16/07/2019 12:36 GMT+7

Phúc thẩm vụ tranh chấp liên quan truyện tranh Thần Đồng Đất Việt

TUYẾT MAI
TUYẾT MAI

TTO - Ngày 16-7, TAND TP.HCM mở phiên toà xét xử phúc thẩm vụ án tranh chấp quyền sở hữu trí tuệ liên quan đến bộ truyện tranh Thần Đồng Đất Việt.

Phúc thẩm vụ tranh chấp liên quan truyện tranh Thần Đồng Đất Việt - Ảnh 1.

Đại diện bị đơn (áo xanh, bìa trái) và nguyên đơn (bìa phải) tại toà - Ảnh: T.K

Trong đó, nguyên đơn là ông Lê Phong Linh (bút danh Lê Linh) và bị đơn là Công ty TNHH truyền thông giáo dục và giải trí Phan Thị (gọi tắt là công ty Phan Thị) và bà Phan Thị Mỹ Hạnh (giám đốc Công ty Phan Thị).

Phiên toà phúc thẩm diễn ra do có kháng cáo của bị đơn. Tại phiên tòa, phía bị đơn nêu ra 8 lý do kháng cáo, trong đó cho rằng HĐXX sơ thẩm đã vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng, tiến hành xét xử không đúng thẩm quyền. 

Theo ông Nguyễn Vân Nam - đại diện bị đơn, ông Lê Linh từng vẽ nhiều truyện để gửi đến các NXB nhưng các NXB từ chối do không có dấu ấn cá nhân. Suốt phiên toà sơ thẩm, ông Linh không mô tả được ý tưởng ban đầu thì không thể là tác giả của các nhân vật này. 

Đồng thời, phong cách của ông Linh trong bộ truyện Sơn Tinh Thuỷ Tinh hoàn toàn khác so với truyện Thần Đồng Đất Việt. Phong cách, nét vẽ của ông Linh dày, cứng không giống như nét vẽ mảnh thể hiện trên các nhân vật Tí, Sửu, Dần, Mẹo trong Thần Đồng Đất Việt.

Phúc thẩm vụ tranh chấp liên quan truyện tranh Thần Đồng Đất Việt - Ảnh 2.

Ông Lê Linh trình các bản vẽ phác thảo cho HĐXX - Ảnh: THẾ SẢY

Theo ông Nam, ông Linh không có không gian sáng tạo, không có dấu ấn cá nhân trong tác phẩm bởi ông Linh phải vẽ dưới sự kiểm soát, nếu không đúng với ý tưởng của bà Hạnh thì không được chấp nhận.

Về việc làm tác phẩm phái sinh, đại diện bị đơn cho rằng ông Linh là nhân viên theo hợp đồng của Công ty Phan Thị. Toàn bộ quyền tài sản đã chuyển giao cho Công ty Phan Thị. Vì vậy Phan Thị được quyền làm tác phẩm phái sinh mà không cần sự đồng ý của ông Linh. 

Tuy nhiên, bản án sơ thẩm cho rằng việc Công ty Phan Thị làm tác phẩm phái sinh là xâm phạm đến sự toàn vẹn của tác phẩm mà không đề cập đến như thế nào là xâm phạm sự toàn vẹn của tác phẩm.

Đại diện bị đơn cũng cho rằng nếu bản án sơ thẩm được thực thi sẽ làm các nhà đầu tư nước ngoài về xuất bản, phim ảnh lo lắng vì luật pháp Việt Nam khuyến khích nhân viên lợi dụng quyền nhân thân, đòi hỏi chia theo doanh số, cản trở kinh doanh của công ty. Từ đó, phía bị đơn yêu cầu HĐXX bác bỏ toàn bộ yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn và chấp nhận yêu cầu của bị đơn.

Bà Phan Thị Mỹ Hạnh tại toà - Video: THẾ SẢY

Trái lại phía nguyên đơn cho rằng bản án sơ thẩm là hợp lý. Tại văn bản gửi cục bản quyền, không có dòng nào ông Lê Linh công nhận bà Hạnh là đồng tác giả. Bên cạnh đó, theo quy định quyền nhân thân không được chuyển giao.

Công ty Phan Thị là chủ sở hữu tác phẩm, có quyền làm tác phẩm phái sinh dựa trên hình tượng gốc. Tuy nhiên, ở đây Công ty Phan Thị làm tác phẩm phái sinh khác với hình tượng gốc nên phải được sự đồng ý của Lê Linh.

Phúc thẩm vụ tranh chấp liên quan truyện tranh Thần Đồng Đất Việt - Ảnh 4.

Bà Phan Thị Mỹ Hạnh, đại diện Công ty Phan Thị, trình bày về ý tưởng các nhân vật - Ảnh: TUYẾT MAI


Tranh chấp suốt 12 năm

Theo nội dung vụ án, năm 2001 ông Lê Linh bắt đầu làm việc tại Công ty Phan Thị. Theo ông Linh, lúc này ông chưa có ý tưởng về các nhân vật. Sau đó, bà Hạnh giao cho ông Linh nhiệm vụ vẽ truyện tranh chuyển tải các tích Trạng. Từ đó, ông Linh đã viết kịch bản, vẽ phác thảo bằng tay các nhân vật trong bộ truyện nêu trên.

Đến ngày 16-2-2002, truyện tranh Thần Đồng Đất Việt xuất bản tập 1 và tạo được tiếng vang đối với độc giả. Cục Bản quyền tác giả đã cấp giấy chứng nhận bản quyền tác giả đối với hình thức thể hiện 4 nhân vật "Trạng Tý", "Sửu ẹo", "Dần béo", "Cả Mẹo" cho tập thể tác giả, chủ sở hữu là Công ty Phan Thị.

Sau đó hai bên xảy ra tranh chấp. Ông Linh kiện Công ty Phan Thị và bà Phan Thị Mỹ Hạnh ra toà. Xử sơ thẩm, TAND quận 1 đã tuyên công nhận ông Linh là tác giả duy nhất của hình tượng các nhân vật "Trạng Tý", "Sửu ẹo", "Dần béo", "Cả Mẹo" trong bộ truyện tranh Thần Đồng Đất Việt; không thừa nhận bà Phan Thị Mỹ Hạnh là đồng tác giả với ông Linh trong việc sáng tác 4 nhân vật trên.

Đồng thời buộc Công ty Phan Thị chấm dứt việc tạo ra và sử dụng những biến thể khác nhau của các hình tượng do ông Linh sáng tạo. Ngoài ra, tòa buộc Công ty Phan Thị phải xin lỗi công khai trên báo chí trong 3 kỳ liên tiếp và phải thanh toán chi phí dịch vụ luật sư mà ông Linh phải thuê để bảo vệ quyền tác quyền của mình bị xâm phạm là 15 triệu đồng.

Vụ tranh chấp Thần Đồng Đất Việt: Công ty Phan Thị kháng cáo Vụ tranh chấp Thần Đồng Đất Việt: Công ty Phan Thị kháng cáo

TTO - TAND quận 1, TP.HCM đã thụ lý đơn kháng cáo bản án sơ thẩm tranh chấp quyền sở hữu trí tuệ của bà Phan Thị Mỹ Hạnh và Công ty Phan Thị.

TUYẾT MAI
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên