16/07/2015 10:08 GMT+7

​Quốc hội Hi Lạp thông qua gói cải cách cùng khổ

NGUYỆT PHƯƠNG
NGUYỆT PHƯƠNG

TTO - Rạng sáng nay 16-7, Quốc hội Hi Lạp đã thông qua gói thắt lưng buộc bụng cùng khổ bất chấp sự phản đối từ nhiều nghị sĩ Đảng Syriza của Thủ tướng Alexis Tsipras.

Thủ tướng Alexis Tsipras đối mặt với sự phản đối của các nghị sĩ Syriza và người dân Hi Lạp - Ảnh: Reuters

Theo AFP, với tỉ lệ bỏ phiếu 229 thuận, 64 chống và 6 trắng, Quốc hội Hi Lạp đã thông qua các biện pháp giảm chi ngặt nghèo mà chính Đảng Syriza và người dân Hi Lạp từng phản đối dữ dội.

Bản thân ông Tsipras tuyên bố ông cũng phản đối rất nhiều điểm trong gói cải cách này, nhưng buộc phải chấp nhận để tránh nguy cơ Hi Lạp vỡ nợ và rơi vào hỗn loạn.

“Chúng ta không có sự lựa chọn nào khác ngoài việc cùng chia sẻ gánh nặng trách nhiệm này” - ông Tsipras nhấn mạnh.

Dù vậy ông Tsipras đã vấp phải sự phản đối quyết liệt từ chính nội bộ Đảng Syriza. Có 32 trên tổng số 149 nghị sĩ Syriza bỏ phiếu chống gói cải cách, bao gồm cựu bộ trưởng tài chính Yanis Varoufakis, Chủ tịch Quốc hội Zoe Constantopoulou và Bộ trưởng Năng lượng Panagiotis Lafazanis.

Tân Bộ trưởng Tài chính Euclid Tsakalotos cũng than thở việc ông ủng hộ gói cải cách “sẽ là gánh nặng suốt cuộc đời tôi”. “Tôi không biết mình có làm đúng không. Tôi chỉ biết rằng chúng tôi đã làm điều đó vì không còn sự lựa chọn nào khác” - ông Tsakalotos ngậm ngùi.

Tại cuộc bỏ phiếu, hai quan chức nội các Chính phủ Hi Lạp đã bước ra khỏi phòng họp để phản đối và nộp đơn từ chức.

Giới quan sát mô tả đây là “chiến thắng cay đắng” của ông Tsipras. Tuy nhiên để Hi Lạp được nhận cứu trợ, quốc hội các nước khối đồng euro cần phải thông qua thỏa thuận này. Tâm điểm sẽ là ngày mai 17-7 khi Quốc hội Đức, chủ nợ lớn nhất của Hi Lạp, bỏ phiếu. Trong hôm nay bộ trưởng tài chính các nước khối đồng euro cũng sẽ tổ chức cuộc họp để thảo luận việc thực hiện gói cứu trợ 86 tỉ euro (94 tỉ USD).

“Chúng tôi bị phản bội”

Đêm qua, bên ngoài tòa nhà Quốc hội Hi Lạp, khoảng 12.500 người đã biểu tình phản đối gói cứu trợ 86 tỉ euro với các yêu sách thắt lưng buộc bụng cùng khổ. Ở quảng trường Syntagma, hàng trăm người đeo mặt nạ ném đá và chai lọ về phía cảnh sát, miệng hô vang: “Chúng tôi đã bị phản bội”. Cảnh sát đã phải dùng hơi cay để giải tán đám đông cuồng nộ.

Đám đông cũng xô đẩy với cảnh sát phong tỏa con đường dẫn tới văn phòng thủ tướng. Ít nhất 40 người đã bị bắt giữ. Theo nguồn tin ban đầu, ít nhất bốn cảnh sát và một hai phóng viên ảnh AFP bị thương. Sau đó người biểu tình còn đập phá nhiều máy ATM và một số cửa hàng ở quảng trường Syntagma.

“Chính phủ của chúng ta là những kẻ phản bội. Chúng tôi bỏ phiếu chống nhưng Tsipras đồng ý với các điều kiện còn tồi tệ hơn. Quá điên rồ” - AFP dẫn lời người biểu tình Arsenios Pappas, 35 tuổi, bức xúc. Giáo viên tiểu học Natasia Kokkoli, 53 tuổi, khẳng định thỏa thuận cứu trợ “là rất bất công”. “Nếu rời đồng euro có thể Hi Lạp sẽ tìm được con đường riêng của mình” - bà khẳng định.

Nhiều người kêu gọi ông Tsipras từ chức. “Ông ấy đã nói dối người dân. Nếu còn chút tự trọng thì ông ấy nên từ chức” - người biểu tình Andronicus Sarlakis, 28 tuổi, nói. Trước đó, nhiều chính trị gia Hi Lạp cũng cho rằng với sự phản đối nhắm vào ông Tsipras, nhiều khả năng bầu cử sớm sẽ diễn ra trong năm nay.

 

 

NGUYỆT PHƯƠNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên