15/05/2015 09:02 GMT+7

Quảng trường TP Đà Lạt: xây mãi không xong

CHÍNH THÀNH
CHÍNH THÀNH

TT - Dự án quảng trường trung tâm TP Đà Lạt (còn gọi là quảng trường Lâm Viên) sau sáu năm khởi công xây dựng vẫn chưa hoàn thành, trong khi vốn đầu tư đội lên gần một nửa.

Công trình khối nụ hoa tại quảng trường Lâm Viên đang được thi công - Ảnh: C.Thành
Công trình khối nụ hoa tại quảng trường Lâm Viên đang được thi công - Ảnh: C.Thành

Năm 2009, nhằm tạo điểm nhấn cho TP Đà Lạt, UBND tỉnh Lâm Đồng quyết định xây dựng quảng trường Lâm Viên với hai công trình đặc trưng là khối kiến trúc hoa dã quỳ và khối nụ hoa.

Tọa lạc cạnh hồ Xuân Hương, kề nhà Thủy Tạ và khách sạn Palace, sau lưng là dinh 2, quảng trường được coi là trái tim của TP Đà Lạt.

Chậm do bố trí vốn nhỏ giọt

Ông Võ Ngọc Trình - giám đốc Ban quản lý dự án quảng trường Lâm Viên - cho biết dự án chính thức khởi công tháng 8-2009 với tổng mức đầu tư hơn 464 tỉ đồng. Tuy nhiên, trong ba năm (từ năm 2009-2011) UBND tỉnh chỉ giải ngân cho ban quản lý dự án được 45 tỉ đồng. Nguồn vốn bố trí khiêm tốn như vậy đã kéo dài tiến độ thi công toàn dự án.

“Theo chủ trương của Chính phủ và UBND tỉnh, nguồn vốn ngân sách phân bổ cho dự án bao nhiêu thì chúng tôi làm theo vốn bố trí bấy nhiêu. Tuy nhiên bắt đầu năm 2013 tới nay, nguồn vốn tỉnh bố trí mạnh nên tiến độ hoàn thành dự án đang rất gần” - ông Trình nói.

Theo hồ sơ phê duyệt điều chỉnh vốn, tới cuối năm 2012 UBND tỉnh Lâm Đồng có quyết định phê duyệt điều chỉnh dự án, điều chỉnh vốn từ hơn 464 tỉ đồng lên hơn 681,5 tỉ đồng. Riêng gói thầu số 19 với ba hạng mục chính là hạng mục khối đế hai tầng hầm, khối hoa dã quỳ và khối nụ hoa có tổng vốn đầu tư 388 tỉ đồng.

Lý do vốn tăng theo giải trình từ chủ đầu tư (UBND TP Đà Lạt) là việc lập dự án trong thời gian chưa đầy bốn tháng quá gấp rút khiến đơn vị thi công cùng chủ đầu tư chưa nghiên cứu kỹ và tính toán đầy đủ khối lượng dự án, chọn vật liệu thích hợp cho công trình.

Cụ thể, chủ đầu tư thay thế tấm lợp alu, khung nhôm của khối hoa dã quỳ và nụ hoa theo phương án được duyệt ban đầu bằng loại kính cường lực màu, tấm nhôm nhập từ nước ngoài để đảm bảo tính bền vững và mỹ thuật công trình.

Các vật liệu hầu hết đều được nhập từ Đức, Ấn Độ, Hàn Quốc... Thời gian ban quản lý dự án trình UBND tỉnh phê duyệt điều chỉnh dự án và kế hoạch đấu thầu kéo dài gần một năm.

Trong đó, việc trình hồ sơ để Sở Kế hoạch - đầu tư thẩm định, xin ý kiến Bộ Xây dựng trước khi trình lại UBND tỉnh duyệt chính thức cũng là nguyên nhân chính dẫn tới dự án chậm hoàn thành.

Ngoài ra, trong quyết định phê duyệt dự án của UBND tỉnh vào tháng 6-2009 không có mốc thời gian hoàn thành dự án, chỉ có thời gian thực hiện.

“Nhiều người cho rằng dự án hoàn thành sau 36 tháng tính từ thời điểm khởi công xây dựng. Tuy nhiên, đây chỉ là mốc thời gian hoàn thành một số gói thầu trong toàn bộ dự án. Trong đó chúng tôi hoàn thành khu dịch vụ thương mại dưới tầng hầm để hệ thống siêu thị Big C thuê mặt bằng vào tháng 1-2013” - ông Trình chia sẻ.

Phối cảnh quảng trường Lâm Viên với hai công trình là khối hoa dã quỳ và nụ hoa hồng
Phối cảnh quảng trường Lâm Viên với hai công trình là khối hoa dã quỳ và nụ hoa hồng

Biểu tượng cho hoa Đà Lạt

Sáng 14-5, có mặt tại khu vực quảng trường Lâm Viên, chúng tôi ghi nhận khối công trình hoa dã quỳ, khối nụ hoa và hệ thống tầng hầm còn đang thi công. Trong đó phần khối nụ hoa đã được ốp kính viền màu xanh và vàng bao quanh.

Riêng công trình cung nghệ thuật được cách điệu bằng bông hoa dã quỳ khổng lồ, nổi bật tại vị trí quảng trường mới chỉ hoàn thành xong bộ khung sắt. Thoạt nhìn người dân rất khó hình dung hai công trình trên nếu không có người giải thích.

Thậm chí, nhiều người dân và du khách cho biết họ không biết hai khối kiến trúc được xây dựng lâu nay tại quảng trường Lâm Viên là hai công trình gì.

Kiến trúc sư Trần Văn Dũng - tác giả quy hoạch kiến trúc dự án quảng trường Lâm Viên - cho biết dự án có tổng diện tích 7,3ha, trong đó điểm nhấn chính của dự án là biểu tượng bông hoa dã quỳ (cung nghệ thuật) cao 18,26m và biểu tượng nụ hoa (quán cà phê) cao 15m. Trong đó khối nụ hoa có diện tích 508m2, khối hoa dã quỳ có diện tích 1.200m2, sức chứa 1.000 người.

Ông Dũng khẳng định hai công trình biểu tượng hoa khi đưa vào thiết kế đã có những cách điệu nhất định.

Ví dụ như thực tế búp hoa dã quỳ khi nở cánh sẽ bung lớn và cong, nhưng khi thiết kế chỉ có thể cách điệu bằng những cánh hoa màu vàng ôm lượn theo các cung tròn của khối nhà hình bán cầu. Trong đó, nhụy hoa được thiết kế nghiêng, đảm bảo người xem đứng ở vị trí hồ Xuân Hương đối diện công trình có thể cảm nhận được biểu tượng này.

Riêng khối nụ hoa, tác giả cách điệu nụ hoa bằng kính với đường xoắn lượn sinh học mô phỏng cánh hoa. “Tôi lấy ý tưởng hoa dã quỳ, nụ hoa hồng xanh hay búp hoa atisô là những sản phẩm đặc trưng, biểu tượng hoa tại TP Đà Lạt và tỉnh Lâm Đồng để thiết kế. Chính vì đây là sản phẩm cách điệu nên người dân có thể hiểu theo một số cách cảm nhận khác nhau” - ông Dũng cho biết.

Ông Bùi Quang Sơn - phó giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Lâm Đồng - cho rằng việc thiết kế, phối màu khối nụ hoa chỉ có tính biểu trưng tương đối, không phải tả thực của hai loại hoa này.

“Vấn đề là người dân thấy công trình kiến trúc đẹp là thành công chung của dự án. Sau khi quảng trường Lâm Viên chính thức đưa vào sử dụng, người dân có ấn tượng, dần hiểu được ý nghĩa của hai công trình này thì quá tốt” - ông Sơn chia sẻ.

Về câu hỏi thời gian hoàn thành công trình biểu tượng hoa Đà Lạt trên, ông Trình cho biết đã báo cáo về tiến độ hoàn thành dự án quảng trường Lâm Viên tới UBND tỉnh Lâm Đồng. “Tôi khẳng định cuối tháng 9 sẽ lợp xong phần áo khối hoa dã quỳ. Chậm nhất là tháng 12-2015 sẽ hoàn thành toàn bộ dự án” - ông Trình nói.

Công trình khối bông hoa dã quỳ nhìn từ đường mới mở nối với đường Hồ Tùng Mậu - Ảnh: C.Thành
Công trình khối bông hoa dã quỳ nhìn từ đường mới mở nối với đường Hồ Tùng Mậu - Ảnh: C.Thành

Không hiểu xây cái gì

Một số người dân TP Đà Lạt có nhận xét khác nhau về điểm nhấn đặc trưng của quảng trường Lâm Viên.

Bà Trần Đan Vy (55 tuổi, ngụ đường Trần Lê, P.4, người dân bản địa sinh sống tại Đà Lạt 30 năm) chia sẻ: “Gần ba năm nay chúng tôi có để ý hai công trình lạ mọc lên giữa quảng trường nhưng thú thật là tôi không biết chúng có ý nghĩa gì, chỉ thấy giống quả dâu tây hay dáng dấp nụ hoa nào đó.

Trước giờ Đà Lạt có nhà thờ Con Gà, dinh Bảo Đại, nhà Thủy Tạ... là công trình biểu tượng của Đà Lạt ngày xưa. Còn hai công trình giờ vừa giống hoa dã quỳ và hoa hướng dương, cái thì vừa giống nụ hoa hồng, hoa atisô hay nụ hoa chung chung thì khó hiểu quá”.

Còn ông Trần Văn Trung (50 tuổi, ngụ đường 3-2, P.1, kinh doanh tại chợ Đà Lạt) nhận xét: “Nhìn xa xa chúng tôi thấy giống búp hoa nhưng màu sắc vừa vàng vừa xanh thì không giống loại hoa nào tôi biết tại Đà Lạt”.

 

CHÍNH THÀNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên