang dãm thú quý hiếm được xem là vật chứng của vụ án. Đúng là về nguyên tắc thì nếu vụ án bị khởi tố hình sự, đưa ra xét xử thì cần phải chờ bản án của tòa tuyên đối với vật chứng thì mới có thể xử lý.

Tuy nhiên, cơ quan điều tra vẫn có thể vận dụng quy định về xử lý vật chứng là "hàng hóa mau hỏng hoặc khó bảo quản" hoặc cần tiêu hủy (theo khoản 2 điều 76 Bộ luật tố tụng hình sự) để có thể sớm ra quyết định thả những động vật hoang dã về môi trường tự nhiên.

Vận dụng “mềm dẻo” cứu sống voọc quý hiếm

Sáng 5-8-2015, đại diện Công ty TNHH MTV Thảo Cầm Viên Sài Gòn đã tiếp nhận giải cứu một con voọc chà vá chân nâu quý hiếm (khoảng 4 tháng tuổi) từ Chi cục Kiểm lâm TP Đà Nẵng.

Tuy cơ quan chức năng chưa có kết luận vụ săn bắt trái phép để xử lý tang vật nhưng đặt mạng sống vọoc con lên hàng đầu.

Vọoc con hiện được chăm sóc tại Thảo Cầm Viên - Ảnh: Sơn Bình

Ông Mai Khắc Trung Trực, phó giám đốc Xí nghiệp động vật (Công ty TNHH MTV Thảo Cầm Viên Sài Gòn) cho biết sau khi nhận tin báo, ngày 5-8, ông cùng một bác sĩ thú y đã nhanh chóng ra TP Đà Nẵng ngay trong đêm để làm thủ tục tiếp nhận voọc con.

Bởi nếu không biết cách chăm sóc, voọc con sẽ chết, trong khi đây là loài thú quý hiếm có nguy cơ bị tuyệt chủng.

Khi tiếp nhận con voọc này, mọi người đã mua găng tay cắt làm áo ấm, đo nhiệt độ khách sạn, không dám mở máy lạnh. Cứ 4-5 tiếng phải cho bú một lần bằng sữa bình.

Trong quá trình ngủ, do hiểu tính voọc con bản năng luôn bám lấy voọc mẹ ngay trong lúc ngủ nên ông Trực phải đóng vai “mẹ voọc”. Đến hôm sau, mọi người lên xe trở về Sài Gòn, cũng không dám mở máy lạnh xe để voọc con giữ nhiệt.

SƠN BÌNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên