20/11/2017 12:32 GMT+7

Quan tâm giảng viên trẻ, phát triển các ngành khoa học cơ bản

TRẦN HUỲNH
TRẦN HUỲNH

TTO - Phó chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh đã nhắn nhủ như vậy tại lễ kỷ niệm 60 Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn - ĐH Quốc gia TP.HCM (1957-2017).

Quan tâm giảng viên trẻ, phát triển các ngành khoa học cơ bản - Ảnh 1.

Phó chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh phát biểu tại buổi lễ - Ảnh: TRẦN HUỲNH

Phát biểu tại buổi lễ, Phó chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh cho rằng trong quá trình xây dựng và phát triển đất nước, cần phải có đội ngũ cán bộ có trình độ chuyên môn giỏi, có tài năng và một lòng phụng sự Tổ quốc, phụng sự nhân dân, Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM là một trong những địa chỉ tin cậy để tạo ra những cán bộ như thế.

Khơi dậy tinh thần yêu nước

Phó chủ tịch nước cũng đánh giá cao những thành quả nhà trường đạt được trong thời gian qua, đồng thời cho rằng để tiếp tục phát triển, nhà trường cần tập trung thực hiện tốt các nội dung như: xây dựng, phát triển đội ngũ giảng viên mạnh về cả số lượng và chất lượng; 

Tiếp tục quan tâm tới chất lượng giảng dạy, học tập và nghiên cứu; không ngừng chuẩn hóa, đổi mới về quản trị đại học, kết hợp nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viê, nhà nghiên cứu để trường sớm trở thành một đại học hàng đầu trong khu vực châu Á về lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn.

"Đặc biệt quan tâm tới lớp cán bộ, giảng viên trẻ, có lập trường chính trị vững vàng, giỏi về chuyên môn nghiệp vụ sư phạm, khả năng ngoại ngữ và công nghệ thông tin, có kiến thức thực tiễn, có phẩm chất đạo đức tốt, lối sống mẫu mực làm gương cho học viên, sinh viên noi theo", bà Thịnh nhắn nhủ.

Bà Thịnh cũng đề nghị nhà trường cần đặc biệt quan tâm đến việc phát triển các ngành khoa học cơ bản, mang bản sắc của trường như: văn học, ngôn ngữ, triết học, lịch sử… tiếp tục đẩy mạnh đánh giá, kiểm định chất lượng giáo dục…

"Cái nôi" phong trào sinh viên cách mạng

Quan tâm giảng viên trẻ, phát triển các ngành khoa học cơ bản - Ảnh 2.

Chương trình văn nghệ tái hiện phong trào sinh viên Trường ĐH Văn khoa Sài Gòn - Ảnh: TRẦN HUỲNH

Theo PGS.TS Võ Văn Sen - hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn (ĐH Quốc gia TP.HCM), trên chặng đường hơn nửa thế kỷ, nhà trường đã tạo ra nhiều giá trị, triết lý giáo dục và truyền thống văn hóa đại học đáng tự hào, đã có nhiều đóng góp to lớn trong những giai đoạn thăng trầm khác nhau của lịch sử Việt Nam hiện đại.

Từ 1957-1975, trong hoàn cảnh đất nước bị chia cắt và cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước ngày càng ác liệt, đội ngũ thầy cô giáo và sinh viên yêu nước ở ĐH Văn khoa Sài Gòn đã vừa xây dựng, vừa đấu tranh để từng bước hình thành được những nền tảng ban đầu của một trường đại học lớn, xuất hiện từng bước cơ chế "tự trị đại học".

Cũng trong thời kỳ này, ĐH Văn khoa Sài Gòn là nơi có sức hút lớn đối với sự dấn thân của tuổi trẻ học đường ở miền Nam; là cơ sở nội thành của Ban Trí vận - Mặt trận khu ủy Sài Gòn-Gia Định (đơn vị Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, tiền thân của Liên hiệp các Hội Khoa học Kỹ thuật TP.HCM ngày nay) và là nơi thành lập Chi Đoàn sinh viên, Chi bộ Đảng ĐH Văn khoa để hoạt động bí mật, thu hút và tổ chức lực lượng sinh viên tiến bộ, giàu lòng yêu nước dấn thân vào cuộc tranh đấu cách mạng… 

Từ Văn khoa, những cuộc hội thảo, diễn thuyết, tuyệt thực, bãi khóa, những đêm lửa trại Hát cho dân tôi nghe, những cuộc xuống đường biểu tình, đấu tranh chính trị sôi sục… đã nhanh chóng lan tỏa, phối hợp với phong trào sinh viên các trường đại học khác…

Tiên phong khai mở ngành học mới

Đến nay trường đã đào tạo, cung cấp cho đất nước một đội ngũ trí thức đông đảo với trên 75.000 cử nhân khoa học, hơn 7.000 thạc sĩ và trên 600 tiến sĩ, phục vụ trên nhiều lĩnh vực ở mọi miền của Tổ quốc...

"Nhà trường tiếp tục là đơn vị đi tiên phong khai mở ra những ngành đào tạo, nghiên cứu khoa học mới, như Đông phương học, nhân học, Việt Nam học, quan hệ quốc tế, đô thị học, Hàn Quốc học, Nhật Bản học… Trong đó có những ngành lần đầu tiên được đào tạo tại trường và sau đó được các trường đại học ở Việt Nam đưa vào đào tạo", ông Sen cho biết.

Đến năm 2017, trường đã được đánh giá đạt chuẩn quốc gia theo bộ tiêu chuẩn kiểm định chất lượng giáo dục đại học của Bộ GD-ĐT; đồng thời đã có sáu chương trình đào tạo đạt chuẩn AUN-QA.

Buổi lễ diễn ra sáng 20-11 có sự tham dự của ông Trương Tấn Sang - nguyên ủy viên Bộ chính trị, nguyên chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam; ông Lê Thanh Hải - nguyên ủy viên Bộ chính trị, nguyên bí thư thành ủy TP.HCM; bà Trương Mỹ Hoa - nguyên phó chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam; ông Võ Văn Thưởng - ủy viên Bộ chính trị, Trưởng ban tuyên giáo trung ương; bà Đặng Thị Ngọc Thịnh - phó chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam; ông Tất Thành Cang - Phó bí thư thường trực thành ủy TP.HCM.


Dịp này, nhà trường công bố và vinh danh sách 60 cựu sinh viên tiêu biểu Trường ĐH Văn khoa - Trường ĐH Tổng hợp - Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn trong các lĩnh vực khoa học - giáo dục, chính trị - xã hội, kinh tế, văn hóa - nghệ thuật.

Lịch sử Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn có nguồn gốc từ năm 1950 ở Hà Nội với Trường ĐH Văn khoa trong Viện ĐH Hà Nội; từ 1951 với chi nhánh ở Sài Gòn, lớp Cao đẳng dự bị Văn chương Pháp, năm 1955 với ĐH Văn khoa (Nghị định 66, ngày 6-12-1955) trực thuộc Viện ĐH Quốc gia Việt Nam tại Sài Gòn.

Ngày 1-3-1957, Viện ĐH Quốc gia Việt Nam đổi tên thành Viện ĐH Sài Gòn, trong đó có Trường ĐH Văn khoa và thường được gọi là Trường ĐH Văn khoa Sài Gòn.

Đến ngày 22-4-1977, Trường ĐH Văn khoa TP.HCM được hợp nhất với Trường ĐH Khoa học thành Trường ĐH Tổng hợp TP.HCM. Ngày 30-3-1996, Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn chính thức được thành lập và là trường thành viên của ĐH Quốc gia TP.HCM.

TRẦN HUỲNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên