(Đọc bài “Nước mắt học trò”, Tuổi Trẻ 11-5)
Hình như câu hỏi day dứt đó không là của riêng ai. Lê Trọng Bình đã lãnh án 3 năm 6 tháng tù nhưng xem ra em không phải là người duy nhất có tội. “Cháu có thể tiếp tục được đi học hay không?”, câu hỏi của Bình - “kẻ giết người” - thật đau lòng.
Vị thành niên là lứa tuổi rất đặc biệt. Các em không còn là trẻ con nhưng cũng chưa phải là người lớn, xốc nổi khi muốn tỏ rõ cái tôi, liều lĩnh làm những việc mà không hề lường trước được hậu quả, nhầm lẫn giữa sự bất cần trong nhất thời với quan niệm về tự lập... Các em có không ít những điều khiến người lớn phải bận tâm lo lắng, nhưng điều đó càng nhắc nhở người lớn chúng ta rằng có như thế thì vị thành niên mới là… vị thành niên. Và trách nhiệm của người lớn chúng ta đối với các em lớn lắm.
Có cảm giác rằng tất cả các em trong vụ án trên đều được gia đình cho ăn học, nhưng các em lại thiếu hẳn sự gần gũi, chia sẻ và nhất là sự hướng dẫn tận tâm của người lớn về những vấn đề tế nhị của tuổi vị thành niên. Các em tưởng mình đã yêu nhưng thật sự thì chưa hiểu rõ tình yêu là gì. Các em không có ai để tâm sự khi đau khổ, khủng hoảng và không biết cầu cứu ai khi bị đe dọa. Kết cuộc thật đau lòng: cái chết và bản án tù cho hai người đều ở tuổi vị thành niên.
Đây chính là bài học chung của mọi gia đình, mọi xã hội. Chừng nào còn những khoảng cách giữa các thế hệ, còn sự vô cảm, chừng đó vẫn còn các trường hợp tương tự xảy ra. Nói khác hơn, chuyện của tuổi vị thành niên không chỉ của riêng tuổi vị thành niên mà là của chung mọi gia đình, chuyện chung của nhà trường và xã hội.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận