23/11/2016 10:33 GMT+7

Phớt lờ nguy hiểm, vô tư vây quanh trạm biến thế

M.PHƯỢNG - Q.KHẢI - T.ĐỨC
M.PHƯỢNG - Q.KHẢI - T.ĐỨC

TTO - Phớt lờ dòng cảnh báo: “Có điện, cấm lại gần, nguy hiểm, chết người” nhiều người vẫn vô tư buôn bán dưới chân trạm biến thế, đặt cả lò than dưới chân trạm, treo đồ vào tủ điện...

Một quán ăn đặt lò nướng sát trạm biến thế trên đường Phạm Văn Đồng, Q.Bình Thạnh (TP.HCM) - Ảnh: T.ĐỨC
Một quán ăn đặt lò nướng sát trạm biến thế trên đường Phạm Văn Đồng, Q.Bình Thạnh (TP.HCM) - Ảnh: T.ĐỨC

Theo Tổng công ty Điện lực TP.HCM, các trạm biến thế được đặt trên cao và đảm bảo khoảng cách an toàn với nhà dân, công trình lân cận. Tuy nhiên, do không biết nên nhiều người vẫn vô tư buôn bán ngay bên dưới các trạm biến thế này.

Trên tuyến đường Phạm Văn Đồng (Q.Bình Thạnh) có rất nhiều trạm biến thế. Các trạm biến thế này được đặt trên các trụ, cách mặt đất hơn 2m. Thế nhưng, một quán bán đồ nướng trên đường này đã đặt lò than lớn sát dưới chân trạm biến thế để nướng đồ ăn...

“Có ai biết đâu mà tránh!”

Đường Phạm Văn Đồng buổi tối nhiều thực khách vô tư ngồi ăn uống. Tại quán bán đồ nướng nói trên, khi chúng tôi hỏi đặt lò than lớn sát dưới chân trạm biến thế không sợ nguy hiểm sao, người đứng bếp nướng ngước lên nhìn trạm biến thế, thờ ơ: “Tui nướng đồ ăn cả ba năm nay rồi có sao đâu. Trước giờ cũng có thấy nổ bao giờ đâu. Sống chết có số mà”.

Tuy nhiên, bà chủ quán ăn này khi nghe nói về vụ nổ trạm biến thế xảy ra ở Hà Nội vào ngày 17-11 khiến 1 người chết và 4 người bị thương, đã tỏ ra lo lắng: “Hồi giờ có ai biết đâu mà tránh. Mai tui phải dời lò nướng qua chỗ khác chứ để như vậy nguy hiểm quá”.

Với những thực khách đi ăn uống, khi được hỏi việc ngồi ngay dưới các trạm biến thế như vậy có lo lắng không, đa số đều cho rằng họ ít để ý đến những trạm biến thế. “Tôi chỉ biết trạm biến thế có điện, dễ gây nguy hiểm nhưng thấy mọi người ngồi nên cũng hơi chủ quan” - một thực khách cho biết.

Tương tự, gần trạm biến thế trên đường Nguyễn Thị Minh Khai (Q.3) có một quán cà phê cóc, nhiều người vô tư ngồi uống nước ngay bên dưới. Trên vỉa hè đường Hồ Văn Huê (Q.Phú Nhuận), bên dưới một trạm biến thế là chỗ đậu ôtô. Gần đấy, nhiều người chạy xe ôm đứng đợi khách.

Xe, người dừng đậu ngay sát trụ biến áp trên đường Hồ Văn Huê (TP.HCM) - Ảnh: TÂM ĐỨC
Xe, người dừng đậu ngay sát trụ biến áp trên đường Hồ Văn Huê (TP.HCM) - Ảnh: TÂM ĐỨC

Khoảng cách an toàn tối thiểu là 2m

Ông Phạm Quốc Bảo, phó tổng giám đốc Tổng công ty Điện lực TP.HCM (EVN HCMC), cho biết hiện nay trên địa bàn thành phố có hàng chục ngàn trạm biến thế.

Hầu như tất cả các trạm này đều đặt cao trên các cột điện và có khoảng cách an toàn theo quy định là cách nhà dân, công trình khác ít nhất 2m.

Cũng theo ông Bảo, nếu một trạm biến thế xảy ra sự cố thường do hai yếu tố chính: chất lượng thiết bị và chế độ vận hành.

Đối với các trạm biến thế do EVN HCMC quản lý vận hành được thực hiện nghiêm ngặt. Trong mỗi trạm có một lượng dầu nhất định, có tác dụng làm mát trạm, trường hợp máy biến thế hoạt động quá tải, dầu sôi tràn ra ngoài có thể gây sự cố cháy nổ.

Vì vậy, gần như mỗi tháng nhân viên điện lực sẽ đo tải các trạm biến thế để có những điều chỉnh, nâng cấp phù hợp.

Mặt khác, các trạm biến thế này được các đơn vị vận hành ở mức khoảng 60% công suất (40% còn lại ở mức dự phòng) nên khó có tình trạng quá tải dẫn đến sự cố.

Riêng sự cố cháy nổ tại trạm biến thế Hòa Hưng (Q.10) xảy ra ngày 20-9 gây mất điện một số quận, nguyên nhân theo ông Bảo là do sét đánh trúng trạm biến thế.

Đối với các tuyến đường đã được ngầm hóa hệ thống điện, EVN HCMC đã chuyển những trạm biến thế trên các trụ điện thành dạng cột cao hơn mặt đất 2-3m, thiết kế xung quanh có bệ đỡ nhằm đề phòng trường hợp bị tràn dầu.

Ông Bảo cũng cho hay EVN HCMC đang tiến hành rà soát xem có trường hợp trạm biến thế nào bị người dân lấn chiếm để buôn bán, vi phạm khoảng cách an toàn.

Trường hợp phát hiện các trạm biến thế bị lấn chiếm, vi phạm khoảng cách an toàn, EVN HCMC sẽ phối hợp với chính quyền địa phương vận động, nhắc nhở người dân.

Riêng một số tuyến đường đã ngầm hóa hệ thống điện, trên lề đường có một số tủ điện, nhiều người dân lo ngại nguy cơ cháy nổ xảy ra, ông Bảo cho rằng những tủ điện này được lắp đặt có độ an toàn cao, vỏ tủ làm bằng nhựa nên cách điện...

Vì vậy ở chế độ bình thường, các tủ phân phối điện này an toàn. Theo ông Bảo, tủ điện sẽ mất an toàn khi có người cố tình cạy nắp tủ, phá các thiết bị bên trong.

Hiện nay trên các tủ điện này có ghi dòng chữ cảnh báo: “Có điện, cấm lại gần, nguy hiểm, chết người”. Ông Bảo khuyến cáo người dân không nên để đồ đạc, treo đồ dùng... trên các tủ điện này.

M.PHƯỢNG - Q.KHẢI - T.ĐỨC
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên