04/03/2018 17:05 GMT+7

Quan hệ Việt - Ấn: Hợp tác biển là lĩnh vực then chốt

DIỆU AN
DIỆU AN

TTO - Phát biểu với các học giả và sinh viên Ấn Độ tại Bảo tàng tưởng niệm Nehru ở New Dehli sáng 4-3, Chủ tịch nước Trần Đại Quang cho biết thúc đẩy kết nối hợp tác về biển giữ vai trò then chốt cho quan hệ song phương Việt Nam - Ấn Độ.

Quan hệ Việt - Ấn: Hợp tác biển là lĩnh vực then chốt - Ảnh 1.

Chủ tịch nước Trần Đại Quang (giữa) nói chuyện với học giả và sinh viên Ấn Độ tại Bảo tàng Nehru - Ảnh: VĂN YÊN

Đây là một trong những hoạt động chính thức của Chủ tịch nước Trần Đại Quang trong khuôn khổ chuyến thăm cấp nhà nước Ấn Độ từ 2 đến 4-3.

Thế kỷ này là của Châu Á

Trong bài phát biểu, Chủ tịch nước Trần Đại Quang cho rằng trong hai thập niên đầu thế kỷ 21, thế giới trải qua những biến chuyển nhanh chóng, sâu sắc và toàn diện. Một trong những chuyển dịch mạnh mẽ nhất, khơi dậy nhiều cảm hứng nhất chính là sự trỗi dậy của châu Á.

"100 năm trước đây, đa phần châu lục này, trong đó có Ấn Độ và Việt Nam, còn đắm chìm trong những đêm dài thuộc địa, chiến tranh và lạc hậu. Ít ai đã có thể hình dung được 100 năm sau, châu Á sẽ vươn lên mạnh mẽ, trở thành trung tâm chiến lược cả về chính trị, kinh tế, văn hóa của thế giới. Hầu hết các dự báo về thế giới ngày nay đều thống nhất một điểm: Thế kỷ này sẽ là thế kỷ của châu Á," Chủ tịch nước nhấn mạnh.

Chỉ trong vài thập niên, thế giới đã liên tục chứng kiến những kỳ tích mà Ấn Độ, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, các nước ASEAN... đã lập nên. Điều trùng hợp lý thú là trung tâm của các kỳ tích đó đều nằm ở khu vực Ấn Độ Dương và châu Á - Thái Bình Dương.

Theo Chủ tịch nước, thời gian qua, tại khu vực này đã xuất hiện hàng loạt các ý tưởng, sáng kiến, chiến lược hợp tác dài hạn mang tầm liên khu vực và toàn cầu.

Đó là: Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện khu vực của ASEAN và 6 nước đối tác; chính sách "Hành động hướng Đông" của Ấn Độ; sáng kiến liên kết "Vành đai và Con đường" của Trung Quốc; chiến lược "Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở" của Nhật Bản; tầm nhìn "Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở" của Hoa Kỳ và gần đây nhất là sự hình thành của Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương với sự tham gia của 11 nền kinh tế ở hai bờ Thái Bình Dương…

"Sự kết nối ngày càng chặt chẽ hơn cả về kinh tế, chính trị, văn hóa giữa châu Á - Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương sẽ tạo dựng một động lực tăng trưởng mới, thúc đẩy xu hướng đưa thế kỷ của châu Á trở thành thế kỷ của Ấn Độ Dương - châu Á - Thái Bình Dương," Chủ tịch nước nhấn mạnh.

Cạnh tranh gay gắt giữa các nước lớn

Tuy nhiên, theo Chủ tịch nước Trần Đại Quang, khu vực này cũng đang phải đối mặt với không ít khó khăn và thách thức đan xen. Bên cạnh việc là nơi tập trung nhiều sáng kiến liên kết, hợp tác, Ấn Độ Dương - châu Á - Thái Bình Dương cũng là trọng điểm cạnh tranh quyền lực và ảnh hưởng gay gắt giữa các nước lớn.

Quan hệ Việt - Ấn: Hợp tác biển là lĩnh vực then chốt - Ảnh 2.

Chủ tích nước Trần Đại Quang phát biểu với các học giả và sinh viên tại Bảo tàng Nehru. Ảnh: VĂN YÊN

Nhiều "điểm nóng" trong khu vực, xung đột vũ trang, tranh chấp chủ quyền lãnh thổ, biển, đảo, tranh chấp tài nguyên, khủng bố quốc tế, tội phạm xuyên quốc gia, ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu… tiếp tục diễn ra với quy mô, tần suất, tính chất, mức độ ngày càng nghiêm trọng hơn. Mâu thuẫn giữa hợp tác và cạnh tranh; giữa ôn hòa và cực đoan; giữa mở cửa và biệt lập; giữa tự do và bảo hộ; giữa phát triển và tụt hậu; giữa độc lập và lệ thuộc; giữa đoàn kết và chia rẽ vẫn còn gay gắt. Khát vọng hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển ở Ấn Độ Dương - châu Á - Thái Bình Dương vẫn chưa trở thành hiện thực.

Theo Chủ tịch nước, khát vọng trên chỉ có thể trở thành hiện thực khi tất cả các nước đều chia sẻ tầm nhìn chung về một khu vực mở, dựa trên luật pháp quốc tế, cùng chia sẻ lợi ích trong việc duy trì hòa bình, ổn định và sự thịnh vượng bao trùm, trong đó, không một quốc gia nào, không một dân tộc nào, không một nhóm dân cư nào bị bỏ lại phía sau; khi tất cả các nước cùng nỗ lực bảo vệ sự tự do, thông suốt của các tuyến đường hàng hải, hàng không, thương mại, không để Ấn Độ Dương - châu Á - Thái Bình Dương bị chia cắt thành các khu vực ảnh hưởng, bị thao túng bởi chính trị cường quyền, bị ngăn cản bởi chủ nghĩa bảo hộ hay bị chia rẽ bởi chủ nghĩa dân tộc vị kỷ, hẹp hòi; khi các nước kề vai, sát cánh xây dựng một không gian sinh tồn và phát triển chung với niềm tin Ấn Độ Dương - châu Á - Thái Bình Dương đủ lớn để tất cả các nước cùng phát triển thịnh vượng; khi các nước nỗ lực hình thành các cơ chế hữu hiệu để duy trì hòa bình, ổn định, thượng tôn pháp luật, bảo đảm an ninh chung, ngăn ngừa xung đột và chiến tranh, ứng phó có hiệu quả với các thách thức an ninh truyền thống và phi truyền thống.

Tầm nhìn mới cho quan hệ Việt - Ấn

Trong bài phát biểu, Chủ tịch nước Trần Đại Quang cũng chia sẻ một số suy nghĩ về bước đi sắp tới của quan hệ Việt Nam - Ấn Độ.

Một là, hai bên cần tăng cường hơn nữa sự kết nối về kinh tế - thương mại, coi đây là trọng tâm và động lực phát triển của quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Ấn Độ. Theo đó, cần vượt lên tư duy bảo hộ, thúc đẩy tự do hóa thương mại và đầu tư, kết nối kết cấu hạ tầng, hàng hải, hàng không cả trong khuôn khổ song phương cũng như trong các kế hoạch kết nối tiểu vùng và khu vực. Việt Nam ủng hộ và phối hợp chặt chẽ để Ấn Độ trở thành một nhân tố quan trọng trong tổng thể kế hoạch về kết nối ASEAN, cùng nhau hoàn tất Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện khu vực trong năm 2018.

Hai là, thúc đẩy kết nối hợp tác về biển, coi đây là lĩnh vực then chốt không chỉ trong quan hệ hai nước mà còn đối với môi trường hòa bình, ổn định và phát triển ở Ấn Độ Dương - châu Á - Thái Bình Dương. Hai bên thường xuyên trao đổi thông tin, chia sẻ kinh nghiệm, xây dựng năng lực trong xử lý các vấn đề an ninh biển; phối hợp phát triển kinh tế biển xanh thông qua kết nối hàng hải, hợp tác cảng biển, bảo vệ môi trường và sử dụng bền vững tài nguyên biển; nỗ lực xây dựng trật tự trên biển, giải quyết hòa bình các tranh chấp trên cơ sở luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước của Liên Hiệp Quốc về Luật Biển năm 1982.

Ba là, đẩy mạnh kết nối trong thực hiện các mục tiêu về phát triển bền vững ở hai nước, gắn kết chặt chẽ giữa khuôn khổ Chương trình nghị sự 2030 của Liên hiệp quốc về phát triển bền vững với các khuôn khổ hợp tác khu vực, trong đó có cơ chế hợp tác Mê-kông - sông Hằng. Việt Nam mong muốn hợp tác hiệu quả, thực chất với Ấn Độ trong các lĩnh vực nông nghiệp xanh, công nghệ xanh, năng lượng sạch và năng lượng tái tạo, nâng cao năng lực công nghệ thông tin, phòng, chống thiên tai, biến đổi khí hậu.

Bốn là, hai bên cần tiếp tục hợp tác chặt chẽ, cùng nhau xây dựng cấu trúc khu vực mới cởi mở, mang tính bao trùm và cùng chia sẻ giá trị, lợi ích của hòa bình. Thực hiện có hiệu quả các nội hàm của quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Ấn Độ, quan hệ Đối tác chiến lược ASEAN - Ấn Độ với tầm nhìn mới. Một quan hệ đối tác chiến lược tốt ở mọi tầng nấc không chỉ đem lại lợi ích cho Việt Nam và Ấn Độ, mà còn đóng góp vào hòa bình và phát triển của khu vực.

Cuối cùng, hai nước chúng ta cần phối hợp hành động chặt chẽ hơn nữa tại các diễn đàn đa phương, nhất là trong các cơ chế của Liên Hiệp Quốc và ASEAN; tích cực tham gia xây dựng và định hình các khuôn khổ và phương cách hợp tác; tích cực đóng góp vào các nỗ lực chung của cộng đồng quốc tế để bảo đảm hòa bình, hợp tác và phát triển, đem lại tương lai tươi sáng cho Ấn Độ Dương - châu Á - Thái Bình Dương.

* Trích lược bài phát biểu toàn văn của Chủ tịch nước. Tựa và tít phụ do Tuổi Trẻ đặt 

DIỆU AN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên