Phóng to |
Một trong số nhiều căn hộ tại tổ 5, Hòa An 2 bị nứt do chấn động của khai thác đá bằng mìn tại núi Phước Tường, Đà Nẵng - Ảnh: Đ.NAM |
Tại đây hầu như nhà nào cũng cửa đóng then cài cả ngày, chỉ cần hé cửa là bụi tràn vào. “Sợ nhất là bụi đá (từ các trạm xay đá) bởi nó rất nguy hiểm đến phổi” - chị Ngoãn tâm sự.
Vì không chịu nổi sự ô nhiễm mà nhiều hộ gia đình đành phải bỏ nhà tìm nơi khác thuê ở. Các hộ dân nơi đây còn phải đối mặt với tiếng ồn và tình trạng nứt, rêm nhà do chấn động từ mìn phá đá. Vợ chồng bà Nguyễn Thị Mười (tổ 5, Hòa An 2) mới cất được căn nhà, tuy nhiên do bị chấn động nên chỉ sau một năm xây dựng ngôi nhà của bà đã bị nứt nhiều nơi, có nơi nứt toác thò cả bàn tay qua được. “Cứ mỗi ngày hàng tấn mìn được đánh thì cái gì chịu cho thấu. Vì vậy cả khu vực này nhà nào cũng bị rêm, nứt”.
Với việc án ngữ cửa ngõ tây nam thành phố, mảnh rừng xanh của núi Phước Tường sẽ làm mát dịu cả một không gian đô thị đang được qui hoạch mở về phía tây nam này. Thế nhưng thực tế núi Phước Tường đang có 37 cơ sở khai thác đá hoạt động. Tại đây có đến hàng trăm xe tải, xe xúc khoan, ủi... cùng hàng tấn bộc phá ghim vào lòng núi mỗi ngày.
Ông Nguyễn Đình Phúc - phó giám đốc Sở Công nghiệp Đà Nẵng, đơn vị kiểm tra cấp phép việc dùng mìn phá đá tại đây - nói: “Mỏ đá Hòa Phát thuộc hệ núi Phước Tường là mỏ đá đạt chất lượng tốt nhất hiện nay, nhất là trong khâu rải thảm nhựa đường”. Theo ông Phúc, việc đi kiểm tra các cơ sở khai thác đá bằng mìn có chu kỳ hai năm/lần.
Ông Trương Hùng Mạnh, phó chủ tịch UBND xã Hòa Phát, thừa nhận: “Đúng là có nứt nhà, ô nhiễm bụi thật, tuy nhiên chưa thấy người dân phản ảnh”. Trong khi đó, theo nhiều hộ dân sống tại tổ 5, Hòa An 2: “Tụi tôi chạy ăn từng bữa đã khó nói gì đến chuyện viết đơn gửi cơ quan nhà nước”.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận