Khi lực lượng Israel đã bắt đầu điều mà Thủ tướng Benjamin Netanyahu cho biết là giai đoạn thứ hai của chiến dịch quân sự nhằm tiêu diệt Hamas và giải phóng hơn 230 con tin, toàn bộ Dải Gaza gồm hơn 2 triệu người chìm trong bóng tối. Điện và mọi dịch vụ liên lạc Internet đều bị cắt đứt đột ngột.
Bị cách ly khỏi phần còn lại của thế giới
Đoàn phim của Đài NBC News ở Gaza mô tả: các cuộc pháo kích dữ dội bằng pháo binh và đường không đã nghiền nát nhựa đường và các tòa nhà bê tông, khiến đường phố không thể đi qua được.
Thời điểm này sự hỗn loạn diễn ra, mọi người khiêng những người chết và bị thương lên trên xe đẩy và trong xe tuk tuk. Ngay cả xe cứu thương cũng không dám ra ngoài.
Đoàn phim NBC News lưu ý rằng họ đã gửi tin sau khi cố gắng có được kết nối trong một phút với rất nhiều khó khăn.
Họ nói: "Tôi muốn các bạn biết rằng tất cả Internet, điện và mọi thứ đều đã bị cắt. Hoàn cảnh chúng tôi đang gặp phải rất khó khăn và rất nguy hiểm".
Những gia đình bị chia cắt dọc theo dải đất cũng rất lo lắng. Họ không có cách nào biết được những người thân yêu còn sống hay đã chết.
Và khi nhiều người ở Gaza biết rằng họ không có cách nào để tiếp cận phần còn lại của thế giới, những người từ bên ngoài nhìn vào cũng nhận ra điều tương tự.
Các trang mạng xã hội được bật lên trong khi mọi người trên toàn thế giới mất liên lạc với người thân, bạn bè và đồng nghiệp ở Gaza. Sự hoảng loạn ngày càng tăng.
"Như địa ngục, như ngày tận thế"
Lực lượng Phòng vệ Israel cho biết họ đã tấn công hơn 600 “mục tiêu khủng bố” ở Gaza trong những ngày qua, bao gồm các kho vũ khí và vị trí phóng tên lửa chống tăng. Ngày 30-10, một người phát ngôn của quân đội Israel cho biết họ sẽ tiếp tục và tăng cường hoạt động trên bộ tại khu vực này.
Cũng ngày 30-10, Nebal Farsakh, người phát ngôn của Hiệp hội Trăng lưỡi liềm đỏ Palestine, nói với Đài NBC News rằng bà khó duy trì liên lạc với các đồng nghiệp tại Bệnh viện Al-Quds ở Gaza - nơi mà bà cho rằng đang đối mặt với mối đe dọa bắn phá dữ dội từ lực lượng Israel.
Bà nói: “Tất cả người dân ở Gaza vẫn đang rất khó trong thông tin liên lạc với nhau".
Ayman Eddama, 50 tuổi, giáo viên trung học vẫn ở lại phía bắc Gaza, than rằng ông rất lo lắng về số người thiệt mạng. “Không có phương thức liên lạc nào cả. Nó giống như địa ngục, giống như ngày tận thế” - ông nói trong một đoạn ghi âm được gửi chớp nhoáng trong ngày 30-10.
Cùng với vợ, 6 đứa con và những người thân khác, ông Eddama nằm trong số những người ở lại miền bắc Gaza bất chấp lệnh của Israel yêu cầu người dân di chuyển về phía nam. Eddama ngậm ngùi vì không có đủ tiền để rời khỏi nhà ở Jabalia - một thành phố phía bắc Gaza - và đành phải đối mặt với các cuộc pháo kích dữ dội của Israel.
"Chúng tôi cũng là con người"
Nhà báo của đoàn làm phim NBC News tường thuật, sự tàn phá xảy ra trong thời gian gần như mất hoàn toàn thông tin liên lạc là thảm khốc, với những cảnh tượng bi thảm lan rộng khắp nơi. Họ nói thêm khi trở về Gaza sau hơn 10 ngày xa cách, họ không còn nhận ra đường phố nữa.
Nhà báo này nhận xét: “Thật đáng sợ khi bị cắt đứt liên lạc với thế giới bên ngoài. Có tin tức truyền thông cũng không thể gửi ra thế giới bên ngoài”.
Khi số người chết tiếp tục gia tăng ở Gaza, nhà giáo Eddama nói ông muốn nhắc nhở mọi người ở Mỹ, Israel và cả thế giới rằng “chúng tôi cũng là con người như các bạn. Tất cả chúng tôi đều phản đối việc đổ máu”.
“Chúng tôi muốn sống. Chúng tôi không muốn chết”, ông Eddama nói.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận