17/04/2015 09:50 GMT+7

Quản dạy nghề, không đơn giản chỉ là phép cộng

NGỌC HÀ thực hiện
NGỌC HÀ thực hiện

TT - Tuổi Trẻ đã có cuộc trao đổi với ông Hoàng Ngọc Vinh - vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp Bộ GD-ĐT liên quan việc Bộ nào quản lý hệ thống giáo dục nghề nghiệp.

Sinh viên hệ cao đẳng nghề khoa điện - điện tử Trường cao đẳng Kỹ thuật Cao Thắng TP.HCM trong giờ thực hành - Ảnh: Như Hùng
Sinh viên hệ cao đẳng nghề khoa điện - điện tử Trường cao đẳng Kỹ thuật Cao Thắng TP.HCM trong giờ thực hành - Ảnh: Như Hùng

Trả lời câu hỏi: “Thống nhất trình độ đào tạo CĐ với CĐ nghề, trung cấp chuyên nghiệp (TCCN) với trung cấp nghề, cũng như thống nhất quản lý nhà nước với hệ thống giáo dục nghề nghiệp (GDNN) chung là tất yếu. Vậy tại sao Luật GDNN hiện thực hóa được điều này lại vấp phải nhiều ý kiến lo ngại khi triển khai?”, ông Hoàng Ngọc Vinh chia sẻ:

- Theo Luật GDNN cũng như khung trình độ quốc gia đang được xây dựng để đón đầu việc hình thành Cộng đồng kinh tế ASEAN, sẽ thống nhất trình độ đào tạo CĐ và CĐ nghề, trung cấp và trung cấp nghề.

Một hệ thống giáo dục thống nhất thì không thể có hai anh trung cấp, hay hai anh CĐ. Nếu cứ để như vậy thì ngay người dân trong nước còn khó hiểu, nói gì đến hội nhập.

Hơn nữa, xét nhu cầu từ thị trường lao động thì chỉ có nhu cầu theo trình độ hoặc kỹ năng, chứ không thể có nhu cầu hai loại trình độ trong một cấp trình độ.

Song lịch sử hệ thống đã để lại tình huống xuất hiện trình độ trung cấp nghề, CĐ nghề từ Luật giáo dục năm 2005. Việc thiếu cơ sở khoa học thiết kế trình độ từ nhu cầu vị trí việc làm trên thị trường lao động đã dẫn đến những hệ lụy phải giải quyết để thực hiện Hiến pháp 2013.

Thực tế, Hiến pháp không đề cập đến dạy nghề trong hệ thống giáo dục quốc dân.

Ông Hoàng Ngọc Vinh - Ảnh: N.H.
Ông Hoàng Ngọc Vinh - Ảnh: N.H.

Phải đánh giá tác động chính sách pháp luật

* Theo ông, những khó khăn để phát triển GDNN trong lịch sử liệu có được gỡ bởi sự thống nhất các trình độ đào tạo, hay hệ thống GDNN sẽ lại đối mặt với những tổn thương mới trong giai đoạn quá độ của sự thống nhất?

- Thực tế, khi hệ thống GD-ĐT bị chia cắt và chồng chéo, cơ quan quản lý nhà nước sẽ rất khó triển khai quy hoạch riêng mạng lưới các cơ sở GDNN một cách hiệu quả, nếu tách nó ra khỏi hệ thống giáo dục phổ thông và giáo dục ĐH.

Rõ ràng giáo dục phổ thông tạo nguồn đầu vào cho GDNN và giáo dục ĐH. Làm thế nào để quy hoạch khả thi nếu chúng ta chưa xác định (hay dự báo) được nguồn đầu vào và điều phối được các “dòng chảy” này?

Quy hoạch hệ thống sẽ liên quan đến việc sáp nhập, giải thể hoặc thành lập mới cơ sở GDNN, tất yếu nảy sinh khó khăn về tâm lý người trong cuộc. Sáp nhập hai tổ chức không chỉ đơn giản là “phép cộng” mà còn liên quan đến “văn hóa tổ chức”, vốn không dễ gì hòa nhập ngay.

* Luật GDNN chưa có hiệu lực, nhưng đã có nhiều ý kiến cho rằng luật sẽ khó khả thi vì nhiều điểm bất cập. Theo ông, đâu là điểm khó khăn nhất trong triển khai luật mới?

- Luật GDNN đã được Quốc hội thông qua, vấn đề là chúng ta phải thực hiện sao cho hiệu quả, khó khăn đến mấy cũng phải làm.

Tuy nhiên, tôi vẫn muốn nhấn mạnh là Luật GDNN đã bỏ qua bước cơ bản trong quy trình ban hành văn bản quy phạm pháp luật là đánh giá tác động chính sách pháp luật đối với các đối tượng thuộc phạm vi điều chỉnh của luật, không tạo được sự đồng thuận cao tại Quốc hội. Học sinh, sinh viên, giáo viên, các trường TCCN và CĐ, chương trình đào tạo, chính sách với giáo viên, chính sách tài chính... được đánh giá khách quan thì văn bản sẽ mang tính khả thi hơn và tránh được những khiếm khuyết.

Nhưng khó khăn nhất là khi đã thống nhất trình độ thì chương trình đào tạo sẽ thế nào giữa một bên đào tạo khá rộng, còn một bên đào tạo quá hẹp; rồi tổ chức thực hiện chương trình ra sao, trước đây chỉ có các trường nghề được đầu tư nhiều, nay thống nhất lại, tất yếu đầu tư cho các cơ sở GDNN sẽ không được như trước kia nữa.

Để luật đi vào cuộc sống, tất yếu phải đưa ra lộ trình xây dựng, thực hiện khung trình độ quốc gia (để từ đó định hình hệ thống GD-ĐT); lộ trình thống nhất cơ quan quản lý nhà nước về GD-ĐT ở cấp trung ương và ở 63 tỉnh, thành phố, rồi phải đánh giá tác động chính sách pháp luật đối với TCCN, CĐ, các trung tâm giáo dục kỹ thuật tổng hợp và hướng nghiệp để đề ra chính sách pháp luật phù hợp.

Phải đứng ở tư duy hệ thống

* Nhiều người cho rằng việc thống nhất quản lý GDNN là tất yếu, song nếu giao cho Bộ LĐ-TB&XH thì không đảm bảo liên thông, nhưng nếu giao về Bộ GD-ĐT thì đầu tư khó hiệu quả vì lâu nay nhiều trường trung cấp nghề, CĐ nghề vốn thuộc Bộ LĐ-TB&XH được đầu tư và phát triển tốt hơn. Quan điểm của ông ra sao trước nhận định này?

- Liên thông không phải là vấn đề lớn lắm. Bởi lẽ, nếu trong một hệ thống thì bản chất của giáo dục là liên thông, chuyển tiếp, học hết lớp 1 sẽ lên lớp 2, không phải học lại những điều đã học. Tuy nhiên, liên thông là một cơ chế công nhận và miễn trừ để người học khỏi phải học lại những kiến thức, kỹ năng đã tích lũy trong quá khứ. Cơ chế này giống như cơ cấu máy móc, phải mang tính hệ thống đồng bộ, vận hành trơn tru, tin cậy.

Vì vậy, nếu không cùng hệ thống ắt sinh trục trặc, liên thông bị tắc nghẽn. Tách thành hai hệ thống sẽ không có cùng tiêu chuẩn đào tạo, quy định kiểm định, không cùng đơn vị đo lường (bằng hệ thống tín chỉ), không chung chuẩn đầu ra và khó có được lòng tin chung trong hệ thống.

Nếu nói giao về Bộ GD-ĐT khó hiệu quả thì tôi không đồng tình vì các trường TCCN và CĐ không có chương trình mục tiêu như ngành dạy nghề, “nguồn sống” chủ yếu bằng nguồn xã hội hóa (học phí) mà quy mô vẫn tăng. Còn nói nhiều trường trung cấp nghề và CĐ nghề được đầu tư gấp nhiều lần so với các trường TCCN, CĐ thì cũng phải thấy đó là những đồng tiền thuế của dân, tiền ngân sách công chứ chẳng phải tiền của ai cả.

Đã là tiền thuế, tiền ngân sách công thì mọi đối tượng học sinh đều phải được hưởng lợi như nhau. Có tiền ắt có sự phát triển, nhưng bản thân từ phát triển cũng còn trừu tượng lắm. Có thể các trường nghề phát triển về cơ ngơi, cơ sở vật chất, đội ngũ, nhưng ở khía cạnh phát triển phải nhìn xem xu hướng phát triển thế nào, có bền vững, đáp ứng được nhu cầu doanh nghiệp hay không, có thu hút nhiều thanh niên vào học nghề hay không?

Đứng trên bình diện so sánh dạy nghề được Nhà nước ưu đãi đầu tư trong khi để các trường TCCN, CĐ vật lộn với khó khăn tài chính, đôi khi phải liên kết đào tạo, thì quan điểm “phát triển tốt” phải đứng ở tư duy hệ thống mới thấy hết được.

Phải lấy lợi ích của người học, người dạy làm mục tiêu quản lý

Quản lý nhà nước phải lấy lợi ích của người học và người dạy làm mục tiêu quản lý. Theo đó, phải quán triệt sâu sắc nghị quyết đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT, đổi mới quản lý, tách bạch việc quản lý nhà nước ra khỏi những công việc quản trị điều hành của cơ sở đào tạo.

Đặc biệt, trong bối cảnh kinh tế thị trường, nhu cầu thị trường luôn biến đổi, quy mô hệ thống lớn thì phải triệt để phân cấp cho địa phương. Các trường phải có nhiều quyền tự quyết để phản ứng nhanh với nhu cầu thị trường.

Trong bối cảnh việc làm, lao động hiện tại của VN, quản lý nhà nước đối với GDNN cần thiết kế cơ chế thúc đẩy tư nhân hóa, đẩy mạnh đào tạo, phát triển kỹ năng tại doanh nghiệp, đồng thời hình thành bốn kết nối giữa giáo dục phổ thông - GDNN - giáo dục ĐH và doanh nghiệp (tổ chức sử dụng lao động).

 

NGỌC HÀ thực hiện
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên