Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc - Ảnh: V.D |
Trong buổi sáng, sau khi Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu khai mạc kỳ họp, Quốc hội sẽ nghe Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu ý kiến. Báo cáo tổng kết cuộc bầu cử; kết quả xác nhận tư cách đại biểu Quốc hội; báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri cũng được trình bày tại phiên khai mạc. Chiều nay, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân trình bày tờ trình về số phó chủ tịch, số ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, sau đó các đoàn sẽ họp riêng để thảo luận nội dung này và bầu trưởng, phó đoàn.
Chiều qua 19-7, tại cuộc họp báo quốc tế giới thiệu về chương trình kỳ họp, Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết kỳ họp này có tám ngày làm việc chính thức, trong đó dành sáu ngày cho công tác nhân sự (kiện toàn bộ máy lãnh đạo cấp cao của Nhà nước).
Phóng viên Tuổi Trẻ đặt câu hỏi: “Tổng thư ký sẽ giúp các đại biểu Quốc hội, đặc biệt là đại biểu Quốc hội mới, như thế nào để họ có đủ thông tin về các ứng cử viên khi trình Quốc hội bầu và phê chuẩn bởi số lượng người được bầu và phê chuẩn tại kỳ họp này rất nhiều?”.
Ông Phúc cho biết kỳ này Ban công tác đại biểu chuẩn bị hồ sơ nhiều hơn để các đại biểu có điều kiện nghiên cứu kỹ. Thứ hai, dành thời gian thỏa đáng để đại biểu, đoàn đại biểu thảo luận, cho ý kiến. Thứ ba, ý kiến sẽ được tập hợp đầy đủ. Thứ tư, các ý kiến đó sẽ được giải trình thỏa đáng. “Hồ sơ đã được chuẩn bị kỹ, thậm chí in màu để đại biểu nhìn rõ hình ảnh” - ông nói.
Liên quan trách nhiệm về sai sót trong Bộ luật hình sự, Tuổi Trẻ hỏi: “Để xảy ra sai sót trong Bộ luật hình sự có trách nhiệm của tập thể Quốc hội (một số đại biểu Quốc hội cũng đã gửi lời xin lỗi cử tri), nhưng quá trình xây dựng bộ luật này có trách nhiệm của những đơn vị, cá nhân cụ thể, xin ông cho biết việc kiểm điểm và cá thể hóa trách nhiệm được tiến hành như thế nào?”.
Ông Nguyễn Hạnh Phúc trả lời: “Chúng ta sẽ xem xét thấu đáo, kỹ lưỡng các điều khoản sai sót trong bộ luật này, sau đó xem xét cụ thể trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân trực tiếp tham gia quá trình xây dựng bộ luật. Chúng ta biết rằng khi Chính phủ trình, Ủy ban Tư pháp giúp Quốc hội thẩm tra, Ủy ban Pháp luật rà soát các vấn đề liên quan. Việc xem xét trách nhiệm chắc chắn liên quan Quốc hội khóa XIII, đến nay có những đồng chí đã nghỉ rồi và có đồng chí tiếp tục tái cử”.
Về việc không công nhận tư cách đại biểu Quốc hội đối với ông Trịnh Xuân Thanh và bà Nguyễn Thị Nguyệt Hường, Tổng thư ký Nguyễn Hạnh Phúc coi đây là việc “rất đáng tiếc”, tới đây sẽ sửa đổi, bổ sung pháp luật về bầu cử, phải quy định chặt chẽ hơn.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận