Theo Hãng tin Reuters, ngày 16-12 (giờ địa phương), Quốc hội Đức đã bỏ phiếu bất tín nhiệm với Thủ tướng Đức Olaf Scholz và chính phủ do ông dẫn dắt.
Động thái này diễn ra sau khi Đảng Dân chủ tự do rời khỏi liên minh cầm quyền ba đảng do Đảng Dân chủ xã hội (SPD) của ông Scholz đứng đầu hôm 6-11.
Với việc chỉ còn SPD và Đảng Xanh, liên minh cầm quyền đã không còn nắm đa số ở quốc hội và đối diện khả năng rất khó quản lý đất nước.
Cách duy nhất để cứu vãn tình hình này là tổ chức bầu cử lập pháp để thay đổi tương quan trong Quốc hội Đức.
Luật pháp Đức yêu cầu thủ tướng phải bị Quốc hội bất tín nhiệm thì tổng thống mới có thể giải tán Quốc hội và cho bầu cử toàn quốc.
Nhận thức rõ điều đó, ông Scholz đã yêu cầu quốc hội bỏ phiếu tín nhiệm bản thân dù biết trước mình cầm chắc "vé thua". Với việc đã bị bất tín nhiệm, chính phủ do ông Scholz đứng đầu về cơ bản sụp đổ.
Tuy nhiên, ông Scholz và nội các của mình vẫn sẽ giữ vai trò tạm quyền cho đến khi quốc hội khóa mới khai mạc.
Với vị thế chỉ là tạm quyền và được hậu thuẫn bởi phe thiểu số trong quốc hội, nội các của ông Scholz được kỳ vọng sẽ trải qua những ngày cuối cùng của nhiệm kỳ này trong tình trạng "tê liệt" về chính trị.
Ngay sau cuộc bỏ phiếu tín nhiệm, thủ tướng Đức đã yêu cầu Tổng thống Frank-Walter Steinmeier sớm giải thể cơ quan lập pháp để tiến tới bầu cử. Dự kiến, bầu cử tại Đức sẽ diễn ra ngày 23-2-2025.
Trong các cuộc thăm dò ý kiến cử tri, SPD và ông Scholz chỉ đứng vị trí thứ ba. Họ bị bỏ sau khá xa bởi lần lượt Đảng Liên minh dân chủ Thiên Chúa giáo (CDU) và Đảng AfD cực hữu.
Nếu không có biến động nào lớn, nhiều khả năng lãnh đạo CDU Friedrich Merz sẽ trở thành thủ tướng mới của Đức sau cuộc bầu cử sắp tới.
Khủng hoảng chính trị ở châu Âu
Việc ông Scholz "bay ghế" sớm xảy ra trong bối cảnh Chính phủ Đức phải đương đầu với cuộc khủng hoảng kinh tế ngày một trầm trọng.
Nhìn rộng ra, việc ông Scholz bị quốc hội bất tín nhiệm cũng phản ánh tình hình rối ren của Liên minh châu Âu (EU).
Trước đó, ngày 4-12, Quốc hội Pháp cũng đã bỏ phiếu bất tín nhiệm đối với thủ tướng lúc bấy giờ là ông Michel Barnier. Điều này buộc ông Barnier từ chức, mở đường cho François Bayrou lên thay và đánh dấu nước Pháp có bốn thủ tướng trong một năm dương lịch.
Như vậy chỉ trong chưa đầy hai tuần, chính phủ của hai nền kinh tế lớn nhất EU đều đã bị quốc hội nước mình bất tín nhiệm.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận