PVOil đã thu hồi văn bản yêu cầu nhân viên muốn làm thêm các công việc có nguy cơ nhiễm bệnh COVID-19 như shipper, bán hàng, taxi công nghệ... phải làm đơn xin nghỉ việc - Ảnh: PVOil
Trong văn bản gửi người lao động và đối tác của Tổng công ty Dầu Việt Nam (PVOil) vào ngày 15-6, PVOil thông báo thu hồi văn bản số 3774 đã ban hành vào ngày 14-6.
Theo PVOil, trong thời gian từ đầu năm 2020 đến nay, các hoạt động sản xuất kinh doanh của tổng công ty liên tục phải chịu những tác động hết sức nặng nề của dịch bệnh COVID-19. Có những nơi, có những thời điểm, sản lượng tiêu thụ xăng dầu của PVOil bị giảm tới hơn 40%.
"Mặc dù vậy, với tinh thần và trách nhiệm vì người lao động, công ty mẹ cũng như tất cả các đơn vị thành viên trên toàn hệ thống PVOil luôn cố gắng đảm bảo công ăn việc làm cho người lao động. Không có bất cứ người lao động nào của PVOil bị mất việc vì lý do COVID-19. Không những thế, PVOil còn luôn nỗ lực thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ, quyền lợi đối với người lao động, đặc biệt là tiền lương và thu nhập", PVOil khẳng định.
Tuy vậy, Tổng công ty Dầu Việt Nam cho rằng thời gian gần đây có một số ít trường hợp người lao động của PVOil tham gia một số công việc làm thêm có tính chất rủi ro phơi nhiễm dịch bệnh cao do phải tiếp xúc với nhiều người, đi lại liên tục nhiều nơi.
Trong bối cảnh dịch bệnh đang diễn ra hết sức phức tạp như hiện nay, PVOil cho rằng việc làm thêm nêu trên có thể tạo ra nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh cho chính bản thân người lao động, gia đình của mình cũng như đồng nghiệp, thậm chí có thể dẫn đến gián đoạn hoạt động sản xuất kinh doanh của tổng công ty...
Vì vậy, Tổng công ty Dầu Việt Nam khuyến cáo người lao động "cân nhắc một cách có trách nhiệm mọi hành động của cá nhân mình để bảo vệ sức khỏe bản thân, không làm ảnh hưởng đến gia đình, bạn bè, đồng nghiệp, đơn vị cũng như cộng đồng, nhằm giảm thiểu nguy cơ lây lan dịch bệnh, góp phần cùng cả nước chống dịch thành công".
Theo PVOil, trong văn bản số 3774 có sử dụng "một số câu từ chưa phù hợp" nên PVOil đã thu hồi văn bản nêu trên.
Trước đó, Tổng công ty Dầu Việt Nam đã ban hành văn bản về tăng cường phòng, chống dịch COVID-19, song điều số 2 của văn bản này lại khiến dư luận băn khoăn khi nêu rõ: "Nếu người lao động thực sự có nhu cầu làm thêm các công việc có nguy cơ nhiễm bệnh COVID-19 như shipper, bán hàng, taxi công nghệ... thì người lao động làm đơn xin nghỉ việc để tổng công ty/đơn vị xem xét hỗ trợ một lần theo quy định của pháp luật".
Sau đó, một lãnh đạo cấp cao của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) - công ty mẹ của PVOil - khẳng định với Tuổi Trẻ Online tối muộn ngày 14-6 là đã cho thu hồi văn bản và có nhắc nhở với PVOil. Còn vị lãnh đạo của PVOil cũng thừa nhận nội dung được nêu trong văn bản có thể chưa được "mềm mỏng", nhưng yêu cầu phòng chống dịch là cấp bách và cần thiết vì lợi ích chung của các tập thể.
Hiện PVOil có 30 đơn vị thành viên, hoạt động trong lĩnh vực bán lẻ mặt hàng xăng dầu.
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online về câu chuyện PVOil yêu cầu làm đơn nghỉ việc đối với nhân viên làm thêm nghề dễ lây COVID-19, một lãnh đạo Cục Việc làm (Bộ Lao động - thương binh và xã hội) cho rằng để kết luận đúng - sai, phải xem xét lại cam kết trong hợp đồng giữa người lao động và doanh nghiệp.
Còn về pháp lý, vị lãnh đạo Cục Việc làm khẳng định: "Làm thêm ngoài giờ là quyền của người lao động. Tuy nhiên, trong điều kiện dịch bệnh, nếu đơn vị quản lý đã yêu cầu nhân viên không được đi làm ngoài giờ để phòng, chống dịch mà nhân viên không chấp hành, dẫn đến mắc COVID-19 và làm lây lan ra cộng đồng, ảnh hưởng đến nhiều người khác trong đơn vị thì việc công ty cho nghỉ việc là không sai".
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận