27/05/2018 15:45 GMT+7

Quang Khải: Chàng trai xứ Nghệ mê cải lương

LINH ĐOAN
LINH ĐOAN

TTO - Trong vở cải lương Thầy Ba Đợi - công trình kỷ niệm 100 năm sân khấu cải lương - do Nhà hát Cải lương VN phối hợp với Nhà hát Trần Hữu Trang thực hiện, có một giọng cải lương xứ Nghệ... tạo nét thú vị cho vở diễn.

Trích đoạn cải lương Thầy Ba Đợi - VIdeo: QUANG ĐỊNH

Quang Khải: Chàng trai xứ Nghệ mê cải lương - Ảnh 2.

Quang Khải trong vở Mai Hắc Đế - Ảnh: L.ĐOAN

Bốn nghệ sĩ cùng đảm nhiệm vai nhạc sư Nguyễn Quang Đại trong vở diễn là NSƯT Thanh Tuấn, NSƯT Xuân Vinh, NSƯT Lê Tứ và Quang Khải. Quang Khải vào vai nhạc sư ở giai đoạn đầu, khi ông từ Phú Xuân bôn ba vào Nam gặp nhân vật Ái Hoa và có một mối tình đặc biệt. Khi đó nhân vật thoại và hát cải lương bằng chất giọng xứ Nghệ đặc sệt.

Kép chánh sáng giá

Quang Khải không quá xa lạ với khán giả phía Nam và người trong giới biết đến anh khá nhiều. Từ Hội diễn cải lương chuyên nghiệp toàn quốc 2012 tại Đồng Nai, Khải đã gây được chú ý với vai Thành trong vở Mê cung, vở đoạt huy chương vàng và Khải cũng đoạt luôn huy chương vàng cá nhân.

Quang Khải: Chàng trai xứ Nghệ mê cải lương - Ảnh 3.

Quang Khải trong vở Mê cung - Ảnh: LINH ĐOAN

Ít ai biết sau mười mấy năm làm nghề, lần đầu tiên Khải mới được đặt chân đến một hội diễn có quy mô toàn quốc. Đó có vẻ là bàn đạp thuận lợi khi anh chàng liên tiếp được đạo diễn Triệu Trung Kiên trao những vai nặng ký trong các vở diễn được đầu tư tiền tỉ (có sự đóng góp xã hội hóa) của Nhà hát Cải lương VN như Chuyện tình Khau Vai (năm 2013), Mai Hắc Đế (năm 2014), Hừng đông (năm 2015), Vua Phật (năm 2016), Ni sư Hương Tràng (năm 2017) và Thầy Ba Đợi (năm 2018).

Hầu hết các nhân vật Khải đảm nhận đều là những nhân vật lịch sử lớn như Mai Hắc Đế, Phan Đăng Lưu, Phật hoàng Trần Nhân Tông, nhạc sư Nguyễn Quang Đại... Lý do được chọn là có lẽ bởi Khải có vẻ ngoài sáng đẹp, giọng hát nam tính nhưng tình cảm và lối diễn xuất trầm tĩnh, đĩnh đạc.

Trong vở Thầy Ba Đợi, cách thoại và hát cải lương bằng chất giọng xứ Nghệ của Khải khiến không ít người thấy lạ lẫm và thích thú. Nhất là khi anh luyến láy, nhấn nhá một số chữ trong các bài lý, bài bản cải lương nghe thật thấm và đã tai.

Quang Khải sinh ra trong một gia đình nông dân ở Nghệ An. Gia cảnh khó khăn nên học hết lớp 12, Khải định học lấy nghề chụp ảnh để phụ lo cho các em ăn học. Rồi cha động viên thôi thì cứ thử thi một trường nào đó coi như một kỷ niệm đẹp.

Quang Khải: Chàng trai xứ Nghệ mê cải lương - Ảnh 4.

Quang Khải trong Chuyện tình Khau Vai - Ảnh: LINH ĐOAN

Chưa bao giờ được đặt chân đến Hà Nội, nhưng không hiểu sao Khải đặt bút làm hồ sơ chỉ nghĩ đến khoa kịch hát dân tộc Trường đại học Sân khấu - điện ảnh Hà Nội. Khải đỗ cao và được bầu làm lớp trưởng. Học giỏi nên trong ba năm học Khải luôn nhận được học bổng, anh còn chạy sô hát quán để có tiền học.

Suýt rời xa nghiệp hát

Ra trường, Khải được nhận về đoàn 2 Nhà hát Cải lương VN. Năm 2005 anh lập gia đình, năm 2006 đón con trai đầu lòng. Sức khỏe vợ không tốt nên đây là lúc Khải một mình "cày cuốc" lo cho gia đình. Lương nhà hát không đủ sống nên Khải làm đủ thứ nghề.

Anh sắm dàn âm thanh và cho thuê, từng hỗ trợ vài chương trình cho nghệ sĩ Thanh Thanh Hiền, ca sĩ Trọng Tấn... Lui cui làm kỹ thuật âm thanh, nhưng có lúc cần người ta gọi Khải cũng lên sân khấu hát. Rồi anh làm MC, một thời gian dài làm hướng dẫn viên du lịch.

Quang Khải: Chàng trai xứ Nghệ mê cải lương - Ảnh 5.

Nghệ sĩ Quang Khải trong vở Thầy Ba Đợi - Ảnh: Q.ĐỊNH

Những tháng ngày chạy bạc mặt kiếm sống đó đã làm tổn hại sức khỏe của Khải. Anh bị mất giọng, chùng dây thanh đới, ù tai không nghe được nhạc, có lúc Khải nghĩ mình chắc bỏ nghề vì hát không nổi.

Quang Khải là nghệ sĩ có tiềm năng. Khi Khải hát, có thể không lập tức đập vào tai người nghe, nhưng nghe lâu lâu một chút, đặc biệt khi Khải vào vai diễn thì cái e hát lạ và có sức hút. Khải hát dân ca Nghệ An rất hay, khi đưa cái e, cái rung đó vào cải lương thì tạo cho Khải lối hát có nét riêng

Đạo diễn - NSƯT TRIỆU TRUNG KIÊN

Nhưng có vẻ đam mê vẫn chưa nguôi. Nên sau một thời gian nghỉ làm hướng dẫn viên du lịch, giọng Khải dần hồi phục.

Khoảng năm 2010, Khải được chuyển về đoàn 1 Nhà hát Cải lương VN. Nơi đây anh được làm việc trực tiếp với Triệu Trung Kiên (trưởng đoàn). Khải cho rằng có lẽ đó là may mắn lớn trong cuộc đời nghệ thuật của mình khi anh và Kiên rất hợp.

Anh học hỏi được nhiều ở Triệu Trung Kiên về phong cách đạo diễn, tư duy làm nghề. Kiên đã tạo điều kiện và khơi gợi trong Khải ngọn lửa nghề tưởng có lúc đã vơi.

Trích đoạn cải lương Thầy Ba Đợi (2) - Video: QUANG ĐỊNH

Qua từng vai diễn, Khải thấy mình tiến bộ hẳn ra, nhạy bén, làm chủ sân khấu tốt hơn. Để vào vai Mai Hắc Đế, anh tự bỏ tiền túi lùng mua cho bằng được bộ phấn trang điểm... dành cho người châu Phi mất đứt cả tháng lương để hóa trang nhân vật tạo vẻ khỏe mạnh, rắn rỏi.

Khi nhận vai Phật hoàng Trần Nhân Tông, Khải đang khá đắt sô MC nhưng anh quyết định xuống tóc để phù hợp với nhân vật và có sự đồng cảm tốt hơn...

Hiện Khải là phó đoàn 1 của nhà hát phụ trách chuyên môn, ở tuổi chín của nghề anh không nề hà vai chính phụ, có khi lui về làm dàn bao cho các nghệ sĩ trẻ. Điều quan trọng với anh là vai diễn đó có độ sâu, và hạnh phúc là được chăm chút cho nhân vật của mình.

Mong tết đến để ăn thịt

Là anh cả nên từ nhỏ Khải đã biết làm tất cả việc đồng áng, phụ bố mẹ chăm các em. Khải chăn trâu, làm ruộng, mùa hè đi bán kem, giao bánh mì để có thêm thu nhập. Giải trí với anh chàng nông dân là những buổi bố mẹ dẫn đi coi cải lương đến thuộc làu các tuồng Gánh cỏ sông Hàn, Mùa tôm...

Ông nội Khải 16 tuổi đã ra Huế chơi nhạc ở triều đình. Ông biết gần hết các nhạc cụ dân tộc. Ở nhà Khải bây giờ vẫn còn treo cây đờn kìm của nội áng chừng được 100 tuổi.

Bố Khải, cô chú trong nhà đều biết chơi đàn và hát chèo, dân ca Nghệ Tĩnh, nhưng chỉ có chú Út là hoạt động chuyên nghiệp ở đoàn cải lương tỉnh nhà Bông sen trắng.

Nhà nghèo, ăn cà với khoai riết mà đâm sợ, chỉ mong tới tết để được ăn thịt. Sáng Khải xách cặp đi học thì trưa về phải trút đồ ra để em kế bỏ tập, bút vào chiếc cặp ấy tiếp tục đến trường vào buổi chiều.

Thầy Ba Đợi ra đất Bắc

Sau ba đêm diễn gây được tiếng vang tại miền Nam (đêm 28-4 và 1-5 tại nhà hát Bến Thành, đêm 29-4 tại Long An), êkip thực hiện đã nỗ lực để đưa vở cải lương Thầy Ba Đợi gặp gỡ khán giả đất Bắc vào hai đêm 27 và 28-5 ở Nhà hát Lớn Hà Nội.

Thầy Ba Đợi được soạn giả Hoàng Song Việt và Phạm Văn Đằng chuyển thể cải lương từ kịch bản văn học của PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ. Đạo diễn: NSƯT Triệu Trung Kiên - Lê Trung Thảo (chỉ đạo nghệ thuật: NSND Trần Ngọc Giàu).

Đây có thể xem là vở diễn đầu tiên tập trung khoảng 60 nghệ sĩ của hai miền Nam - Bắc với mong muốn không chỉ ôn lại quá trình hình thành của sân khấu cải lương trăm năm qua, mà còn góp phần khẳng định công trạng của nhạc sư Nguyễn Quang Đại (tức Thầy Ba Đợi).

Đạo diễn Triệu Trung Kiên cho biết thành phần diễn viên tham gia vở diễn gần như được giữ nguyên, chỉ có NSƯT Hồ Ngọc Trinh (vai Sáu Loan) do bận việc nên nghệ sĩ Hà Như sẽ thay vai.

Trong buổi truyền hình trực tiếp vở diễn tại tỉnh Long An đêm 29-4, các mạnh thường quân đã cùng đóng góp số tiền 1,8 tỉ đồng để tôn tạo di tích đình Vạn Phước, huyện Cần Đước, tỉnh Long An - nơi đặt bài vị nhạc sư Nguyễn Quang Đại. Theo kế hoạch, êkip sẽ đưa vở diễn về một số tỉnh miền Tây để tiếp tục phục vụ khán giả.

LINH ĐOAN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên