Người dân Puerto Rico vẫn thiếu nước sạch để uống - Ảnh: REUTERS
Cuộc tranh luận xung quanh chuyện để Puerto Rico, vùng lãnh thổ chưa hợp nhất trên biển Caribe, trở thành bang thứ 51 của Mỹ đang nóng dần trước chuyến thăm của Tổng thống Donald Trump tới hòn đảo này.
Đã hai tuần trôi qua từ khi siêu bão Maria mạnh nhất trong vòng 90 năm qua đổ bộ và tàn phá Puerto Rico, để lại hàng triệu người trong cảnh màn trời chiếu đất.
Ngày 3-10, ông Trump đến chỉ đạo công tác cứu trợ. Nhà lãnh đạo Mỹ trước đó đã bị chỉ trích là "vô cảm" trước tình cảnh của người dân Puerto Rico.
"Công dân hạng hai"
Tháng 6-2017, có đến 97% người dân Puerto Rico tán thành ý tưởng trở thành một bang của nước Mỹ. Đó đã là lần thứ 6 hòn đảo này tổ chức trưng cầu ý dân về quy chế tiểu bang nhưng mới là lần thứ 2 người dân đồng ý.
"Tôi muốn quy chế tiểu bang - Fermin Seda, một người về hưu ở thành phố Salinas, phía nam Puerto Rico, nói với Hãng tin Reuters - Tôi nghĩ điều đó sẽ giúp hòn đảo tốt hơn bây giờ".
Trước khi bão Maria đổ bộ, Puerto Rico đã mắc nợ đến 70 tỉ USD. Hai tuần sau bão, hơn 95% số dân trên đảo vẫn sống trong cảnh tăm tối vì mất điện, đường sá hư hỏng nặng và trên bờ vực thảm họa nhân đạo vì thiếu nước sạch.
Nhiều người xem quy chế tiểu bang như một sự cứu rỗi cho những trì trệ kinh tế và nợ công khổng lồ trên đảo.
Với quy chế là khu thịnh vượng chung của Mỹ như hiện tại, 3,5 triệu người dân Puerto Rico không phải đóng thuế liên bang, có quyền bỏ phiếu trong cuộc bầu cử tổng thống sơ bộ và là công dân Mỹ 100% ngay từ khi sinh ra.
Nhưng trở thành tiểu bang thứ 51 của nước Mỹ, vị thế chính trị của Puerto Rico sẽ khác và đó là điều mà lãnh đạo vùng lãnh thổ này đang hướng tới.
"Làm sao chúng ta có thể ở mãi trong vị thế là một vùng lãnh thổ, nơi mà ở đó có hơn 3,5 triệu công dân Mỹ hẳn hòi đang sống nhưng lại không được hưởng các quyền một cách công bằng và vị thế chính trị tương xứng với các bang khác?" - thống đốc Puerto Rico Ricardo Rossello tỏ ra quyết liệt.
Sau cuộc trưng cầu ý dân hồi tháng 6, ông Ricardo đã thúc giục quốc hội Mỹ hành động, dù rằng cuộc trưng cầu ý dân đó chỉ có 23% người đủ tư cách cử tri đi bỏ phiếu. Trong tất cả 6 lần trưng cầu ý dân đó, không có cuộc bỏ phiếu nào được tổ chức nhằm cho ra kết quả có tính ràng buộc pháp lý.
Thống đốc Ricardo Rossello của Puerto Rico - Ảnh: REUTERS
Vì sao Mỹ chần chừ không cho sáp nhập?
Thực tế mà nói vấn đề quy chế của Puerto Rico đã trở thành đề tài tranh cãi từ lâu, tận những năm 1960. Việc Tổng thống Trump phản ứng chậm chạp trước hậu quả sau bão ở Puerto Rico dễ khiến nhiều người "tự ái" vì nghĩ rằng bị bỏ rơi.
Ngày 28-9, ông Trump đã ra lệnh tạm hoãn Đạo luật Jones nhằm tăng cường tàu bè tiếp tế tới vùng lãnh thổ này. Chuyến thăm của ông và phu nhân Melania vào ngày 3-10 có thể được xem là một nỗ lực nữa nhằm trấn an rằng Washington không bỏ rơi các công dân của mình ở Puerto Rico.
Nhưng chuyện hòn đảo này có thể trở thành tiểu bang thứ 51 của Mỹ hay không vẫn gần như vô định.
Kể từ sau cuộc trưng cầu ý dân hồi tháng 6, mọi việc vẫn giậm chân tại chỗ. Quy chế tiểu bang của hòn đảo này có thể đã chìm xuồng thêm vài năm nữa nếu không "nhờ" bão Maria.
Điều IV, khoản 3, mục 1 của Hiến pháp Mỹ quy định: "Những bang mới có thể được quốc hội chấp nhận gia nhập vào liên bang; nhưng không một bang mới nào sẽ được thành lập hoặc dựng lên dưới thẩm quyền của bất cứ bang nào khác; cũng không một bang nào sẽ được hình thành bằng cách sáp nhập hai bang trở lên hoặc các vùng của các bang khác nếu không được sự đồng ý của cơ quan lập pháp ở các bang có liên quan cũng như của quốc hội".
Nói một cách ngắn gọn, Puerto Rico có trở thành bang thứ 51 của Mỹ hay không quyền quyết định nằm ở quốc hội Mỹ. Nhưng theo giới quan sát, trong lúc cả Thượng viện lẫn Hạ viện đều do Đảng Cộng hòa kiểm soát, người ta sẽ chẳng dại gì công nhận thêm một bang có xu hướng nghiêng về Dân chủ.
Và rằng nước Mỹ không phải chỉ có duy nhất Puerto Rico là lãnh thổ chưa hợp nhất khi vẫn còn đó Guam, Virgin hay Samoa. Giá như Puerto Rico là một vùng đất giàu có thì đã khác...
Puerto Rico (tên gọi chính thức: Thịnh vượng chung Puerto Rico) là một vùng lãnh thổ chưa hợp nhất có tổ chức của Mỹ kể từ năm 1952. Vùng lãnh thổ này có thống đốc, hiến pháp riêng và một đại biểu tại Hạ viện Mỹ nhưng không có quyền biểu quyết.
Bất chấp kết quả trưng cầu ý dân hồi tháng 6 vừa qua, ở Puerto Rico vẫn tồn tại 3 xu hướng chính trị chính: hoặc giữ nguyên hiện trạng, hoặc trở thành một quốc gia độc lập hoặc trở thành tiểu bang thứ 51 của Mỹ.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận