Tàu SE3 trật bánh do tông vào máy xúc sáng 3-9 tại Quảng Bình - Ảnh: CTV
Theo thống kê của Tổng công ty Đường sắt Việt Nam trong 6 tháng đầu năm 2017, trên tuyến đường sắt đã xảy ra 167 vụ tai nạn khiến 79 người chết, trong đó có tới 38% xảy ra tại lối đi tự mở, 44% ở dọc hành lang đường sắt…
Cũng trong 6 tháng đầu năm, ngành đường sắt chỉ đóng được 231 lối đi trên tổng số 4.279 lối đi tự mở băng qua đường sắt. Theo ngành đường sắt, một trong những nguyên nhân đóng lối đi tự mở chậm là do có tình trạng hôm nay đóng ngày mai người dân lại mở ra đi.
Do đó, lãnh đạo một công ty đường sắt tại TP.HCM cho biết, hiện các lối đi tự mở giao với đường sắt còn nhiều dẫn đến tai nạn đường sắt tiếp tục xảy ra, trong đó có việc một số đoàn tàu trật bánh do đâm phải chướng ngại vật như trâu bò, phương tiện cơ giới.
Thông thường, một đoàn tàu gồm nhiều toa tàu nhưng hiếm khi trật bánh cả đoàn mà chỉ trật một vài toa...
Lãnh đạo công ty đường sắt trên còn cho biết tàu trật bánh còn do nhiều yếu tố khác như: chất lượng cầu đường, chất lượng đầu máy, toa xe và việc xếp dỡ hàng hóa trên toa xe…
Để tìm ra nguyên nhân vụ việc gây trật bánh, ngành đường sắt thường thành lập hội đồng gồm nhiều chuyên gia am hiểu từng lĩnh vực để khám nghiệm hiện trường, phân tích các thông số kỹ thuật cầu đường, toa xe...
Bên cạnh đó, theo lãnh đạo công ty đường sắt trên, để phòng ngừa sự cố trật bánh, các đơn vị đường sắt phải nâng cao chất lượng cầu đường, toa xe, đầu máy phải được kiểm định, lực lượng tuần đường phải thường xuyên làm nhiệm vụ kiểm tra các chướng ngại vật, đặc biệt là ở các khu vực xung yếu.
Ngoài ra, các nhân viên đường sắt như lái tàu, trực gác đường ngang…cũng phải được khám sức khỏe nghiêm ngặt, ngủ nghỉ đầy đủ.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận