Khánh Hòa có nhiều điểm đến đẹp thuận lợi cho việc quảng bá trên điện ảnh - Ảnh: MINH CHIẾN
Tại hội thảo, TS.NSƯT Nguyễn Thị Thu Hà - Hội Điện ảnh Việt Nam - cho biết sau khi bộ phim Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh (năm 2015) tạo ra "cơn sốt" phòng vé thì vùng đất Phú Yên đã trở thành điểm đến hàng đầu của nhiều du khách (tăng hơn 30% so với năm 2014). Nếu du khách chỉ biết Phú Yên qua Gành Đá Đĩa thì nhờ bộ phim này, du khách còn được biết các cảnh đẹp như Bãi Xép, thôn làng An Cư…
Hay bộ phim Mắt biếc chọn cố đô Huế làm bối cảnh chính đã tạo nên thành công về nghệ thuật, doanh thu. Nhiều bối cảnh trong bộ phim đã trở thành những điểm đến được nhiều người tham quan, lượng du khách đổ về thôn Hà Cảng, xã Quảng Phú ngày càng đông, nhất là khách nội địa.
TS.NSƯT Nguyễn Thị Thu Hà phát biểu tại hội thảo - Ảnh: MINH CHIẾN
"Nha Trang - Khánh Hòa từng là địa điểm lý tưởng của những bộ phim sau ngày đất nước thống nhất, như Tự thú trước bình minh (1979) của đạo diễn, NSND Phạm Kỳ Nam là bộ phim đầu tiên được quay hầu như tại Nha Trang, hay bộ phim Về nơi gió cát (1981) của đạo diễn, NSND Huy Thành với hình ảnh nghệ sĩ Hương Xuân, Trần Vịnh trên những miền cát trắng Cam Ranh ấn tượng…
Sau này còn có những bộ phim như Những nụ hôn rực rỡ (2010), Mỹ nhân kế (2013), Chàng trai năm ấy (2014)… Tuy nhiên từ năm 2016 đến nay chưa có bộ phim nào lấy bối cảnh hoàn toàn ở Nha Trang. Đây cũng là điều đáng suy nghĩ", bà Hà nói.
Theo bà Hà, để phát triển du lịch gắn với điện ảnh, địa phương cần chủ động đặt hàng với đạo diễn, có những chính sách ưu đãi với đoàn làm phim, kết nối công ty du lịch đến các nhà làm phim trong việc lên ý tưởng, lựa chọn bối cảnh phù hợp.
"Khánh Hòa có đường bờ biển dài và đẹp gồm nhiều đảo lớn nhỏ, vậy tại sao chúng ta không có một giải thưởng cho các bộ phim lấy đề tài, bối cảnh biển đảo ở Khánh Hòa dành cho những nhà làm phim chuyên và không chuyên. Vừa đưa địa phương trở thành địa điểm được nhiều đoàn làm phim chú ý vừa quảng bá hiệu quả", bà Hà góp ý.
Nhà báo Trần Việt Văn cũng cho rằng các công ty du lịch Khánh Hòa nên tính xem loại hình du lịch nào có thể lồng ghép vào trong phim để sau khi xem xong bộ phim đó, nhiều đối tượng khách hàng sẽ tìm đến địa điểm trên để trải nghiệm… Từ đó lên phương án để nâng cấp chất lượng du lịch khi khách đến check-in địa điểm trong phim từ nơi ăn, chốn ở cho đến các dịch vụ đi kèm để giữ chân khách lâu dài, bền vững.
Việc quảng bá hình ảnh địa phương qua những thước phim sẽ rất hiệu quả - Ảnh: MINH CHIẾN
Nhà biên kịch Đinh Thiên Phúc chia sẻ những bộ phim do ê kíp nước ngoài thực hiện cũng đã quảng bá Việt Nam hoàn toàn miễn phí và đến gần hơn với bạn bè thế giới. Như phim Đông Dương (1992) từng đoạt giải Oscar lấy khung cảnh trải khắp từ Hạ Long, Tam Cốc đến kinh thành Huế.
Sau năm 1995, khi Mỹ tuyên bố bình thường hóa quan hệ với Việt Nam, nhiều du khách thông qua bộ phim này đã tìm đến những địa điểm trên, sau đó vịnh Hạ Long cũng được công nhận di sản thiên nhiên thế giới. Gần đây nhất là "bom tấn" Kong - Đảo đầu lâu với bối cảnh ở Ninh Bình, Quảng Bình…
Khánh Hòa có lợi thế nắng quanh năm thích hợp để quay phim, với hàng loạt khách sạn, resort... cùng các rạp chiếu phim hoàn toàn đáp ứng nhu cầu lưu trú của đoàn làm phim và nhu cầu xem phim của du khách.
"Hiện nay vẫn chưa có bộ phim nào ấn tượng gắn với Nha Trang vì chưa có kịch bản phim hay viết về Nha Trang, dù bối cảnh có đẹp đến đâu thì điều quan trọng nhất vẫn nằm ở kịch bản phim.
Nha Trang có văn hóa Chăm và đặc biệt là bác sĩ Yersin - người đã dành trọn cuộc đời cho mảnh đất này đến lúc mất. Ông còn nghiên cứu thành công thuốc chữa bệnh dịch hạch, đây chính là những chất liệu để dựng nên những kịch bản hay, chất lượng", ông Phúc nói.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận