Món quà, ngoài giá trị của chính nó, còn bao hàm nhiều giá trị, biểu hiện ý nghĩa khác như về danh dự, địa vị, trách nhiệm, nghĩa vụ, sự hào phóng, sự trao đổi… thậm chí đôi khi còn giống như một sự thách thức đối với người nhận quà. Mối quan hệ giữa món quà và người tặng đã tạo ra nghĩa vụ "đáp trả" của người nhận.
Vòng quay theo quy luật xã hội của quà tặng là: "tặng quà - nhận - đáp trả", nhưng vòng quay ấy trên thực tế lại được thể hiện bằng muôn vàn cách thức tặng quà khác nhau. Tặng quà - nhận quà đáp trả ẩn chứa những quy định bắt buộc của xã hội.
Món quà ẩn chứa những quy luật bắt buộc của xã hội - Ảnh: Sohu
Từ một câu chuyện cổ tích
Người Việt có lẽ không ai không biết đến sự tích quả dưa hấu và nhân vật Mai An Tiêm. Câu chuyện tiêu biểu nằm trong Kho tàng truyện cổ tích Việt Nam này kể về Mai An Tiêm, là con rể của Hùng Vương, được Hùng Vương yêu quý, hay tặng nhiều của ngon vật lạ.
Nhưng trong khi mọi người được nhận lộc vua ban đều nâng niu ca tụng, riêng An Tiêm lại bảo rằng: "của biếu là của lo, của cho là của nợ". Câu nói này bị bọn nịnh thần bẩm tấu lại với Hùng Vương, vua giận lắm, liền ra lệnh đuổi gia đình Mai An Tiêm ra ngoài hoang đảo.
Biến cố trong cuộc đời Mai An Tiêm có lễ xuất phát từ câu nói "của biếu là của no, của cho là của nợ". Phải chăng Mai An Tiêm đã nhận ra quy luật "quà tặng" chính là "món nợ" tiềm ẩn? Khi nhận quà cũng tức là ông mang nợ và phải trả món nợ ấy bằng cách này hay cách khác.
Quà tặng đối với ông là một sự trao đổi về lợi ích. Ông không muốn tham gia và lựa chọn đứng ngoài vòng quay liên minh của những mối quan hệ lợi ích. Chính vì thế mà Mai An Tiêm bị bọn nịnh thần tìm cách đào thải, tách ông ra khỏi môi trường xã hội bấy giờ bằng cách đầy ra hoang đảo, sống biệt lập với quần thể.
Tại hoang đảo, sau khi trồng thành công giống dưa mới, gia đình Mai An Tiêm lại sử dụng quả dưa hấu như một món quà (hay món hàng) để trao đổi nhu yếu phẩm với các tàu buôn trên biển. Lúc này, Mai An Tiêm đã tham gia vào quy luật trao tặng - đáp trả, nhưng bằng cách thức mà ông cho là công bằng và bình đẳng hơn.
Có thể thấy, "của biếu là của lo, của cho là của nợ" giống như là một triết lý về quà tặng, một quy luật của xã hội mà người dân Việt Nam đã đúc kết lại từ trong quá khứ và được biểu hiện qua hình tượng Mai An Tiêm.
Từ một câu chuyện lịch sử
Trong Đại Việt sử ký toàn thư và Việt sử giai thoại đều có ghi lại câu chuyện về việc nhận quà của Thái sư Trần Thủ Độ. Có thể tóm lược như sau: Thời Trần, Trần Thủ Độ được vua giao việc tuyển chọn người tài làm quan.
Một kẻ nọ biết thông tin liền đến nhà Trần Thủ Độ biếu quà cho phu nhân của ông. Phu nhân liền dặn Trần Thủ Độ tên tuổi của người nhờ vả, nghe vợ dặn dò ông vui vẻ nhận lời.
Hôm sau, khi nghe đọc đến tên của người nhờ vả, ông liền phong chức câu đương như ý của người nọ. Có điều, Trần Thủ Độ lớn tiếng nói: "Ngươi vì đến nhà của ta biếu quà cho phu nhân mà có được chức vụ này, thế nên phải chặt một ngón chân của ngươi để phân biệt với các câu đương khác". Người nọ nghe xong sợ hãi sống chết xin thôi không nhận chức để được tha tội.
Đại Việt sử ký toàn thư có nhiều câu chuyện về bài học quà tặng
Trần Thủ Độ thực hiện theo nguyên tắc "nhận quà" và "sự đáp trả". Vợ của ông đã nhận quà và hứa hẹn với người ta, ông thực hiện theo ý của vợ. Nhưng Trần Thủ Độ muốn xây dựng một chốn quan trường thanh liêm, ông dùng sự thông minh của mình để đặt ra bài toán khó đối với người tặng quà, buộc họ phải có sự quyết định khôn ngoan và có lợi nhất cho mình.
Trên thực tế, Trần Thủ Độ không bước qua quy luật của quà tặng cho dù đó chỉ là món quà gián tiếp. Ông ứng đối với quy luật xã hội của quà tặng để xây dựng một quan trường thanh liêm, chính trực.
Quà tặng - công bằng và danh dự?
Cũng trong Đại Việt sử ký toàn thư có ghi chép một chi tiết nhỏ: "Tha tội cho tiểu hiệu Hoàng Cự Đà", đi kèm đằng sau chi tiết đó chúng ta còn có thêm một câu chuyện khác về quà tặng.
Vào năm 1255, vua Trần Thái Tông cho trồng rất nhiều cây muỗm (có nơi ghi cây xoài) ở Thăng Long. Mùa thu hoạch, nhà vua ban thưởng cho các quan, riêng một viên quan tiểu hiệu tên Hoàng Cự Đà lại không được nhận lộc vua ban.
Tháng Chạp năm 1257, quân Mông Cổ sang xâm lược nước ta lần thứ nhất. Vua ra trận. Linh từ quốc mẫu (vợ thái sư Trần Thủ Độ) đưa Thái Tử Hoảng và cung phi, công chúa cùng vợ con các tướng lánh xuống mạn Hoàng Giang (thuộc Lý Nhân, Hà Nam).
Ngày 13 tháng Chạp năm ấy, quân Mông Cổ đến bến sông Hồng. Trước thế giặc mạnh, triều đình tạm rút khỏi Thăng Long. Hoàng Cự Đà ngồi trên một lá thuyền nhẹ rút xuống phía nam. Đến Hoàng Giang, gặp Thái tử đi thuyền ngược lên, Cự Đà tránh sang bờ sông bên trái, cho thuyền xuôi gấp.
Thái tử truyền cho quân gọi to hỏi quân giặc hiện ở đâu? Cự Đà trả lời: "Không biết, đi mà hỏi những người ăn muỗm ấy".
Chỉ vì trái muỗm, Cự Đà từ chối cứu vua
Sau chiến thắng quân Nguyên Mông lần thứ nhất, Thái tử xin khép Cự Đà vào cực hình để răn những kẻ làm tôi bất trung. Nhà vua nói: "Cự Đà tội đáng giết cả họ, song đời xưa đã có chuyện Dương Châm, không ăn được thịt dê, đến nỗi làm quân nước Trịnh phải thua. Việc Cự Đà là lỗi ở ta, tha cho hắn tội chết, cho hắn đánh giặc để chuộc tội".
Vua Trần Thái Tông đã dẫn tích truyện dưới thời Xuân Thu ở Trung Quốc. Nước Trịnh đánh nước Tống. Khi sắp đánh nhau, Hoa Nguyên nước Tống làm thịt dê cho binh sĩ ăn. Người đánh xe là Dương Châm không được ăn. Đến khi đánh nhau, Dương Châm nói: "Con dê hôm trước là quyền ở ông. Việc đánh nhau hôm nay là quyền ở tôi". Nói rồi đánh xe chạy vào hàng quân Trịnh. Cho nên, nước Tống bị thua.
Câu chuyện Cự Đà không được ăn muỗm là một ví dụ điển hình về tính công bằng trong thưởng - phạt của lịch sử Việt Nam. Tục ngữ của chúng ta có câu: "Một miếng giữa làng bằng một sàng xó bếp" vì thế chia lộc, ban lộc, thưởng phạt không thể tách rời công bằng và danh dự.
Người ta không cười Dương Châm hay Cự Đà vì sự hẹp hòi, ghen tị, bất trung đôi khi lại phát sinh từ những ấm ức khi bị coi thường, bị thấy mất thể diện từ chuyện nhỏ nhặt.
Những câu chuyện lịch sử giống như một tấm gương soi, để mỗi người đọc xong tự ngẫm về mình. Người lãnh đạo học theo Trần Thái Tông, Trần Thủ Độ… để cân bằng các mối quan hệ xã hội một cách công bằng, nhân hoà; người dân từ bài học của Mai An Tiêm, Cự Đà… học cách cân bằng, bao dung để không tự đẩy mình vào chỗ "nguy hiểm".
Từ xưa đến nay, quà tặng vẫn luôn tượng trưng cho tình cảm, mối quan hệ, giá trị kinh tế và sự hiểu biết về văn hóa của người tặng.
Tặng món quà thế nào, nhận quà hay khước từ?
Nên hồi đáp đối phương ra sao?
Đó vẫn luôn là những câu hỏi mà trong bất cứ thời kỳ nào, xã hội nào chúng ta cũng đều phải suy nghĩ, tìm ra cách ứng xử hợp tình hợp lý. Bằng không, món quà đó có thể là thiện ý những cũng có thể trở thành mâu thuẫn tiềm ẩn trong các mối quan hệ từ gia đình, thân tộc cho đến toàn xã hội.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận