Bị cáo Võ Văn Minh được dẫn giải tới tòa - Ảnh: H.Điệp |
Sáng 8-9, TAND cấp cao tại TP.HCM đưa ra xét xử phúc thẩm, xét kháng cáo của bị cáo Võ Văn Minh - bị TAND tỉnh Tiền Giang buộc tội cưỡng đoạt tài sản với mức án 7 năm tù liên quan chai nước ngọt Number One có ruồi của công ty Tân Hiệp Phát.
Trước đó ngày 30-6, phiên tòa đã bị hoãn do các luật sư bào chữa và bị cáo Minh xin hoãn, người đại diện công ty Tân Hiệp Phát và một số nhân chứng cũng không có mặt tại tòa.
Đúng 8g sáng, bị cáo Võ Văn Minh đã được dẫn giải đến tòa.
Đến thời điểm hiện tại đã có 4 luật sư có mặt tại tòa để thực hiện việc bào chữa cho ông Võ Văn Minh gồm: luật sư Nguyễn Tấn Thi, Luật sư Phạm Công Hùng (nguyên thẩm phán TAND Tối cao); luật sư Lê Nguyễn Lê Vi và luật sư Đỗ Hiền Nhơn.
Luật sư Phạm Hoài Nam - người bào chữa cho Võ Văn Minh trong phiên sơ thẩm không có mặt tại phiên tòa phúc thẩm này.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, luật sư Nam cho biết anh bận việc riêng của gia đình nên không thể tham gia phiên tòa, do đó luật sư Nam đã gửi bài bào chữa để bào chữa cho Võ Văn Minh.
Đến dự phiên tòa, phía đại diện công ty Tân Hiệp Phát là ông Phùng Thế Huân. Nhân chứng trong vụ án là ông Phùng Tiểu Long - người trực tiếp gặp gỡ, thương lượng đưa tiền cho Võ Văn Minh đã có đơn xin vắng mặt.
Tại sao không báo cơ quan bảo vệ người tiêu dùng?
Sau khi nhận bản án sơ thẩm 7 năm tù, bị cáo Võ Văn Minh kháng cáo xin giảm án nhưng tại phiên tòa phúc thẩm này, bị cáo Minh thay đổi kháng cáo kêu oan bởi cho rằng bị cáo không hiểu tại sao Tân Hiệp Phát đã thỏa thuận trả tiền cho bị cáo mà lại báo công an bắt.
Theo bị cáo Minh, khi phát hiện ra chai nước có ruồi, bị cáo đã không tin đây là chai nước của Tân Hiệp Phát nên đã gọi điện thoại lên công ty để kiểm tra xem sao.
Sau khi gọi điện thì phía công ty xác nhận đây là chai nước của công ty nên Minh đề nghị bán lại chai nước này với giá 1 tỷ đồng bởi nghĩ rằng đây là lỗi của công ty. Khi thỏa thuận mua bán như vậy bị cáo Minh nghĩ rằng công ty Tân Hiệp Phát sẽ được lợi.
Trả lời câu hỏi tại sao lại hạ giá từ 1 tỷ đồng xuống 500 triệu, Minh cho biết phía công ty đã nói giá này quá cao, và có đề nghị 100 triệu nhưng bị cáo không chịu, nên đòi 500 triệu.
Hội đồng xét xử hỏi nếu bị cáo là người tiêu dùng tốt, thì khi phát hiện ra lỗi của sản phẩm thì phải báo cho cơ quan bảo vệ người tiêu dùng chứ không thể yêu cầu 500 triệu đồng để bưng bít sự thật.
Bị cáo Minh cho rằng, trong những lần gặp gỡ, Minh đều nói sẽ đưa ra Hội bảo vệ người tiêu dùng.
Trả lời câu hỏi của luật sư, Minh nói rằng, số tiền 500 triệu đó là Minh "bán sự im lặng của mình" chứ không phải bán chai nước.
Minh cũng khai, trong mọi lần giao dịch với nhân viên của Tân Hiệp Phát, chưa khi nào các nhân viên này nói với bị cáo rằng việc làm của bị cáo là vi phạm pháp luật, và họ cũng không nói rằng sẽ báo công an về hành vi của bị cáo.
VKSND đề nghị bác kháng cáo
Bị cáo Võ Văn Minh trả lời thẩm vấn của luật sư - Ảnh: Hữu Thuận |
Sau khi kết thúc phần xét hỏi, đại diện Viện KSND cấp cao giữ quyền công tố tại phiên tòa đã đề nghị HĐXX phúc thẩm bác kháng cáo kêu oan của bị cáo Võ Văn Minh, tuyên y án sơ thẩm.
Đại diện VKS cho rằng, hành vi của bị cáo là vi phạm pháp luật và bản án của TAND tỉnh Tiền Giang đã tuyên đúng người, đúng tội.
VKS cho rằng trong đơn kháng cáo bị cáo Minh xin giảm nhẹ hình phạt, nhưng tại tòa lại thay đổi kháng cáo thành kêu oan do đó, VKS cho rằng, nếu bị cáo xin giảm nhẹ hình phạt thì có thể áp dụng Bộ luật Hình sự mới để đề nghị giảm nhẹ nhưng do bị cáo kêu oan thì đề nghị HĐXX y án sơ thẩm.
Chai nước có ruồi đã không được nhập kho vật chứng?
Trước đó, trong phần thẩm vấn, luật sư Phạm Công Hùng công bố bút lục cho thấy biên bản phạm tội quả tang và niêm phong chai nước cho thấy chai nước còn nguyên. Nhưng trong biên bản nhập kho vật chứng (gồm 500 triệu, xe máy, điện thoại..) thì không có chai nước ngọt.
“Chai nước ngọt đi đâu đó 6 ngày và sau đó được điều tra viên Trần Chí Tâm bàn giao cho người giám định, và kết quả giám định cho thấy chai nước đã bị tác động bằng vật sắc nhọn”, luật sư Hùng cho rằng mình nghi ngờ về chai nước được giám định.
“Tôi không biết chai nước ngọt này từ đâu ra, vì nó không được nhập vào kho vật chứng”, luật sư Hùng đặt câu hỏi.
Trong phần trả lời xét hỏi của luật sư Nguyễn Tấn Thi, bị cáo Võ Văn Minh cho biết khi gặp nhân viên của Tân Hiệp Phát tên là Trương Tiểu Long thì nhân viên này đã biểu diễn việc mở nắp và đóng nắp chai trà xanh (thuộc công ty Tân Hiệp Phát) nước trước mặt Minh mà Minh không hiểu hành động đó để làm gì.
Trước đó, trong khi gặp một nhân viên khác của Tân Hiệp Phát là ông Hoàng Chí Dưỡng, bị cáo Minh cho biết ông Dưỡng mang theo cái máy nhỏ để kiểm tra chai nước, và thỏa thuận với bị cáo là mua chai nước với giá 100 triệu nhưng bị cáo không đồng ý.
Tân Hiệp Phát đã thỏa thuận với Võ Văn Minh!
Luật sư Phạm Công Hùng công bố lời khai của bà Trần Ngọc Bích với cơ quan điều tra, theo đó, bà Bích khẳng định sau nhiều lần thỏa thuận với Minh mà không được, bà Bích đã kêu nhân viên rút tiền đưa cho Minh.
Theo luật sư Hùng, bị cáo Minh cần phải xem xét về đạo đức của mình khi đòi bán chai nước 500 triệu, nhưng luật Bảo vệ người tiêu dùng cũng nghiêm cấm mọi hành vi thỏa thuận của nhà sản xuất nếu thỏa thuận đó gây thiệt hại cho người tiêu dùng hay lợi ích của nhà nước.
Luật sư Thi cũng hỏi, theo thông tin từ cơ quan truyền thông, thì tập đoàn Tân Hiệp Phát đã được đổi tên thành tập đoàn Number1, vậy có đúng pháp nhân này đã đổi tên không vì liên quan đến tư cách tố tụng trong vụ án này.
HĐXX cho rằng, trong giấy ủy quyền, nếu làm sai thì sẽ hủy tư cách tố tụng của đại diện Tân Hiệp Phát.
Luật sư Thi cũng hỏi đại diện Tân Hiệp Phát là ai là người quyết định chi 500 triệu đồng, đại diện Tân Hiệp Phát cho rằng đây là việc của công ty nên không trả lời.
Trong phần thẩm vấn của mình, luật sư Nguyễn Tấn Thi cũng làm rõ nội dung đơn tố cáo của bà Trần Ngọc Bích gửi đến công an Tiền Giang không hề có chữ nào mô tả về việc Võ Văn Minh làm ảnh hưởng đến uy tín danh dự của doanh nghiệp này.
Và bà Bích chỉ đề nghị công an ngăn chặn hành vi phát tán tờ rơi, phát tán thông tin và kiện đến ội bảo vệ người tiêu dùng nếu không được trả tiền chứ không nói về hành vi vi phạm của Võ Văn Minh.
Theo đơn tố cáo được ký bởi bà Trần Ngọc Bích, giám đốc Tập đoàn Tân Hiệp Phát gửi đến Trưởng phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội công an tỉnh Tiền Giang thì vào ngày 5-12-2014 khách hàng Võ Văn Minh đã gọi điện thoại đến đường dây nóng của Tập đoàn Tân Hiệp Phát để thông báo về việc khách hàng đang giữ một chai nước ngọt mang nhãn hiệu Number 1 có một con ruồi. Theo hồ sơ, ông Võ Văn Minh là người bán bún riêu kèm nước giải khát tại ngã ba An Cư, xã An Cư, huyện Cái Bè, Tiền Giang. Ngày 3-12-2014, tại quán của mình, ông Minh phát hiện chai nước Number One loại 350ml của Công ty Tân Hiệp Phát có ruồi nên nảy sinh ý định dùng chai nước này để yêu cầu công ty giao tiền cho mình. Ngày 5-12-2014, ông Minh điện thoại cho Công ty Tân Hiệp Phát yêu cầu đưa 1 tỉ đồng để đổi lấy sự im lặng. Nếu không sẽ đưa vụ việc lên chương trình 60 giây của HTV, đăng tải lên báo và in 5.000 tờ rơi nêu nội dung chai Number One có ruồi nhằm hạ uy tín công ty. Đại diện công ty ba lần đến thương lượng với ông Minh nhưng ông vẫn không thay đổi ý định nên Công ty Tân Hiệp Phát đưa cho ông Minh 500 triệu đồng vì lo sợ uy tín bị ảnh hưởng. Ngày 27-1-2015, đích thân bà Trần Ngọc Bích - giám đốc Công ty Tân Hiệp Phát - phân công ba cán bộ của mình đem 500 triệu đồng đến một quán cà phê trên địa bàn xã Hậu Thành, huyện Cái Bè giao cho ông Minh. Ngay khi nhận tiền (có ký giấy biên nhận) từ phía đại diện của Công ty Tân Hiệp Phát, ông Minh bị Cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh Tiền Giang bắt giữ. Sau đó Võ Văn Minh bị TAND tỉnh Tiền Giang tuyên mức án 7 năm tù và bị cáo đã kháng cáo. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận