28/09/2014 14:37 GMT+7

Quảng cáo trên xe buýt: TP.HCM còn thí điểm!?

QUANG KHẢI - MẬU TRƯỜNG
QUANG KHẢI - MẬU TRƯỜNG

TT - Trong khi tại nhiều tỉnh, thành khác việc quảng cáo trên xe buýt đã thực hiện theo Luật quảng cáo thì ở TP.HCM, Sở Giao thông vận tải TP mới có đề án quảng cáo trên xe buýt trình UBND.

Quảng cáo trên xe buýt biển số Đồng Nai (tuyến 12, TP.HCM đi Đồng Nai) - Ảnh:T.T.D.
Quảng cáo trên xe buýt biển số Đồng Nai (tuyến 12, TP.HCM đi Đồng Nai) - Ảnh:T.T.D.

 

 

Theo đề án này, việc quảng cáo bên ngoài thân xe buýt chỉ thực hiện thí điểm tại 10 tuyến, chủ yếu ở khu vực trung tâm TP với khoảng 156 xe buýt tham gia.

Thí điểm trong 6 tháng

Tiền trợ giá liên tục tăng

Theo thống kê của Sở GTVT TP.HCM, hiện trên địa bàn TP có khoảng 2.500/2.900 xe buýt có trợ giá.

Chi phí trợ giá cho xe buýt tăng qua các năm (trừ năm 2013): năm 2010: hơn 732 tỉ đồng, năm 2011: 1.261 tỉ đồng, năm 2012: 1.289 tỉ đồng, năm 2013: 1.158 tỉ đồng.

Nếu lấy giá cho thuê quảng cáo trên xe buýt mức thấp nhất theo dự kiến của Sở GTVT TP (51 triệu đồng/xe/năm), nguồn thu được từ quảng cáo trên xe buýt khoảng 127 tỉ đồng/năm.

Trong 10 tuyến xe buýt nói trên có tám tuyến do Công ty Xe khách Sài Gòn và hai tuyến do Công ty TNHH Vận tải TP quản lý.

Bình quân mỗi ngày 10 tuyến xe này chạy hơn 1.500 chuyến, chủ yếu qua các tuyến đường thuộc khu trung tâm TP.

Về nội dung quảng cáo, ngoài việc tuân thủ các quy định chung về pháp luật quảng cáo, đề án nói trên cho rằng hình thức, nội dung và màu sắc quảng cáo trên xe buýt được cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền (Sở Văn hóa - thể thao và du lịch TP) quy định cụ thể.

Và việc quảng cáo trên xe buýt phải đảm bảo một số nguyên tắc: chỉ quảng cáo hàng Việt, ưu tiên hàng VN chất lượng cao, nội dung quảng cáo sử dụng hoàn toàn bằng tiếng Việt, hạn chế sử dụng màu đỏ, các màu sắc trùng lắp với các hệ thống biển báo giao thông.

Theo đề án, việc quảng cáo sẽ thông qua hình thức đấu thầu đối với từng tuyến hoặc một gói thầu cho cả 10 tuyến nhằm thu hút các doanh nghiệp quảng cáo có đủ năng lực, tài chính thực hiện.

Dự kiến đến tháng 11 sẽ tổ chức đấu thầu cho các đơn vị quảng cáo tham gia. Với số lượng 156 xe buýt tham gia thí điểm quảng cáo, Sở GTVT TP dự kiến nguồn thu gần 9,8 tỉ đồng/năm.

Nguồn thu này, các đơn vị vận tải là chủ sở hữu xe đã đồng tình tập trung về cho ngân sách TP để góp phần trợ giá cho xe buýt. Như vậy, các chủ xe buýt sẽ không được chia tiền quảng cáo trên xe của mình.

Trả lời câu hỏi vì sao không cho quảng cáo đại trà trên xe buýt theo Luật quảng cáo để giảm tiền trợ giá từ ngân sách, một lãnh đạo Sở GTVT cho biết: “Việc thực hiện thí điểm là theo chủ trương của UBND TP. Sau thời gian thí điểm sẽ đánh giá, rút kinh nghiệm trước khi triển khai đại trà”.

Nên thoáng hơn

Nhận xét về đề án trên, ông Trần Quý Cáp, phó chủ tịch Hiệp hội Quảng cáo TP.HCM, cho biết trên thế giới việc quảng cáo bên ngoài thân xe buýt đã được thực hiện hơn 100 năm qua.

“Riêng trong nước, nhiều tỉnh thành cũng đã thực hiện từ nhiều năm nay. Chỉ riêng tại TP.HCM, đến nay mới dừng lại ở việc trình đề án và còn mất sáu tháng để thí điểm” - ông Cáp nói.

Theo ông Cáp, việc quảng cáo trên thân xe buýt không nên đưa ra quá nhiều điều kiện như đề án nêu. Chẳng hạn như hạn chế màu đỏ trên quảng cáo và bó khuôn trong việc quảng cáo hàng Việt là chưa hợp lý.

“Quy định như vậy khiến nhiều doanh nghiệp có nhu cầu quảng cáo bị khống chế” - ông Cáp nói.

Ngoài ra, theo ông Cáp, cơ quan chức năng nên trích lại một phần tiền thu được từ quảng cáo cho chủ xe. Việc này nhằm giúp các chủ xe có ý thức hơn trong việc bảo quản và tạo điều kiện cho các đơn vị quảng cáo lắp đặt quảng cáo.

Đồng tình với ý kiến của ông Cáp, đại diện Công ty quảng cáo Today cho rằng nhiều trường hợp quảng cáo trên taxi thất bại do tài xế không được chia tiền quảng cáo này. Theo vị này, việc trích tỉ lệ tiền nhất định cho chủ xe giúp họ có trách nhiệm hơn trong việc bảo quản, bảo dưỡng vệ sinh biển hiệu quảng cáo để thu hút sự quan tâm của mọi người hơn. Ngược lại, nếu không chia tiền quảng cáo cho chủ xe sẽ tạo cho họ tâm lý “không phải của mình nên không cần quan tâm”.

Cũng theo vị này, việc quảng cáo trên xe buýt càng thực hiện sớm càng tốt vì sẽ giảm tiền trợ giá từ ngân sách.

TP.HCM từng cho phép quảng cáo trên xe từ năm 1992

Năm 1992, TP.HCM cho phép quảng cáo trên các phương tiện giao thông nhưng đến năm 2002, UBND TP ra quyết định 108 không cho thực hiện “quảng cáo trên các phương tiện giao thông công cộng”.

Đến năm 2007, Sở GTVT TP xây dựng đề án cho thuê quảng cáo bên ngoài thành xe buýt với nguồn thu khoảng 100 tỉ đồng/năm.

Đến tháng 6-2009, UBND TP tiếp tục ra quy định: “Các mặt bên ngoài phương tiện giao thông, phương tiện vận tải là vị trí, địa điểm, khu vực cấm hoạt động quảng cáo”.

Đến năm 2010, Cục Văn hóa cơ sở (Bộ Văn hóa - thể thao và du lịch) có văn bản xác nhận việc cấm quảng cáo trên các phương tiện giao thông tại TP.HCM là trái pháp luật.

Năm 2011, UBND TP giao Sở GTVT TP thực hiện đề án “Xây dựng hệ thống thương hiệu và khai thác quảng cáo thương mại trên xe buýt”.

Đầu năm 2013, Luật quảng cáo có hiệu lực quy định phương tiện giao thông được thực hiện quảng cáo.

Đến ngày 13-6-2014, Sở GTVT TP xây dựng đề án quảng cáo bên ngoài thân xe buýt trên địa bàn TP. Đây là đề án vừa trình UBND TP nói trên.

* Bình Dương: đi trước TP.HCM đến 7 năm

Ông Đàm Trọng Cường - phó giám đốc Sở GTVT tỉnh Bình Dương - cho biết việc quảng cáo trên xe buýt đã được Bình Dương triển khai từ năm 2007.

Đến nay, toàn bộ 11 tuyến xe buýt trên địa bàn đều được cho phép quảng cáo.

Theo Sở GTVT, do Bình Dương không còn trợ giá cho xe buýt như TP.HCM, không đầu tư phương tiện cho doanh nghiệp... nên cũng không can thiệp vào việc khai thác quảng cáo trên xe buýt.

Việc này do các doanh nghiệp xe buýt tự khai thác, xin phép Sở Văn hóa - thể thao và du lịch là cơ quan duyệt về nội dung quảng cáo. Số tiền thu được sẽ được tính vào doanh thu của doanh nghiệp chứ Nhà nước không thu.

Theo ông Cường, việc cho phép quảng cáo trên thân xe giúp các doanh nghiệp bù đắp chi phí, khuyến khích họ tham gia vận tải hành khách công cộng...BÁ SƠN

* Tiền Giang: doanh nghiệp tự làm

Ông Huỳnh Văn Nguyện, phó giám đốc Sở GTVT tỉnh Tiền Giang, cho biết hiện Tiền Giang cũng có một số xe buýt quảng cáo khi lưu thông trên đường, nhưng chuyện quảng cáo là do doanh nghiệp tự làm, tự thu chi và có sự hướng dẫn theo đúng quy định của Sở VH-TT&DL tỉnh.

Theo ông Nguyện, việc quảng cáo trên xe buýt có lợi là tăng thêm nguồn thu cho doanh nghiệp nhưng phải đảm bảo nội dung và dung lượng quảng cáo trên xe.SƠN BÌNH

* Khánh Hòa: chỉ có lợi!

Ở Khánh Hòa, việc quảng cáo trên xe buýt đã được thực hiện từ nhiều năm qua.

Ông Trương Đăng Tuyến - giám đốc Sở VH-TT&DL Khánh Hòa - cho rằng: “Quảng cáo trên xe buýt chỉ có lợi chứ không mất gì cả. Đó là lợi cho các doanh nghiệp cần quảng cáo, làm quảng cáo, tạo thêm nguồn thu cho doanh nghiệp kinh doanh xe buýt và lợi cả cho ngân sách nhà nước”.

 

QUANG KHẢI - MẬU TRƯỜNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên