Trong thông báo trên truyền hình ngày 26-7, đại tá Amadou Abdramane, mặc quân phục màu xanh da trời, ngồi ở ví trị trung tâm, đứng phía sau có 9 quân nhân, tuyên bố: "Chúng tôi, lực lượng quốc phòng và an ninh… đã quyết định (đảo chính) chấm dứt chế độ hiện hữu. Điều này xảy ra vì tình hình an ninh đất nước tiếp tục xấu đi, quản lý kinh tế và xã hội yếu kém".
Ông Abdramane cho biết phe đảo chính đã bãi bỏ hiến pháp, đình chỉ mọi thể chế và đóng cửa biên giới quốc gia. Tất cả các cơ quan chính phủ đã bị đình chỉ. Người đứng đầu các bộ sẽ giải quyết công việc sự vụ hằng ngày.
"Tất cả các đối tác bên ngoài được yêu cầu không can thiệp vào việc nội bộ của Niger. Biên giới trên bộ và trên không sẽ bị đóng cửa cho đến khi tình hình ổn định" - ông Abdramane nhấn mạnh.
Ông xác nhận Tổng thống Niger Mohamed Bazoum đã bị lực lượng bảo vệ của chính mình bắt giữ từ sáng sớm 26-7. Nhóm quân nhân đứng sau vụ đảo chính đang kiểm soát tình hình đã ban hành lệnh giới nghiêm ban đêm, có hiệu lực từ 22h đến 5h ngày hôm sau, cho đến khi có thông báo mới.
Đại tá Abdramane cho biết những người lính của mình đang hành động dưới lá cờ của Hội đồng quốc gia bảo vệ tổ quốc (CNSP).
Sau thông báo trên về vụ đảo chính ở Niger, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đã kêu gọi trả tự do cho Tổng thống Bazoum. Phát biểu tại cuộc họp báo ở New Zealand, ngoại trưởng Mỹ cho biết "tình hình hiện nay ở Niger rõ ràng là một nỗ lực giành chính quyền bằng vũ lực và vi phạm hiến pháp".
Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết trong ngày 27-7, Ngoại trưởng Blinken đã gọi điện được cho Tổng thống Niger Mohamed Bazoum trong lúc ông bị các vệ sĩ của mình quản thúc bên trong tư gia, để khẳng định "sự ủng hộ vững chắc của Mỹ".
Trước diễn biến tình hình ở Niger, Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Antonio Guterres cho biết ông đã nói chuyện với Tổng thống Bazoum và đề xuất rằng Liên Hiệp Quốc có thể hỗ trợ đầy đủ cho Niger.
Khối kinh tế Tây Phi Ecowas cho biết họ "lên án mạnh mẽ nhất việc giành chính quyền bằng vũ lực".
Theo Đài BBC, mặc dù xảy ra đảo chính, tình hình ở thủ đô Niamey của Niger là hầu như yên bình. Trong ngày 26-7, nhiều người ở thủ đô đã xuống đường tuần hành ủng hộ Tổng thống Bazoum. Thỉnh thoảng các quân nhân phe đối lập nổ súng để giải tán các cuộc biểu tình.
Bất ổn ở Niger
Tổng thống Mohamed Bazoum thắng cử trong một cuộc bầu cử dân chủ năm 2021. Ông là đồng minh thân cận của Pháp và các quốc gia phương Tây khác trong cuộc chiến chống lại các chiến binh Hồi giáo ở Tây Phi.
Tình hình ở Niger bất ổn do ảnh hưởng từ hai cuộc nổi dậy của lực lượng Hồi giáo - một ở phía tây nam, tràn vào từ Mali vào năm 2015, và một ở phía đông nam, liên quan đến các chiến binh thánh chiến có trụ sở tại đông bắc Nigeria. Các nhóm chiến binh này liên minh với cả al-Qaeda và Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) hoạt động ở Niger.
Hai quốc gia láng giềng của Niger là Mali và Burkina Faso cũng đã trải qua các cuộc đảo chính do các cuộc nổi dậy của những phần tử thánh chiến gây ra trong những năm gần đây.
Niger đã trải qua 4 cuộc đảo chính kể từ khi độc lập khỏi Pháp vào năm 1960, cũng như nhiều âm mưu đảo chính khác.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận