“Một lần, khẩu đội ông (Nguyễn Văn) Điền đang trực chiến, bốn chiếc MiG-21 kéo đến đánh dồn dập và liên tiếp, chúng thả bom, bắn rocket tiêu diệt mục tiêu dưới mặt đất, tiểu đội của ông nhanh chóng đáp trả và chiến đấu anh dũng”…
Thưa cô Tú, “chiến đấu cơ MiG-21” là của địch hay của ta?
SƠN THỊ XÀ NU (Sóc Trăng)
- Loại máy bay tiêm kích phản lực MiG-21 là do Nga (Liên Xô cũ) sản xuất và đưa vào sử dụng từ cuối những năm 50 của thế kỷ trước. Từ “MiG” dịch sang tiếng Việt là “M và G”. Đó là hai chữ viết tắt tên của Tổng công trình sư Mikoyan và cộng sự Gurevich - đồng tác giả chính của công trình trên. Trong chiến tranh chống Mỹ, không quân nhân dân Việt Nam thường sử dụng loại máy bay này để chiến đấu, nên chắc chắn không có chuyện “máy bay ta” lại đi truy sát quân mình (!). Tác giả nhầm rồi.
Ai nói?
● Báo Lao động cuối tuần số 7 (14-2-2014), trang 10, bài Bận chơi và tiếc ngày xưa, viết:
“Cô bé lãng mạn của Nguyễn Nhược Pháp đi cầu may từng phải la lên: Đường đông trời ơi chen…”.
Tôi nhớ hình như không phải như vậy, cô Tú nghĩ sao?
TRẦN THỊ HÒA (Bắc Ninh)
- Nhà thơ tài hoa vắn số Nguyễn Nhược Pháp (1914-1938) viết bài thơ Chùa Hương nổi tiếng vào năm ông chỉ mới tròn hai mươi tuổi (1934). Trong bài thơ này, người than (không phải “la”) chính là mẹ của cô bé 15 tuổi chứ không phải cô; và nội dung câu than vãn của bà là “thuyền đông” (chứ không phải “đường đông”). Trích nguyên văn (6 câu): Chàng ngồi bên me em/ Me hỏi chuyện làm quen: /“Thưa thầy đi chùa ạ?/ Thuyền đông, trời ôi, chen!”/ Chàng thưa: “Vâng, thuyền đông!”/ Rồi ngắm trời mênh mông... Có thể tác giả bài viết “bận chơi” nên không kịp xem lại bài thơ trên chăng?
Tần Thủy Hoàng giết mẹ (?)
● Báo ANTĐ (13-10-2013), bài Tình dục và các bí thuật phương Đông…, tác giả T.L viết: “Do mưu phản, Hoàng thái hậu Triệu Cơ và Lao Ái bị Tần Thủy Hoàng giết cả hai…”. Có đúng không, cô Tú?
VŨ QUỐC TUẤN (Bà Rịa - Vũng Tàu)
- Năm 238 trước Công nguyên, phát hiện mẹ là Triệu Cơ tư thông với Lao Ái và có với ông này hai người con trai, Tần Thủy Hoàng (Doanh Chính; 259-210 TCN) đã ra lệnh tru di cả nhà Lao Ái, đồng thời cho xử tử ông ta và mấy đứa em cùng mẹ khác cha với mình. Nhưng riêng bà Triệu Cơ thì chỉ bị lưu đày (giam lỏng) khoảng một năm, sau đó được tha. Bà sống thêm được 9 năm nữa, đến năm 228 TCN mới mất.
Hình gì?
● Sách Bài tập củng cố kiến thức và kỹ năng môn Toán lớp 4 (Bộ Giáo dục và Đào tạo - chương trình đảm bảo chất lượng trường học), trang 57 có bài tập số 4 như sau: “Một hình vuông có chu vi là 46cm. Chiều dài hơn chiều rộng 12cm. Tính diện tích hình vuông đó”. Nhờ cô Tú giải giúp bài toán này. NGUYỄN TIẾN TỎA (Đắk Lắk)
- Bài toán đơn giản trên đã sai từ cái đề. Hình vuông thì 4 cạnh đều bằng nhau, làm gì có “chiều dài” với “chiều rộng” ở đây? Soạn sách giáo khoa kiểu này mà đòi “đảm bảo chất lượng trường học”, Tú tôi nghi quá!
Tuổi Trẻ Cười tự xưng là bậc “thầy”?
● Tôi có mua quyển Thầy dạy làm hề - Tuyển tập tiểu phẩm, truyện vui nhân kỷ niệm 30 năm thành lập báo TTC. Nội dung gồm một số bài viết của 13 tác giả được xem là chủ lực của báo TTC. Tất nhiên đây là những tác giả và tác phẩm khá tiêu biểu. Khá gì thì khá nhưng tự cho mình là những bậc thầy (như cách đặt tên cho quyển sách) dạy thiên hạ thì hơi bị… thiếu khiêm tốn. Phải không cô Tú?
TÔN THỊ HOA SEN (Huế)
- Thầy dạy làm hề là tên một bài viết của nghệ sĩ Mạc Can in ở trang 46, được lấy làm tên của tuyển tập. Mạc Can là nhà ảo thuật, nhà văn và cũng là danh hài. Danh hài Mạc Can không xưng mình là thầy mà chỉ viết những kỷ niệm về người thầy đã dạy ông làm hề. Qua câu chuyện có thể thấy ngôn ngữ của ông rất chơn chất, khiêm tốn và dường như có ý khuyên các danh hài khác cũng nên khiêm tốn. Ngoài Mạc Can, các tác giả khác trong tuyển tập tuy có đôi chút sở trường về viết văn trào phúng nhưng không ai biết làm hề nên không thể tự xưng mình là bậc thầy trong nghề này.
Nói đến chuyện “làm thầy”, Tú tôi nhớ đến câu tục ngữ: “Tam nhân đồng hành, tất hữu ngã sư” nghĩa là cứ ba người cùng đi với nhau thì ắt có một người đáng là thầy của ta. Xem ra những người đáng mặt làm thầy ở quanh ta nhiều vô kể. Nếu đừng tự ái lặt vặt và thực sự cầu thị thì ai cũng có thể học tập được nhiều điều bổ ích từ những người thầy này lắm đấy phải không, thưa Tôn bà?
Tuổi Trẻ Cười số 496 ra ngày 1/4/2014 hiện đã có mặt tại các sạp báo Mời bạn đọc đón mua để thưởng thức được toàn bộ nội dung của ấn phẩm này. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận