03/12/2019 11:55 GMT+7

'Quên' trẻ, để trẻ rơi xuống đường: Ý thức an toàn bị bỏ quên

MINH ĐỨC
MINH ĐỨC

TTO - Không lạ khi người lớn mang sự hời hợt, chủ quan từ những chuyến xe khách, xe tải... sang những chuyến xe chở trẻ nhỏ, dẫn đến chuyện bỏ quên trẻ trên xe đóng kín và để rơi trẻ xuống đường khi xe đang chạy.

Quên trẻ, để trẻ rơi xuống đường: Ý thức an toàn bị bỏ quên - Ảnh 1.

Hành khách đi xe giường nằm thường không thắt dây an toàn, ngay cả khi ở tầng trên - Ảnh: DUYÊN PHAN

"Trời ơi là trời, hàng hóa trên xe còn phải ràng buộc cho an toàn không rơi rớt. Sao có thể thờ ơ với an nguy của con người, những đứa trẻ trên xe?" - một bạn đọc Tuổi Trẻ đã cảm thán như vậy trên Tuổi Trẻ Online.

Liên tiếp hai vụ trẻ rơi khỏi xe đưa đón học sinh ở Đồng Nai. Dư luận "dậy sóng" về trách nhiệm nhà trường, tài xế, chủ xe cùng những quy định cần thiết về tiêu chuẩn an toàn trên xe đưa đón trẻ. Nhiều ý kiến mổ xẻ chiếc xe gây ra sự cố, xe gì, cửa xe ra sao, làm thế nào trẻ rơi xuống đường được và chuyện đăng kiểm xe lại được đặt ra... 

Nhưng đây không chỉ là chuyện chiếc xe hay thủ tục đăng kiểm. Nguyên nhân sâu xa là trách nhiệm và ý thức của con người về sự an toàn trên mỗi chuyến xe.

Thực tế còn đó biết bao nhiêu vụ cơi nới thùng xe để chở nhiều hàng hơn, bao vụ thùng container gắn hời hợt trên xe đầu kéo vẫn lắc lư ngoài đường cùng mối ẩn họa "quan tài bay" khiến ai cũng phải rùng mình! Còn đó bao nhiêu vụ tài xế có chất kích thích khi lái xe và gây tai nạn liên hoàn... 

Không ít vụ tài xế xe khách phóng nhanh giành đường, hàng chục con người trên xe kinh hồn bạt vía. Lo lắm, nhưng rồi ai cũng im lặng cho qua. Bao nhiêu người đi xe máy chở hàng cồng kềnh, nguy hiểm vẫn nhan nhản ngoài đường... Tất cả đều có nguyên nhân từ việc coi nhẹ sự an toàn của mình, của người khác.

Rồi chuyện mới đây thôi, ngày 30-11, Đội CSGT Công an huyện Hưng Nguyên, Nghệ An có hiệu lệnh dừng với một xe tải biển số Quảng Bình. Tài xế xe không dừng, hai CSGT đu cửa xe tải yêu cầu tài xế dừng xe để kiểm tra, tài xế nhấn ga chạy nhanh hơn và rẽ vào tuyến tránh TP Vinh. Lực lượng CSGT đã dùng xe chuyên dụng đuổi theo chặn tài xế xe tải và đưa xe về xử lý. 

Những cảnh này, đáng buồn, nhiều lần xảy ra. Và qua nhiều vụ có thể thấy đôi bên đều chọn cách hành xử rất không an toàn và sai luật. Điều này cũng xuất phát từ chuyện xem nhẹ sự an toàn và xem nhẹ pháp luật giao thông.

Không lạ khi người lớn mang sự hời hợt, chủ quan từ những chuyến xe khách, xe tải... sang những chuyến xe chở trẻ nhỏ, dẫn đến chuyện bỏ quên trẻ trên xe đóng kín và để rơi trẻ xuống đường khi xe đang chạy. Và không có gì chắc chắn chuyện này sẽ được ngăn chặn nhanh chóng khi dịch vụ xe đưa đón trẻ còn phát triển nhanh và nhiều ở khắp các tỉnh thành. 

Nhiều xe cũ, không cửa chắn (như xe Daihatsu) vẫn còn lưu hành ở giữa lòng TP.HCM, trên xe chỉ có tài xế và một đám trẻ nói cười hồn nhiên phía sau. Bao nhiêu chiếc xe cũ vẫn đang đưa đón trẻ hằng ngày. Và đáng lo hơn khi ý thức về an toàn của người lớn vẫn còn hời hợt, trẻ vẫn có thể gặp họa trên những chiếc xe đời mới, rất sang trọng.

Cần những quy định về an toàn các loại xe dùng làm dịch vụ vận tải (nhất là xe đưa đón trẻ). Rất cần. Nhưng cần nhất là sự nhận thức khác về an toàn, bắt đầu từ những quy định phù hợp nhất, chặt chẽ nhất từ cơ quan chức năng. Để từ đó, những người làm dịch vụ vận tải thay đổi ý thức từng ngày và thay đổi ý thức xã hội về sự an toàn mỗi chuyến xe.

Từng chiếc xe có an toàn hay không, khâu đăng kiểm nghiêm ngặt hay không đều do con người. Ai cũng mong sự an toàn cho mình mỗi ngày, vậy thì đừng chủ quan, thờ ơ gây mất an toàn và hạnh phúc của người khác.

Coi thường hiểm họa

Vụ tai nạn mới đây ở TP Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk), một chiếc xe khách gặp nạn, xe bị lật đè gãy cột điện và nhà dân. Hành khách trong xe chỉ có thể thoát ra ngoài khi nhiều người gần đó cùng nhau dùng búa, xà beng đập vỡ cửa kính để họ thoát hiểm.

Tôi thường xuyên đi xe khách giường nằm, và vẫn thường thấy những sự thiếu chuẩn bị thiết yếu để đề phòng những tình huống khẩn cấp, từ phía nhà xe và ngay cả hành khách. Đầu tiên là búa đập kính. Nhiều xe không trang bị búa thoát hiểm. Xe giường nằm đều có ghi hàng chữ "cửa thoát hiểm" trên kính xe, và có hãng còn nguyên giá treo búa gần đó nhưng không thấy cái búa nào phòng khi hữu sự. Lỡ như xảy ra sự cố, hành khách sẽ làm gì với lớp cửa "thoát hiểm" dày như vậy?

Chuyện tiếp theo là cài dây an toàn. Ngay cả các hãng xe giường nằm có thương hiệu, mỗi khi xe lăn bánh, nhân viên của họ thường thông báo cho mọi người về hành trình, về những quy định như không hút thuốc, không xả rác... nhưng rất hiếm khi nào tôi nghe được thông báo hành khách phải cài dây an toàn hoặc các nguyên tắc an toàn cần thiết khác.

Nếu như các quy định về an toàn được chấp hành nghiêm túc, không may tai nạn xảy ra, khả năng thoát hiểm cao hơn với thói quen mặc kệ như hiện nay. Ai cũng muốn mình có một chuyến đi an toàn, và tất nhiên là chỉ mỗi hàng chữ "tính mạng con người là trên hết" được dán trên mỗi xe vẫn không thể nào đủ tính chủ động bằng việc mọi hành khách, mọi nhà xe nên tuân thủ tuyệt đối các quy định cần thiết về an toàn, hơn là chủ quan, phó mặc cho may rủi.

TẠ TƯ VŨ

Thót tim với xe đưa rước làm học sinh rớt xuống đường Thót tim với xe đưa rước làm học sinh rớt xuống đường

TTO - Chỉ chưa đầy một tuần ở Đồng Nai xảy ra 2 vụ xe đưa rước làm rớt học sinh xuống đường khi xe đang chạy trên đường khiến nhiều phụ huynh thót tim, bất an với loại phương tiện này.

MINH ĐỨC
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên