Ông Hoàng Nam, phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị kiêm Trưởng ban tổ chức Lễ hội Vì hoà bình đã chia sẻ với Tuổi Trẻ Online về những thông điệp mà lễ hội này muốn mang đến cho không chỉ Việt Nam mà cả nhân loại.
"Chung tay kiến tạo thế giới hoà bình"
* Thưa ông, thông điệp chính mà Quảng Trị muốn gửi gắm trong lễ hội này là gì?
- Đất nước ta trải qua những cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại. Quảng Trị lại là một trong những chiến trường khốc liệt nhất. Là vùng đất chịu đựng quá nhiều hy sinh mất mát, đau thương, nên hòa bình trở thành khát vọng cháy bỏng.
Nên khi lễ hội Vì hoà bình được tổ chức trên mảnh đất này thì thông điệp chính là tôn vinh giá trị của hòa bình, kêu gọi mọi người chung tay đấu tranh, gìn giữ, xây dựng cuộc sống hoà bình, thịnh vượng, bền vững cho quê hương, đất nước và nhân loại.
Tưởng niệm, tri ân các anh hùng liệt sĩ đã anh dũng hy sinh vì sự trường tồn của Tổ quốc; tưởng niệm các nạn nhân chiến tranh, những mất mát đau thương do chiến tranh gây ra.
Từ mảnh đất này, Quảng Trị sẽ truyền đi một thông điệp mạnh mẽ về sức sống mãnh liệt của dân tộc Việt Nam yêu chuộng hòa bình, con người Việt Nam hòa hiếu, bao dung và nhân nghĩa, Việt Nam mong muốn đóng góp vào kiến tạo và gìn giữ hòa bình, chung tay cùng bạn bè quốc tế xây dựng một thế giới hòa bình, đoàn kết và phồn vinh.
Lễ hội này còn mong muốn truyền tải thông điệp về một góc nhìn mới, rằng hòa bình không chỉ là trạng thái không có xung đột và mở rộng ra, hòa bình là tình yêu giữa cá nhân và cộng đồng; hòa bình là khúc hoan ca, là niềm hạnh phúc, là những điều bình dị trong cuộc sống...
Một thế giới hòa bình đòi hỏi tất cả mọi người cùng đồng lòng, sẵn sàng cùng nhau vượt qua ranh giới địa lý, văn hóa và tôn giáo để xây dựng một thế giới đầy yêu thương và sự công bằng.
* Quảng Trị có gì để lan tỏa thông điệp và khát vọng lớn lao này ra thế giới?
- Vì quá khứ gắn liền với chiến tranh, bom đạn, nên Quảng Trị cũng là nơi chứng kiến sự hàn gắn thời hậu chiến mạnh mẽ nhất.
Bắt đầu từ tiến trình bình thường hóa quan hệ Việt - Mỹ, nhiều hoạt động đối ngoại Nhà nước, đối ngoại nhân dân, mà điểm nhấn là hoạt động tìm kiếm và trao trả hài cốt binh lính Mỹ mất tích trong chiến tranh (MIA), cung cấp thông tin và phối hợp tìm kiếm hài cốt liệt sĩ quân giải phóng Việt Nam… đã được triển khai mà Quảng Trị đóng vai trò tâm điểm.
Các hoạt động truyền thông và hợp tác khắc phục hậu quả chất độc Dioxin, khắc phục hiểm họa bom mìn cũng được thực hiện rộng khắp tại Quảng Trị.
Quảng Trị cũng là nơi đã và đang triển khai rất nhiều sáng kiến về sự hàn gắn, hòa giải, xây dựng lòng tin, xây dựng hòa bình. Trong đó, nhiều đoàn ngoại giao, cựu chiến binh, du khách nước ngoài, trong đó có các Đại sứ Hoa Kỳ đã đến viếng Nghĩa trang liệt sĩ quốc gia Trường Sơn, Nghĩa trang liệt sĩ quốc gia Đường 9 và các địa danh lịch sử trong tỉnh.
Quảng Trị cũng đã phối hợp Đại sứ quán Ireland cùng thắp đèn xanh cầu Hiền Lương lịch sử, để cây cầu không mang biểu tượng chia cắt mà là biểu tượng cho sự kết nối của các dân tộc… Tất cả là những hành động đó cho thấy Quảng Trị đang nỗ lực để hòa bình không chỉ là khát vọng.
Cũng có rất nhiều người bạn quốc tế đã chọn mảnh đất Quảng Trị để gởi gắm thông điệp về hòa bình. Như bà Jerilyn Brusseau (một người Mỹ có em trai mất trong chiến tranh Việt Nam) đã sáng lập là tổ chức Cây Hòa bình Việt Nam.
Hàng chục năm qua, tổ chức này đã tham gia rà phá bom mìn, hỗ trợ nạn nhân bom mìn và phát triển cộng đồng cũng như trồng cây xanh hòa bình trên đất Quảng Trị.
Bà Heidi Kuhn (nhà sáng lập tổ chức Roots of Peace (Gốc rễ của hòa bình) đã chọn Quảng Trị để thực hiện việc biến những mảnh đất bị đạn bom cày xới năm xưa thành những nông trại, những vườn tiêu xanh tốt.
Đó là ông Chuck Searcy (một cựu binh Mỹ) đã sáng lập dự án Renew với sứ mệnh rà phá bom mìn trả lại bình yên cho mảnh đất này trong hơn chục năm qua.
* Lễ hội sẽ không có bế mạc, điều này mang ý nghĩa gì thưa ông?
- Lễ hội Vì hòa bình sẽ được tổ chức theo hướng "mở", chỉ có ngày bắt đầu chứ không có... bế mạc. Vì câu chuyện hòa bình có giá trị trường tồn, cho nên ước nguyện hòa bình không bao giờ kết thúc.
Đây cũng là cách tỉnh Quảng Trị gửi đi thông điệp: bất cứ lúc nào, công chúng cũng có thể tới tận hưởng không khí lễ hội, không khí vì hòa bình tại Quảng Trị.
Vì sao Quảng Trị được chọn tổ chức lễ hội Vì hoà bình?
Không phải ngẫu nhiên mà Chính phủ đồng ý cho Quảng Trị đứng ra tổ chức lễ hội có ý nghĩa lớn lao, mang tầm quốc gia, quốc tế như lễ hội Vì hòa bình. Mà bởi Quảng Trị đã hội đủ nhiều yếu tố, nhiều câu chuyện về hòa bình suốt dặm dài lịch sử của đất nước mà không nhiều nơi có được.
Quảng Trị có hai dòng sông lịch sử liên quan đến 2 hiệp định về hòa bình gồm Hiệp định Geneve (1954) và Hiệp định Paris (1972) là Bến Hải và Thạch Hãn. Cũng ở mảnh đất này, trong hai cuộc trường chinh của dân tộc để có được hòa bình, đạn bom cày xới, chuyện sống chết chỉ là gang tấc. Càng ở nơi chiến tranh ác liệt nhất, con người càng mang khát khao hòa bình mãnh liệt nhất.
Xây dựng thành trì hòa bình từ tâm trí con người
Tổng Giám đốc UNESCO Audrey Azoulay đã đánh giá cao, hoan nghênh sáng kiến nhân văn của Việt Nam, rất phù hợp với sứ mệnh của UNESCO. Bởi theo bà Audrey Azoulay "Vì chiến tranh bắt nguồn từ trong tâm trí con người, nên phải xây dựng thành trì về hòa bình từ trong tâm trí con người".
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận