Dù có nhiều biển khuyến cáo không leo trèo lên cổng Tò Vò nhưng nhiều du khách vẫn vô tư leo trèo vì không có người quản lý - Ảnh: TRẦN MAI
Theo số liệu thống kê, năm 2018 đảo Lý Sơn đón hơn 200.000 lượt du khách tham quan. Các danh thắng đón du khách năm sau luôn cao hơn năm trước nhưng chưa được bảo tồn tốt, cần có phương án thu phí du khách phục vụ công tác này.
Tuy nhiên, đề án thu phí đang nhận những ý kiến trái chiều. Đại diện một đơn vị lữ hành cho rằng du khách ra đảo đã mua vé tàu, sử dụng dịch vụ lưu trú, ăn uống trên đảo là đủ. Thu thêm phí tham quan giống như tận thu, sẽ mất nguồn khách lớn ra đảo mỗi năm.
Di sản là tài sản của người dân, nhà nước quản lý và cấp kinh phí bảo vệ, du khách đến Lý Sơn đã đóng rất nhiều loại thuế phí, không chấp nhận đóng thêm phí.
Ý kiến trên trang Facebook của “phượt thủ” B.T.T.
Trong khi đó, giám đốc một đơn vị lữ hành khác lại cho rằng: "Đã đến lúc thay đổi tư duy "tham quan chùa", nên thu phí vì lợi ích lâu dài cho Lý Sơn và chính du khách. Tôi cho rằng du khách văn minh sẽ chấp nhận trả mức phí này.
Mấy ngày qua, tôi tham khảo ý kiến du khách trong các tour đi Lý Sơn phần lớn đồng ý nhưng giá phí phải hợp lý. Số du khách không đồng tình nguyên nhân chính vẫn là không muốn trả thêm tiền vào việc tham quan".
Ông Nguyễn Viết Vy, bí thư Huyện ủy Lý Sơn, cho biết hiện Lý Sơn có 21 di tích cấp quốc gia và cấp tỉnh cùng nhiều di chỉ địa chất có giá trị lớn. Cùng với đó là một không gian văn hóa, chứng cứ lịch sử đặc biệt quý giá gắn liền với biển đảo và chủ quyền dân tộc đối với hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa.
Tuy nhiên, việc bảo tồn, giữ gìn các di sản, di tích trên đảo còn nhiều hạn chế bởi nguồn ngân sách quá nhỏ, chủ yếu dựa vào cấp trên hỗ trợ.
Phương án thu phí tham quan đảo Lý Sơn Đảo Lớn: Các thắng cảnh hang Câu; chùa Hang; cổng Tò Vò; đỉnh núi Thới Lới; Nhà trưng bày lưu niệm hải đội Hoàng Sa kiêm quản Bắc Hải, những danh thắng này nằm ở xã An Hải và An Vĩnh. Đảo bé: Các di tích lịch sử, công trình văn hóa tại xã An Bình Miễn giảm phí đối với cá nhân, tổ chức đi Lý Sơn công tác, người tàn tật, trẻ em... Đồ họa: N.KH.
"Việc thu phí góp phần nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước, bù đắp một phần kinh phí cho công tác quản lý, bảo quản, tu bổ, phục hồi, phát huy giá trị di tích, danh lam thắng cảnh... Đã đến lúc du khách chung tay bảo tồn và bảo vệ đảo Lý Sơn" - ông Vy nói.
Trong khi đó, tiến sĩ Chu Mạnh Trinh, phó phòng nghiên cứu và hợp tác quốc tế Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm, nêu quan điểm: Lý Sơn nên thu phí tham quan từ lâu rồi, đến nay mới có đề án là quá chậm.
Theo ông Trinh, những cảnh đẹp trên đảo Lý Sơn xứng đáng được mua với giá cao hơn giá đề xuất. Cùng với đó, khách tham quan Lý Sơn tăng quá nhanh, các di sản, di tích phải phục vụ nhiều hơn, công tác bảo tồn phải tính đến trước khi quá muộn. Du khách tham quan phải có trách nhiệm bảo tồn thông qua đóng phí.
PGS.TS Võ Văn Minh - phó hiệu trưởng Trường đại học Sư phạm, trưởng nhóm nghiên cứu môi trường và tài nguyên sinh vật (Đại học Đà Nẵng) - cũng cho rằng việc thu phí sẽ tăng trách nhiệm của cộng đồng và các bên liên quan. Đây không phải là bị thu phí mà là được đóng phí.
Ông Đặng Ngọc Dũng - phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi - cho biết: Trước khi trình đề án cho HĐND tỉnh Quảng Ngãi, các cơ quan tham mưu đã học tập kinh nghiệm ở các điểm tham quan khác trên cả nước đang thực hiện thu phí.
"Việc bảo tồn phục vụ chính du khách. Tỉnh cam kết sẽ minh bạch và làm bảo tồn Lý Sơn tốt nhất" - ông Dũng nói.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận