HLV Nguyễn Thành Công khẳng định vẫn ở lại cùng Quảng Nam- Ảnh: ANH NGUYỄN
Khép lại V-League 2017, Quảng Nam có cùng 48 điểm với Thanh Hóa sau 26 vòng đấu. Danh hiệu quán quân được trao cho Quảng Nam nhờ nhỉnh hơn về chỉ số phụ: 46-32 so với 44- 29 của Thanh Hóa.
Bốn năm sau đó, chỉ số phụ lại trở thành sự phân định khiến Quảng Nam rớt xuống hạng nhất- cùng được 18 điểm với Nam Định, nhưng hiệu số bàn thắng bại của họ là 28-41 (-13) so với 19-30 (- 11) của Nam Định.
Trong lịch sử V-League, có nhiều đội đoạt chức vô địch rồi phải xuống đá giải hạng nhất như Cảng Sài Gòn, Đồng Tâm Long An, nhưng việc đặt chân lên đỉnh cao - vô địch rồi rơi xuống vực sâu - rớt hạng được phân định bởi chỉ số phụ như Quảng Nam là trường hợp hi hữu. Có lẽ còn lâu lắm bóng đá Việt Nam mới có thế gặp lại hình ảnh ngộ như vậy.
Thất bại của Quảng Nam đã được dự báo từ sau lúc V-League 2020 khai cuộc bởi nhiều trụ cột của họ không có được phong độ tốt nhất do phải thi đấu liên tục, không có thời gian nghỉ ngơi hồi phục (Thanh Trung, Văn Cường), lực lượng kế thừa có khoảng cách khá xa, rồi thì chấn thương đã lấy đi của họ không ít nhân sự (Lucas, Phước Chí, Huy Hùng, Hà Minh Tuấn).
Với đội hình chắp vá theo kiểu chẳng đặng đừng như vậy, HLV dù có tài ba tới đâu cũng phải chịu trận. Thay vì sát cánh làm chỗ dựa tinh thần cho ban huấn luyện thì giới chức hữu trách của CLB nhăm nhăm tìm người thay thế "thuyền trưởng".
Cách làm như vậy chắc chắn sẽ ảnh hưởng không nhỏ về tâm lý, thậm chí làm tổn thương lòng tự trọng của HLV trưởng. Việc họ chia tay nhau là không tránh khỏi.
Người mới đến luôn có cách làm việc, lên chiến thuật và chọn đội hình xuất phát theo cách riêng của mình. Muốn là một việc, có đủ quân để làm hay không là việc khác. Đó là cảnh ngộ của HLV Đào Quang Hùng (SHB Đà Nẵng) khi đến thay cho đồng nghiệp Vũ Hồng Việt ở lượt đi. Ông Hùng rồi cũng phải ra đi khi không thể giúp cải thiện thứ hạng của Quảng Nam.
Ba trận thắng liên tục vẫn không cứu được Quảng Nam phải xuống đá giải hạng nhất mùa sau- Ảnh: ANH TUẤN
Ba vòng cuối của giải, HLV Nguyễn Thành Công đến thay Đào Quang Hùng thắp lên ngọn lửa le lói với ba chiến thắng trước Nam Định (2-0), SHB Đà Nẵng (3-1) rồi Hải Phòng (4-2).
Nhưng tất cả quá muộn. Chuỗi trận không thành công, bị lọt lưới quá nhiều ở các vòng đấu trước đó chính là nguyên nhân khiến đội bóng xứ Quảng rơi đài do kém hiệu số bàn thắng bại.
Dự cảm được sự khó khăn cho đội nhà không ai khác hơn chính là chủ tịch CLB Quảng Nam- ông Nguyễn Húp. Trong hai lần cuộc chơi tạm hoãn bởi COVID-19, ông chủ tịch này đã kiến nghị rồi phát biểu với giới truyền thông về việc nên hủy giải rồi đề xuất không có đội xuống hạng mùa bóng 2020.
Được xưng tụng là "mưu sĩ" của bóng đá đất Quảng bởi mối quan hệ rộng, biết khá nhiều chuyện hậu trường bóng đá nước nhà, nắm trong tay ngân quỹ dồi dào của CLB nên tiếng nói của vị chủ tịch này luôn có trọng lượng.
Tuy nhiên, việc kiến nghị hủy giải. không có đội rớt hạng đã cho thấy rằng vị chủ tịch đã biết, và biết rất rõ rằng CLB của mình sẽ có kết cục ra sao vào cuối mùa bóng.
Ông Nguyễn Húp đã chèo chống, lèo lái hết cỡ nhưng rốt cục thì Quảng Nam giã từ V-League vì kém hiệu số bàn thắng bại.
Ba năm trước, Quảng Nam lên ngôi đã được giới truyền thông truyền tai nhau từ sớm. Cái cách mà họ đăng quang cũng không để lại quá nhiều ấn tượng, không nhiều điều để nói.
Ba năm sau, việc họ rớt hạng cũng là điều được dự báo trước nên cũng không là điều bất ngờ. Có chăng là một chút thi vị pha lẫn chút uất ức khi rớt hạng bởi kém đối thủ về chỉ số phụ.
Quảng Nam rớt hạng, khó có thể giữ được chân công thần Đinh Thanh Trung (trắng) trong thời gian tới- Ảnh: ANH TUẤN
"Đội bóng rớt hạng nhưng tôi vẫn ở lại" - HLV Nguyễn Thành Công khẳng định như vậy. Thế thì bao giờ Quảng Nam trở lại mái nhà xưa? Ông Công từ chối đưa ra câu trả lời vì cho rằng đây không phải là thời điểm để nói về chuyện ở tương lai.
Xem ra hành trình trở lại V-League của đội bóng xứ Quảng còn lắm gập ghềnh, nhất là trong bối cảnh khó khăn về kinh tế nên nhiều nhà tài trợ không còn mặn mà như xưa nên rất khó giữ chân các cầu thủ trụ cột...
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận