Phóng to |
Theo các bác sĩ Anh, quấn chăn quanh người trẻ như thế này không có lợi cho sự phát triển xương hông. Ảnh: AFP |
Quấn chăn cho trẻ theo kiểu truyền thống có nguy cơ gây ra chứng loạn sản khớp háng do rối loạn phát triển (Developmental Dysplasia of the Hip), bác sĩ phẫu thuật chỉnh hình trẻ em Nicholas Clarke viết trên trên tạp chí Archives of Disease in Childhood của Anh.
“Để hông phát triển lành mạnh, hai chân trẻ phải co lên và dạng ra. Đây là tư thế có lợi cho sự phát triển tự nhiên của các khớp hông. Không nên quấn chặt chân các bé trong thời gian dài” – bác sĩ Clarke khuyến nghị.
Chăn quấn phải có những khoang trống mềm để trẻ đặt chân vào nhằm giúp trẻ có thể cựa quậy và di chuyển phần hông, bác sĩ Clarke cho biết thêm. Ông còn dẫn các con số cho thấy 90% trẻ sơ sinh ở Bắc Mỹ được quấn trong chăn trong vài tháng đầu đời và nhu cầu mua chăn quấn tăng 61% ở Anh trong khoảng 2010-2011.
Bác sĩ phẫu thuật chỉnh hình Andreas Roposch thuộc bệnh viện nhi Great Ormond Street ở Luân Đôn khẳng định có những bằng chứng cho thấy việc quấn chăn làm ảnh hưởng đến quá trình phát triển xương hông của trẻ sơ sinh.
“Theo quan điểm của tôi, chúng ta không nên quấn chăn cho trẻ vì không có lợi gì cho sức khỏe mà còn có ảnh hưởng xấu đối với xương hông” – bác sĩ Roposch cho biết thêm.
Bác sĩ nhi khoa Alastair Sutcliffe tại đại học University College London cho biết ở các nước như Nigeria, phụ nữ thường bồng con theo tư thế chân trẻ bám quanh eo mình và hầu như không có trường hợp trật khớp háng nào được ghi nhận.
“Tôi khuyên các bậc cha mẹ muốn cho con dễ ngủ hơn bằng cách quấn chăn quanh người trẻ thì nên quấn nhẹ nhàng, đừng quá chặt, đặc biệt là khu vực quanh hông các bé,” bác sĩ Sutcliffe khuyến cáo.
Thói quen quấn chăn cho trẻ được cho là xuất phát từ thời Hy Lạp và La Mã cổ đại nhằm mang đến cảm giác ấm áp và an toàn như giai đoạn trẻ còn nằm trong bụng mẹ. Cách đây nhiều thập niên, thói quen này không còn được áp dụng ở các nước phương Tây vì lo ngại những ảnh hưởng tiêu cực nhưng hiện đang rộ lên trở lại.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận