03/04/2012 08:02 GMT+7

Quản lý giá thuốc: bình mới rượu cũ

LAN ANH
LAN ANH

TT - Được kỳ vọng sẽ là “thượng phương bảo kiếm” cho vấn đề giá thuốc, vốn luôn lên bổng xuống trầm, nhưng thông tư liên tịch số 50 hướng dẫn quản lý giá thuốc vừa ban hành lại thiếu vắng những biện pháp mới, khả thi.

kR7GNITB.jpgPhóng to
Theo thông tư 50, nhà sản xuất phải công bố các mức giá bán lẻ thuốc dự kiến - Ảnh: T.T.D.

Sau hơn một năm lỡ hẹn, thông tư liên tịch số 50 của ba bộ Y tế - Tài chính - Công thương hướng dẫn quản lý giá thuốc (thay thế thông tư 11 năm 2007) vừa ban hành đã quy định rõ hơn để có căn cứ chống kê khai giá thuốc đón đầu, kê khai khống giá thuốc. Tuy nhiên theo nhiều chuyên gia, quản lý giá thuốc theo thặng số lãi trần là biện pháp hiệu quả hơn cả vẫn chưa được đề cập tại thông tư này.

Chặn kê khai ảo

Thặng số lãi trần

Thặng số bán buôn tối đa toàn chặng (thặng số lãi trần từ nhập khẩu tới cảng đến bán buôn) được tính bao gồm các chi phí và lãi tối đa cho toàn bộ giai đoạn từ nhập khẩu tới bán buôn. Đây được coi là biện pháp có hiệu quả để chống tình trạng mua bán thuốc lòng vòng qua các tầng nấc trung gian, chi phí ngầm và đẩy giá thuốc lên cao.

Bộ Y tế cho hay Chính phủ vừa có văn bản đồng ý về chủ trương thực hiện thí điểm quản lý giá thuốc theo thặng số bán buôn toàn chặng. Bộ Y tế sẽ tiến hành xây dựng thông tư thí điểm quản lý giá thuốc bằng thặng số bán buôn tối đa toàn chặng trong quý 2-2012. Yêu cầu quan trọng của thông tư này là xây dựng được thặng số cho các thuốc giá cao, giá thấp, giá trung bình, thuốc ngoại nhập, thuốc sản xuất trong nước. Dự kiến các thuốc giá cao sẽ có thặng số toàn chặng thấp và ngược lại.

Theo hướng dẫn của thông tư 50, ngay khi nộp hồ sơ đăng ký mới thuốc nước ngoài, cơ sở nhập khẩu thuốc phải đăng ký giá CIF dự kiến (giá nhập khẩu đến cảng). Với thuốc trong nước, sau khi lô hàng đầu tiên lưu hành trên thị trường, nhà sản xuất phải công bố giá thành và các mức giá bán buôn, bán lẻ dự kiến. Giá thành được xác định rõ dựa trên các chi phí nguyên liệu, nhiên liệu, nhân công, chi phí sản xuất chung, chi phí trả lãi vay, phân bổ cho sản phẩm phụ...

So với quy định hiện hành ban hành năm 2007, hướng dẫn quản lý giá thuốc mới đã rõ ràng hơn để ngăn chặn tình trạng kê khai giá đón đầu, kê khai ảo, bởi ngay năm 2011 Cục Quản lý dược đã phải yêu cầu hàng chục doanh nghiệp kê khai lại giá thuốc, do họ đã “đón đầu” kê khai gấp 2-3 lần giá bán thực tế.

Tuy nhiên, trao đổi với Tuổi Trẻ hôm 2-4, một chuyên gia về quản lý dược phẩm cho hay chưa có nhiều điểm đột phá trong hướng dẫn quản lý giá thuốc mới. Thông tư tiếp tục giao Bộ Y tế, Cục Quản lý dược phối hợp với thương vụ VN ở nước ngoài khảo sát giá thuốc ở nước ngoài nhằm có căn cứ so sánh với giá trong nước. Đồng thời công bố giá tối đa của các thuốc do ngân sách nhà nước và bảo hiểm y tế chi trả hằng năm. “Hai yêu cầu này đã được đặt ra từ năm 2007, nhưng đến nay đã thực hiện được đâu” - chuyên gia này bức xúc.

Vẫn chưa quản lý theo thặng số lãi trần

Dược sĩ Phạm Lương Sơn, trưởng ban thực hiện chính sách bảo hiểm y tế Bảo hiểm xã hội VN, cho hay hiện cơ quan bảo hiểm vẫn lấy giá thuốc trúng thầu vào bệnh viện làm căn cứ, nhưng thực tế mỗi bệnh viện lại chấm thầu mức giá khác nhau. Khảo sát tại 25 địa phương trong sáu tháng đầu năm 2011, giá trúng thầu thuốc Ginko Biloba uống đã chênh lệch tới 12 lần giữa mức giá cao nhất và giá thấp nhất.

Hướng dẫn quản lý giá thuốc mới yêu cầu chậm nhất 30 ngày, các bệnh viện gửi kết quả đấu thầu về Cục Quản lý dược để cập nhật lên website, nhưng theo ông Sơn, nếu người dân lấy căn cứ là giá trúng thầu được đăng tải trên website của Cục Quản lý dược thì vẫn có thể gặp trường hợp một loại thuốc có nhiều loại giá khác nhau.

Ông Nguyễn Ngọc Hiền, phó giám đốc Bệnh viện Bạch Mai, cho hay năm 2011 bệnh viện đã phải từ chối thanh toán một loại thuốc bị mua bán lòng vòng qua 3-4 tầng trung gian mà thực tế chỉ mua bán trên hóa đơn, khiến giá thuốc đội lên từ 16.000 đồng/chai (giá CIF nhập khẩu đến cảng) đã tăng lên 106.000 đồng/chai khi vào đến bệnh viện. Từ thực tế này, từ năm 2002 đến nay nhiều chuyên gia kiên trì góp ý với Bộ Y tế nên quản lý giá thuốc theo thặng số lãi trần sẽ tránh được tình trạng lòng vòng này.

Tại một cuộc họp tổ chức gần đây ở Sở Y tế Hà Nội về giá thuốc, có ý kiến cho rằng thặng số lãi trần với dược phẩm nên ở mức 138% (từ nhập khẩu tới cảng đến bán buôn), nhưng Cục Quản lý dược lại cho rằng thặng số chỉ nên ở mức 90%. Tuy nhiên, biện pháp hiệu quả này vẫn chưa được đưa vào thông tư quản lý giá thuốc mới. Vì thế, thông tư 50 thay thế thông tư 11 nhưng biện pháp không mới và vẫn chưa tìm được “thượng phương bảo kiếm” cho vấn đề giá thuốc, vốn luôn lên bổng xuống trầm.

LAN ANH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên