06/01/2006 06:23 GMT+7

Quốc hội chất vấn Chủ tịch Hồ Chí Minh

LÂM QUANG THỰ (đại biểu Quốc hội khóa)
LÂM QUANG THỰ (đại biểu Quốc hội khóa)

TT - Hai phiên họp đầu tiên của Quốc hội (QH) khóa đầu tiên đều nóng bỏng, căng thẳng. Phiên họp thứ nhất đứng trước nguy cơ bị tẩy chay, còn phiên họp thứ hai, Chủ tịch Hồ Chí Minh phải trả lời chất vấn trước QH.Trong những câu trả lời, chúng tôi đặc biệt chú ý những câu trả lời của Hồ Chủ tịch, lập trường thì rõ ràng, dứt khoát, hình thức thì đôi lúc dí dỏm.

DyVrraNz.jpgPhóng to

Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc tuyên thệ trước Quốc hội tại kỳ họp thứ nhất ngày 2-3-1946 - Ảnh: Tư liệu TTXVN

Kỳ họp căng thẳng

Để chuẩn bị về nội dung, địa điểm và thời gian cho kỳ họp đầu tiên của QH, nhiều cuộc họp liên tịch đã được tiến hành từ hạ tuần tháng 2-1946 giữa một bên là đại biểu của Chính phủ và các đoàn thể trong Mặt trận Việt Minh, một bên là đại biểu của VN Quốc dân đảng và VN Cách mạng đồng minh hội.

Theo sự thỏa thuận giữa hai bên thì QH sẽ bắt đầu họp vào 7g sáng ngày 3-3 tại Nhà hát lớn thành phố Hà Nội và sau đó tiếp tục họp tại làng Đình Bảng (Bắc Ninh). Chính phủ đã căn cứ vào sự thỏa thuận đó mà báo tin cho các đại biểu QH biết và gửi giấy mời phóng viên báo chí trong nước và nước ngoài tham dự buổi họp khai mạc.

Nhưng đột nhiên chiều 1-3 ở nhiều nơi trong thành phố Hà Nội xuất hiện truyền đơn do Nguyễn Hải Thần ký tên kêu gọi nhân dân “tẩy chay QH”. Hành động này bộc lộ ý đồ phá hoại kỳ họp đầu tiên của QH.

Để đề phòng, ngay tối hôm đó Chính phủ đã báo tin cho các đại biểu QH biết là QH sẽ khai mạc vào 7g sáng 2-3 (trước ngày đã định một ngày) tại Nhà hát lớn Hà Nội và đề nghị các đại biểu chỉ có mặt đúng giờ họp rồi đi thẳng vào phòng họp mà không nên tập trung trước cửa Nhà hát lớn.

Theo đúng ngày giờ qui định, các đại biểu QH đã đến họp trước sự bất ngờ của bọn phá hoại và những bộ mặt ngơ ngác của bọn hiến binh Tưởng Giới Thạch đang tuần tiễu trên các ngả đường xung quanh Nhà hát lớn.

Ngồi trong phòng họp, các đại biểu QH rất nóng lòng chờ đợi khai mạc, vì đã quá 8g rồi mà vẫn chưa thấy Hồ Chủ tịch và các vị trong Chính phủ đến. Mọi người đều nghĩ đến vụ rải truyền đơn chiều hôm qua của bọn phản động nên không khỏi băn khoăn, lo lắng về những biến cố có thể xảy ra.

Lời tuyên bố của Chủ tịch Hồ Chí Minh trước Quốc hội (*)

Lần này là lần thứ hai Quốc hội giao phó cho tôi phụ trách Chính phủ một lần nữa. VN chưa được độc lập, chưa được thống nhất thì bất kỳ Quốc hội ủy cho tôi hay cho ai cũng phải gắng mà làm. Tôi xin nhận.

Giờ tôi xin tuyên bố trước Quốc hội, trước quốc dân và trước thế giới rằng: Hồ Chí Minh không phải là kẻ tham quyền cố vị, mong được thăng quan phát tài.

Chính phủ sau đây phải là một Chính phủ toàn dân đoàn kết và tập hợp nhân tài không đảng phái.

Tôi xin tuyên bố trước Quốc hội, trước quốc dân, trước thế giới: Tôi chỉ có một Đảng, Đảng VN.

Tuy trong quyết nghị không nói đến, không nêu lên hai chữ liêm khiết, tôi cũng xin tuyên bố trước Quốc hội, trước quốc dân và trước thế giới: Chính phủ sau đây phải là một Chính phủ liêm khiết.

Theo lời quyết nghị của Quốc hội, Chính phủ sau đây phải là một Chính phủ biết làm việc, có gan góc, quyết tâm đi vào mục đích trong thì kiến thiết, ngoài thì tranh thủ độc lập và thống nhất của nước nhà.

Anh em trong Chính phủ mới sẽ dựa vào sức của Quốc hội và quốc dân, dầu nguy hiểm mấy cũng đi vào mục đích mà quốc dân và Quốc hội trao cho.

(*): Đọc tại phiên họp ngày 31-10-1946 của kỳ họp thứ hai Quốc hội khóa I, sau khi được Quốc hội nhất trí giao trách nhiệm thành lập Chính phủ mới.

(Nguồn: Hồ Chí Minh toàn tập, NXB Chính Trị Quốc Gia, Hà Nội 2000)

Vì thay đổi ngày họp nên từ 5g sáng 2-3, Hồ Chủ tịch cùng hai đồng chí tự vệ không vũ trang đến tận sào huyệt của VN Quốc dân đảng và VN Cách mạng đồng minh hội ở phố Ôn Như Hầu (nay là Nguyễn Gia Thiều), nơi mà anh em cán bộ Việt Minh và những người dân lương thiện phải tránh xa, báo cho họ biết là QH họp ngày 2-3 để họ cử đại biểu đến dự.

Khi Hồ Chủ tịch đến, họ chưa ngủ dậy. Bị đột ngột, bất ngờ, họ không nghĩ kịp cách đối phó mà chỉ tranh nhau đi dự QH. Hồ Chủ tịch phải đứng dàn xếp bảo ai đi, ai ở nhà.

Gần 9g, việc dàn xếp ở phố Ôn Như Hầu mới xong, Hồ Chủ tịch lên xe đi đến hội trường, các “đại biểu QH” do VN Quốc dân đảng và VN Cách mạng đồng minh hội cử đi dự họp QH ăn mặc quần áo sang trọng kéo theo sau vào ngồi đứng lô nhô ở phòng chờ của Nhà hát lớn. Họ phải chờ sự ưng thuận của QH mới được phép vào phòng họp. Đây chính là những người đến tận ngày hôm qua vẫn tiếp tục gây rối loạn khắp nơi.

Vẫn với bộ quần áo kaki bạc màu, đôi giày vải cũ thường ngày, Hồ Chủ tịch bước vào hội trường, theo sau là ông Vĩnh Thụy và các vị trong Chính phủ.

Hơn 300 đại biểu, cùng với nhiều khách và các nhà báo trong nước và nước ngoài đứng dậy hoan hô không ngớt khi thấy Hồ Chủ tịch. Mấy trăm cặp mắt đều đổ dồn vào Người. Tiếng vỗ tay và tiếng hoan hô chỉ dứt khi ban âm nhạc vệ quốc đoàn mặc đồng phục trắng bắt đầu cử quốc ca.

Hồ Chủ tịch bước tới máy phóng thanh, đứng im lặng một lát đưa cặp mắt trìu mến nhìn các đại biểu thay mặt các tầng lớp nhân dân cả nước về họp QH. Bằng một giọng xúc động, Người tuyên bố khai mạc đại hội, và bắt đầu đọc báo cáo về kết quả cuộc tổng tuyển cử ngày 6-1-1946. Sau đó, Hồ Chủ tịch chuyển đề nghị của Chính phủ với đại hội xin mở rộng thêm 70 đại biểu nữa trong QH và số ghế này sẽ dành cho VN Quốc dân đảng và VN Cách mạng đồng minh hội.

Toàn thể các đại biểu QH giơ tay biểu quyết và đồng thanh hô to “tán thành”.

Cuộc chất vấn đầu tiên tại Quốc hội

Để QH nghe các báo cáo và nhận định về các hoạt động của Hồ Chủ tịch và các phái đoàn QH và Chính phủ trong thời gian qua, giải quyết những vấn đề quan trọng do tình hình mới đề ra và thông qua bản hiến pháp đầu tiên của nước ta, Ban Thường trực QH triệu tập QH họp kỳ thứ hai vào ngày 28-10-1946 tại Hà Nội.

Tại kỳ họp này cụ Nguyễn Văn Tố, trưởng Ban Thường trực QH, trả lời các câu hỏi chất vấn về công tác của Ban thường trực QH. Hồ Chủ tịch và các bộ trưởng trả lời các câu hỏi và chất vấn về công tác của Chính phủ.

Trong những câu trả lời, chúng tôi đặc biệt chú ý những câu trả lời của Hồ Chủ tịch, lập trường thì rõ ràng, dứt khoát, hình thức thì đôi lúc dí dỏm, đề cập đến những vấn đề mà nhân dân ta rất quan tâm trong tình thế đất nước lúc bấy giờ.

Sau đây là những câu trả lời chất vấn của Hồ Chủ tịch:

* Về ông phó chủ tịch Nguyễn Hải Thần, ông nguyên bộ trưởng ngoại giao Nguyễn Tường Tam và ông phó chủ tịch quân sự, ủy viên hội Vũ Hồng Khanh?

Những người bỏ việc đi kia họ không muốn gánh việc nước nhà, hoặc họ không đủ năng lực mà gánh nổi, nay chúng ta không có họ ở đây. Chúng ta cũng cứ gánh được như thường. Nhưng nếu các anh em ấy biết nghĩ lại, dối không nổi với lương tâm, với đồng bào, với Tổ quốc mà trở về thì chúng ta vẫn hoan nghênh.

Còn cái tin ông Nguyễn Hải Thần tự xưng là tổng tư lệnh hải, lục, không quân VN? VN không có hải, lục, không quân thì ông Nguyễn Hải Thần cứ việc mà làm tổng tư lệnh. Nhưng nếu ông Nguyễn Hải Thần tổ chức được hải, lục, không quân cho VN thì cố nhiên chúng ta hoan nghênh.

* Về ông Chu Bá Phượng, bộ trưởng Bộ Kinh tế:

Các báo Pháp có đăng vài tin (ông Chu Bá Phượng - đại biểu VN Quốc dân đảng, thành viên của phái đoàn Chính phủ đi dự hội nghị đàm phán ở Fontainebleau, khi sang Pháp có mang vàng theo để buôn lậu, bị nhà chức trách Pháp khám phá và làm khó dễ. Các báo Pháp đều có đăng tin và ông Phượng vẫn có mặt tại kỳ họp QH này) nhưng tin ấy có thật hay không thì đã qua rồi, vả lại cũng chẳng có ảnh hưởng gì lớn, xin thôi đừng nhắc đến.

Nếu trong Chính phủ còn có những người khác làm lỗi, thì lỗi ấy tôi xin chịu, xin gánh và xin lỗi với đồng bào.

VetXY8an.jpgPhóng to

Hồ Chủ tịch năm 1946

* Về tạm ước ngày 14-9?

Tạm ước ngày 14-9 có ảnh hưởng đến các hiệp ước kỳ sau này không? Trong xã hội loài người, cái gì mà chẳng có ảnh hưởng đến cái khác? Tuy vậy những sự điều đình sau này không bị ràng buộc được. Bản tạm ước này tùy theo sự thi hành thế nào, sẽ thúc đẩy cho những điều đình sau chóng tới kết quả một cách dễ dàng.

Còn nói rằng “tạm ước 14-9 là bất bình đẳng?” thì Chính phủ không dám nhận như thế. Với bản tạm ước ấy, mỗi bên nhân nhượng một ít, ta bảo đảm cho Pháp những quyền lợi kinh tế và văn hóa ở đây, thì Pháp cũng phải bảo đảm thi hành tự do dân chủ ở Nam bộ và thả các nhà ái quốc bị họ bắt bớ.

Còn nói Pháp không thành thật thi hành tạm ước, thì ta nói vơ đũa cả nắm. Pháp cũng có người tốt, người xấu. Tôi có thể nói quyết rằng nhân dân Pháp bây giờ đại đa số tán thành ta độc lập và thống nhất lãnh thổ.

* Vì sao Chính phủ đã đề nghị thay đổi quốc kỳ?

Chính phủ không bao giờ dám đề nghị thay đổi quốc kỳ, chỉ vì một vài người trong Chính phủ đề nghị việc ấy lên, nên Chính phủ phải đề qua Ban Thường trực QH xét.

Tình thế từ ngày ấy đến giờ biến chuyển nhiều. Lá cờ đỏ sao vàng đã nhuộm bao nhiêu máu chiến sĩ VN ở Nam bộ và Nam Trung bộ, đã đi từ Á sang Âu, lại từ Âu sang Á, tới đâu cũng được chào kính cẩn. Bây giờ trừ khi cả 25 triệu đồng bào, còn ra không ai có quyền gì mà đòi thay đổi nó. (Nói đến đây mắt Người sáng quắc lên, giọng Người vang to lên, và dằn mạnh từng tiếng một, trái hẳn với vẻ điềm đạm lúc thường).

* Về Chính phủ liêm khiết?

Chính phủ hiện thời đã cố gắng liêm khiết lắm. Nhưng trong Chính phủ từ Hồ Chí Minh cho đến những người làm việc ở các ủy ban là đông lắm và phức tạp lắm. Dù sao Chính phủ đã hết sức làm gương, và nếu làm gương không xong thì sẽ dùng pháp luật mà trị những kẻ ăn hối lộ. Đã trị, đương trị và sẽ trị cho kỳ hết.

...Sau khi trả lời và nghe cụ Nguyễn Văn Tố và các vị bộ trưởng trả lời các câu hỏi chất vấn của các đại biểu QH, Hồ Chủ tịch phát biểu:

“Chính phủ hiện thời mới thành lập hơn một năm hãy còn thanh niên. QH bầu ra được hơn tám tháng lại còn thanh niên hơn nữa. Vậy mà QH đã đặt những câu hỏi thật già dặn, sắc nét, khó trả lời, đề cập đến tất cả những vấn đề có quan hệ đến vận mệnh nước nhà. Với sự trưởng thành chính trị và sự quan tâm về việc nước ấy, ai dám bảo dân ta không có tư cách độc lập?”.

---------------

Kỳ cuối: Dân chủ quá mới mẻ

90% dân số VN còn mù chữ. Rất nhiều người chưa hiểu QH là gì thế mà họ đã bầu ra QH đầu tiên trong tình thế nước sôi lửa bỏng.

LÂM QUANG THỰ (đại biểu Quốc hội khóa)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên