02/07/2019 11:18 GMT+7

Phục hồi chức năng cho bệnh nhân viêm khớp

Nguồn: Cổng thông tin Y học Cộng đồng
Nguồn: Cổng thông tin Y học Cộng đồng

Với sự giúp đỡ của các chuyên gia và các thiết bị chuyên dụng, viêm khớp sẽ không còn ngăn cản bạn tiếp tục làm những việc bạn thích hoặc cần làm.

Phục hồi chức năng cho bệnh nhân viêm khớp - Ảnh 1.

Nhà trị liệu kiểm tra khớp bệnh nhân. Ảnh: thetrainingroompt.com

Viêm khớp là nguyên nhân thường gặp nhất gây suy giảm chức năng mãn tính. Phần lớn các thể viêm khớp đều chưa có cách điều trị. Nhưng với một chút nỗ lực, có thể bạn sẽ không mất toàn bộ hoạt động của khớp. Một chương trình phục hồi chức năng sẽ giúp bạn duy trì và thậm chí cải thiện sức bền và sự linh hoạt của các khớp. Với sự giúp đỡ của các chuyên gia và các thiết bị chuyên dụng, viêm khớp sẽ không còn ngăn cản bạn tiếp tục làm những việc bạn thích hoặc cần làm.

Phục hồi chức năng là một cách chữa trị thực tiễn, phụ thuộc phần lớn vào sự hợp tác và nỗ lực của bệnh nhân. Phương pháp này bao gồm các bài tập, học cách chăm sóc các khớp bị đau và sưng, và phát hiện các cách để giảm thiểu sức tải lên các khớp. Trong những giai đoạn đầu của viêm khớp, mục đích của quá trình phục hồi chức năng là duy trì hoặc cải thiện sức bền và tầm vận động của khớp. Nếu khớp của bạn bị tổn thương nặng, phục hồi chức năng sẽ tập trung vào kiểm soát cơn đau và tìm các thiết bị đặc biệt để giúp bạn thực hiện các công việc cần thiết.

Phục hồi chức năng cũng giúp phục hồi sau phẫu thuật khớp. Chương trình phục hồi chức năng sẽ  bao gồm việc kiểm soát các triệu chứng, bài tập và thay đổi lối sống.

Quá trình phục hồi chức năng đòi hỏi sự kiên nhẫn. Sẽ cần nhiều thời gian để nâng cao sức bền cho khớp và học cách để thực hiện những công việc quen thuộc theo một cách mới. Kết quả có thể sẽ cải thiện rất nhiều đến chất lượng cuộc sống.

Phần lớn các bác sĩ chuyển bệnh nhân của họ tới các chuyên viên vật lý trị liệu để tập phục hồi chức năng. Một số các nhân viên y tế khác cũng liên quan đến việc chăm sóc những người bệnh bị viêm khớp như điều dưỡng phục hồi chức năng, các nhân viên tư vấn phục hồi chức năng chuyên nghiệp, giải trí trị liệu, và đôi khi cả những nhân viên y tế xã hội, các nhà trị liệu ngôn ngữ, và tâm lý học. Bất luận, bạn gặp chuyên gia nào thì phục hồi chức năng vẫn cần sự nỗ lực của một nhóm, trong đó có bạn, bác sĩ và chuyên viên vật lý trí liệu.

Lần khám bệnh đầu tiên

Điều gì sẽ xảy ra trong lần đầu tiên bạn đến gặp nhà vật lý trị liệu?

Bước đầu tiên trong quá trình phục hồi chức năng sẽ dành cho nhà trị liệu tìm hiểu nhiều hơn về bạn và các vấn đề về khớp của bạn.

Tiền sử bệnh

Nhà trị liệu sẽ hỏi các câu hỏi về tiền sử bệnh, hoạt động hàng ngày, và các vấn đề mà bạn đang gặp khó khăn. Bạn có thể sẽ được đề nghị đánh giá mức độ đau của bạn theo thang điểm từ một đến mười. Những câu trả lời của bạn sẽ giúp nhà trị liệu thăm khám tốt hơn. Dưới đây là một số câu hỏi nhà trị liệu có thể sẽ hỏi bạn:

- Điều gì làm cơn đau hoặc các triệu chứng của bạn tốt hơn, và điều gì làm chúng xấu đi?

- Các triệu chứng có ảnh hưởng như thế nào đến hoạt động hàng ngày của bạn?

- Phương pháp chữa trị nào đã có ích cho bạn?

Khám lâm sàng

Sau khi xem xét câu trả lời của bạn, nhà trị liệu sẽ tiến hành thăm khám, có thể bao gồm một vài hoặc tất cả những điểm dưới đây.

Tư thế và trục của khớp

Bằng cách kiểm tra tổng quan tư thế và trục khớp của bạn, nhà trị liệu có thể biết bạn có đang bị sưng hoặc có dấu hiệu bị viêm hay không. Nhà trị liệu cũng sẽ kiểm tra xem bạn có một vài nốt nhỏ hoặc có thay đổi nào quanh khớp, vốn có thể biểu hiện trong một vài thể khác nhau của viêm khớp hay không.

Tầm vận động

Nhà trị liệu sẽ kiểm tra tầm vận động khớp (Rank of Motion - ROM) của khớp bị đau nhức. Đây là một phép đo để đánh giá biên độ cử động khớp theo các hướng khác nhau. ROM của bạn sẽ được ghi chép lại thường xuyên và so sánh để biết sự cải thiện của bạn đối với quá trình điều trị.

Sức bền

Sức bền được đánh giá bằng cách bạn duy trì với kháng lực khi nhà trị liệu kiểm tra các cơ quanh vùng bị đau nhức. Yếu và đau với những nghiệm pháp này có thể là biểu hiện của viêm khớp.

Kiểm tra bằng tay

Vận động khớp nhẹ nhàng theo các hướng khác nhau sẽ cho nhà trị liệu biết về mức độ cứng khớp.

Sờ nắn

Nhà trị liệu sẽ cảm nhận các mô mềm xung quanh vùng đau nhức. Đây gọi là phương pháp sờ nắn. Thông qua sờ nắn, nhà trị liệu kiểm tra những thay đổi về nhiệt độ da và những chỗ bị sưng. Nhà trị liệu cũng có thể nhấn vào vùng đau nhức để tìm những điểm đau hoặc căng cơ xung quanh vùng đau nhức. Sờ nắn rất quan trọng trong việc giúp nhà trị liệu quyết định phương pháp điều trị phù hợp.

Lập kế hoạch điều trị

Một phác đồ phục hồi chức năng bao gồm những gì?

Tất cả những thông tin bạn cung cấp cho nhà trị liệu, cùng với kết quả của thăm khám, sẽ được sử dụng để xây dựng một chương trình phục hồi chức năng dành riêng cho bạn. Nhà trị liệu sẽ kết hợp chúng thành một phác đồ điều trị, mô tả mục tiêu của bạn và nhà trị liệu khi tiến hành. Phác đồ không những bao gồm các bài tập và liệu pháp, mà còn ước tính số lần thăm khám trong một khoảng thời gian bao lâu. Nhà trị liệu cũng sẽ cho bạn biết kết quả mong đợi từ kế hoạch đề ra.

Điều trị

Nhà trị liệu sẽ khuyên bạn thực hiện phương pháp trị liệu và hoạt động nào?

Kiểm soát các triệu chứng

Liệu pháp phục hồi chức năng, bao gồm thuốc và các phương pháp điều trị khác được chỉ định bởi bác sĩ có thể giúp bạn kiểm soát khớp sưng và đau. Những khuyến cáo của nhà trị liệu sẽ phụ thuộc vào các triệu chứng đặc biệt của bạn và sẽ cần hoặc có thể bao gồm một hoặc một vài lựa chọn dưới đây.

Nghỉ ngơi

Biết khi nào nên để khớp nghỉ ngơi sẽ giúp giảm bớt cơn đau do viêm khớp. Nghỉ ngơi đặc biệt quan trọng trong giai đoạn bệnh bùng phát. Thông thường, nên tránh các hoạt động hoặc cử động gây ra đau dữ dội. Nếu bạn không thể tránh các hoạt động này, hãy giảm bớt hoặc tranh thủ để khớp nghỉ ngơi.

Nhà trị liệu có thể sẽ đặt cho bạn một cái nẹp đặc biệt để nâng đỡ khớp bị đau. Nẹp giữ khớp ở một vị trí thích hợp, giảm thiểu đau đớn và ngăn ngừa biến dạng khớp.

Chườm nóng

Nhiệt sẽ làm cho mạch máu giãn nở, còn gọi là sự giãn mạch. Giãn mạch giúp lấy đi những yếu tố làm đau cơ và khớp. Nó cũng giúp cho cơ được nghỉ ngơi. Những túi chườm nóng, miếng dán nóng, và khăn ấm là những cách hiệu quả nhất của nhiệt trị liệu. Nhiệt trị liệu thường liên quan đến chườm nóng vào vùng bị đau trong khoảng thời gian từ 15 đến 20 phút. Chậu ngâm tay chân hoặc bồn tắm nước nóng đặc biệt hữu dụng cho các khớp tay hoặc chân. Bạn sẽ thấy mình đỡ đau và linh hoạt hơn sau khi chườm nóng.

Nhưng hãy cẩn thận khi sử dụng nhiệt trị liệu. Dù nhiệt rất hữu dụng, nhưng nó có thể làm tình trạng viêm nặng nề hơn. Càng nóng không phải càng tốt, ngay cả khi nhiệt trị liệu là phương pháp điều trị tốt nhất. Da của bạn có thể bị nóng rát và thậm chí là bỏng. Ngủ cùng với túi nhiệt điện tử là một ý tưởng xấu. Vì nhiệt trị liệu càng lâu thì khả năng bạn bị bỏng càng cao.

Kích thích điện

Các dòng điện nhỏ chạy xuyên qua da có thể giúp bạn bớt đau và giảm sưng. Kích thích điện làm giảm cơn đau bằng cách thay thế các tín hiệu thần kinh đau đớn bằng tín hiệu của dòng điện. Dãn cơ bắt đầu xảy ra khi đau giảm, làm cho cử động và hoạt động dễ dàng hơn.

Thoa kem tại chổ

Xoa bóp một số loại kem lên da có thể giúp bạn giảm đau nhức khớp tạm thời. Việc xoa bóp làm giảm cơn đau, và kem tạo ra cảm giác ấm áp hoặc mát lạnh rất dễ chịu. Capsaicin, một loại kem chiết xuất từ cây ớt, đã được chứng minh hiệu quả trong việc giảm đau do viêm khớp. Bạn cần rửa tay sạch sẽ sau khi thoa tất cả các loại kem. Bởi vì thứ tốt cho khớp đau của bạn, thì không tốt cho mắt.

Thể dục trị liệu và tập luyện chức năng

Khi ở cơ quan, nhà riêng, hoặc sân chơi, khả năng của bạn phụ thuộc vào thể chất và hoạt động của bạn. Những bài tập và trị liệu đặc biệt có thể giúp bạn tăng cường khả năng thể chất, bao gồm vận động, sức bền, và thể lực nói chung. Nhà trị liệu cũng sẽ sử dụng các bài luyện tập chức năng khi bạn cần thực hiện các hoạt động đặc biệt một cách dễ dàng và an toàn hơn.

Trên thực tế, bạn sẽ cần duy trì các bài tập nếu muốn cải thiện hoặc duy trì chức năng của khớp. Lười tập luyện sẽ làm cho tình trạng viêm khớp thêm tồi tệ. Khớp càng ít được sử dụng, thì nó càng yếu và dễ cứng khớp. Điều này sẽ làm đau tăng lên. Dù bạn không có tầm vận động tại khớp lớn, thì nhà trị liệu cũng có thể giúp bạn tìm cách kéo giãn và cử động để giúp khớp của bạn thêm vững chắc. Có nhiều mô hình tập luyện chuyên biệt mà các nhà trị liệu có thể khuyến cáo, đặc biệt dành cho người bị viêm khớp.

Kéo giãn

Nhẹ nhàng kéo giãn các cơ và giúp khớp duy trì hình dạng và tính linh hoạt. Các nhà trị liệu sẽ dạy những bài kéo giãn đặc biệt cho từng loại khớp khác nhau.

Sức bền

Nhà trị liệu sẽ dạy bạn các bài tập dành riêng cho khớp bị viêm. Bài tập đẳng trường liên quan đến việc co các cơ mà không làm di chuyển khớp. Điều này giúp bạn duy trì sức mạnh của các cơ mà không cần phải tác động xấu lên khớp. Bài tập đẳng trường có thể được thực hiện kể cả khi có những cơn đau đột ngột.

Bản thân cơ không phải là một phần của khớp. Tuy nhiên, các cơ quanh khớp mạnh sẽ giúp khớp ít đau hơn khi cử động. Cơ bắp săn chắc có vai trò hấp thu tải trọng để bảo vệ khớp.

Giữ vững khớp

Cũng có những bài tập giữ vững đặc biệt để giúp khớp của bạn luôn đúng vị trí. Khi khớp nằm đúng vị trí, sẽ ít bị cọ xát hoặc giãn quá mức, do đó ít đau hơn. Trục khớp chính xác cũng tránh làm biến dạng khớp.

Liệu pháp bơi lội

Khi bạn tập luyện trong bể bơi, nước sẽ chịu một phần khối lượng cơ thể. Điều này sẽ làm giảm áp lực lên các khớp của bàn chân, mắt cá, gối và háng. Nổi trên mặt nước cũng giúp bạn di chuyển dễ dàng hơn, và nước ấm sẽ giúp làm giãn cơ. Có thể bạn sẽ bắt đầu liệu pháp bơi lội với một nhóm, được hướng dẫn bởi một huấn luyện viên. Nếu thấy có ích, bạn có thể tiếp tục tập luyện một mình. Độ ấm của nước sẽ giúp làm giãn cơ, làm máu dễ lưu thông, và giảm đau.

Thể dục nhịp điệu

Nhà trị liệu và bác sĩ có thể sẽ khuyến cáo bạn tập một số bài thể dục nhịp điệu. Bác sĩ thường khuyến cáo bạn giành khoảng 30 phút cho một hoạt động vừa phải, và ít nhất năm ngày một tuần. Những người bị viêm khớp có thể thực hiện các bài tập an toàn như đi bộ, bơi lội, đạp xe tại chỗ, hoặc các bài tập thể dục nhịp điệu nhẹ nhàng. Bác sĩ và nhà trị liệu có thể gợi ý một chương trình tập luyện dựa trên tổng trạng và sức khoẻ của bạn. Giữ cho cơ thể khoẻ mạnh là rất quan trọng cho sức khoẻ nói chung và giúp bạn kiểm soát được tình trạng viêm khớp.

Tập thể dục nhịp điệu cũng giúp bạn duy trì được cân nặng. Kiểm soát cân nặng đặc biệt quan trọng cho những người bị viêm khớp háng, gối, bàn chân, và cột sống. Giữ mức cân nặng thấp sẽ giúp bạn kiểm soát các triệu chứng tốt hơn.

Không tốt nếu bạn cảm thấy khớp đau nhiều hơn khi tập, bất kể bài tập của bạn là gì. Khớp của bạn thường có thể bị đau nhức sau khi tập, nhưng mức độ đau nhẹ và biến mất trong một khoảng thời gian ngắn.

Điều tiết cuộc sống và tập luyện

Điều quan trọng là bạn phải cho nhà trị liệu biết bệnh của bạn ảnh hưởng như thế nào đến hoạt động hàng ngày của bạn. Từ đó nhà trị liệu mới có thể gợi ý cách để giúp bạn thực hiện các công việc khó khăn một cách nhẹ nhàng hơn.

Các thiết bị đặc biệt

Có rất nhiều loại thiết bị khác nhau giúp bạn giảm thiểu sức tải lên khớp khi thực hiện các công việc thường ngày ở nhà hoặc tại cơ quan. Tùy vào vị trí khớp bị ảnh hưởng bạn sẽ chọn loại thiết bị phù hợp. Gậy và khung tập đi sẽ làm giảm sức tải lên những khớp chịu trọng lượng cơ thể. Nâng độ cao của ghế và bồn về sinh có thể giúp bạn ngồi xuống và đứng lên dễ dàng hơn. Thanh kẹp có thể giúp bạn nhặt những đồ vật nằm dưới sàn nhà mà không cần phải cúi hoặc gập người. Ngoài ra còn có thiết bị giúp cài nút áo, mang vớ, hoặc kéo khoá quần. Một chiếc xe đẩy sẽ dễ dàng kéo đi xung quanh bằng những ngón tay bị viêm khớp hơn là một chiếc cặp cầm tay.

Nhà trị liệu cũng có thể gợi ý những cái nẹp hoặc đai đặc biệt. Một nẹp động giữ cho khớp thẳng trục khi bạn làm những công việc hằng ngày. Các loại nẹp được làm riêng cho từng khớp và từng hoạt động.

Nhà trị liệu cũng có thể yêu cầu một số thay đổi nhỏ về đồ dùng của bạn. Ví dụ, một đôi giày tốt sẽ giúp làm giảm sang chấn lên chân bạn. Bạn nên đi hoặc đứng trên một bề mặt mềm nếu bạn đi hoặc đứng trong khoảng thời gian dài. Một ví dụ khác, phụ nữ có thể lựa chọn một túi đeo vai hoặc ba-lô nhỏ thay thế cho túi xách tay hoặc vali nếu họ có vấn đề với các khớp ở bàn tay.

Công thái học

Khi nghe đến từ công thái học, nhiều người sẽ nghĩ đến cách sắp đặt bàn ghế và máy tính tại nơi làm việc. Thật ra ý nghĩa của cụm từ này không chỉ có thế. Công thái học được xem như cách bạn sử dụng cơ thể khi tham gia vào một số hoạt động.

Những nhà trị liệu phục hồi chức năng sẽ kiểm tra nơi làm việc của bạn để đánh giá xem bạn có cần thay đổi gì hay không. Nhà trị liệu sẽ đặc biệt để ý đến tư thế, các động tác lặp đi lặp lại, thời gian nghỉ, khối lượng công việc, và những hoạt động nào ảnh hưởng nhiều đến bạn. Ngoài ra, nhà trị liệu cũng sẽ để ý đến độ cao của bàn và ghế, vị trí đặt màn hình, ánh sáng, và một số thiết bị đặc biệt khác mà bạn sử dụng.

Sau khi đánh giá khu vực làm việc, nhà trị liệu sẽ đưa ra lời tư vấn. Nếu cần phải có những thay đổi, chúng thường khá nhỏ và không tốn kém, ví dụ như thay đổi độ cao của ghế hoặc đứng làm việc ở vị trí khác. Tuy nhiên những thay đổi nhỏ đó lại tạo ra khác biệt rất lớn giúp bạn thoải mái trong công việc.

Những ý tưởng từ công thái học cũng có thể áp dụng cho những công việc tại nhà. Hãy nói với nhà trị liệu của bạn nếu bạn gặp vấn đề trong công việc, hoặc thói quen đặc biệt nào đó. Từ đó, có thể tìm ra cách thức hoặc một vài thiết bị hỗ trợ phù hợp.

Sống chậm lại

Hãy lên kế hoạch nghỉ ngơi. Cân nhắc nhịp nhàng các hoạt động sẽ giúp bạn không quá mệt mỏi, và không để khớp của bạn phải cử động trong đau đớn.

Để ý đến đời sống tinh thần

Việc trị liệu không chỉ bao gồm về thể chất. Tinh thần có thể bị sa sút khi chống chọi với những cơn đau và mất chức năng do viêm khớp. Hãy đảm bảo chăm sóc đời sống tinh thần của bạn, và luôn nâng cao ý chí. Tập hít thở, nghỉ ngơi, và thiền là những phương pháp giúp bạn thư giãn. Bạn sẽ dễ dàng kiểm soát bệnh của mình khi hiểu rõ tình trạng bệnh. Nhiều người có thể tìm thấy sự hỗ trợ khi tham gia sinh hoạt nhóm.

Chương trình tại nhà

Mục đích của nhà trị liệu là giúp bạn tìm ra cách kiểm soát cơn đau, cải thiện sức bền, và tầm vận động. Việc tái khám sẽ kết thúc khi bạn đã tìm ra phương pháp phù hợp. Nhà trị liệu sẽ hỗ trợ bạn, nhưng bạn sẽ phải tự chịu trách nhiệm để tiếp tục chương trình phục hồi chức năng của mình.


Nguồn: Cổng thông tin Y học Cộng đồng
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên