18/01/2014 12:20 GMT+7

Phong trào đi học để dễ thăng tiến

PGS.TS NGUYỄN NGỌC ĐIỆN(phó hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế - luật, ĐHQG TP.HCM)
PGS.TS NGUYỄN NGỌC ĐIỆN(phó hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế - luật, ĐHQG TP.HCM)

TT - Tiếp theo bài viết “Đừng để nhập nhằng quan chức và tiến sĩ” (Tuổi Trẻ ngày 17-1) của GS Trần Văn Thọ, PGS.TS Nguyễn Ngọc Điện phân tích thêm về hệ quả của việc quan chức đi học lấy bằng cao thời nay.

Đừng nhập nhằng quan chức và tiến sĩ

5oC9v3B2.jpgPhóng to

Có một thời tuyệt đại đa số cán bộ, công chức, viên chức là những người xuất thân từ quân đội, nông dân. Có trình độ học vấn thấp, không được huấn luyện chuyên môn kỹ lưỡng, những con người chỉ quen cầm súng hoặc kéo cày tất nhiên không thể xử lý công việc trong môi trường công vụ một cách thành thạo và có hiệu quả.

Trong hoàn cảnh ấy, yêu cầu nhanh chóng cải thiện trình độ, năng lực của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức xuất hiện như một tất yếu. Có thể từ đó hiểu tại sao lại có hiện tượng ồ ạt đi học văn hóa, nghiệp vụ trong khu vực công; hiện tượng kéo dài, trở thành phong trào và là một điểm rất riêng của Việt Nam.

Quan chức đi học để nâng cao trình độ văn hóa, nghiệp vụ tự nó không phải là việc không đáng khuyến khích, thậm chí ngược lại. Nhưng phải xác định động lực học tập đúng đắn trong bối cảnh khan hiếm công chức, viên chức tinh thông, thạo việc: học là để làm việc tốt hơn, có hiệu quả hơn tại các vị trí trong bộ máy chứ không chỉ đơn giản là để đạt được trình độ học vấn, chuyên môn cao hơn, càng không phải chỉ để có bằng cấp mà đem khoe khoang với xã hội.

* Ông Đào Văn Hải, (vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ, Bộ Công thương):

Không có quy định nào cấm quan chức không được hướng dẫn nghiên cứu sinh làm luận văn. Vì thời gian hướng dẫn có thể là ngoài giờ. Hơn nữa, khi công việc được giao mà họ hoàn thành tốt thì tại sao lại ngăn cấm?

L.THANH ghi

Vấn đề là phải làm thế nào xây dựng được một bộ tiêu chí đo lường hiệu quả học tập trong mối quan hệ so sánh với yêu cầu về nâng cao hiệu quả hoạt động của bộ máy hành chính. Người học giỏi, học có kết quả tốt không nhất thiết là người có bằng cấp cao, với thứ hạng cao, mà trước hết là người biết xử lý công việc chuyên môn nhanh, gọn, chính xác với chi phí hợp lý.

Không có một bộ tiêu chí đặc thù như thế, việc dựa vào bằng cấp để đánh giá hiệu quả học tập của công chức, viên chức là điều không tránh khỏi. Nói khác đi, nếu không có cách gì để trả lời câu hỏi người đi học phải thu được cái gì thì mới gọi là có ích cho việc cải thiện chất lượng của nền công vụ, thì người ta buộc phải thừa nhận người có bằng đại học tốt hơn người có bằng cao đẳng, thạc sĩ tốt hơn cử nhân...

Tất nhiên, một khi có quá nhiều người có bằng cao đẳng thì người nào lấy thêm được bằng đại học sẽ có ưu thế cạnh tranh để được bổ nhiệm, để thăng tiến; khi xung quanh toàn những người có bằng đại học, ai lấy được bằng thạc sĩ sẽ trở thành ứng viên chói sáng. Cứ như thế, con người ta bị cuốn dần theo vòng xoáy đòi hỏi về bằng cấp và cứ phải học để lấy được bằng cấp cao hơn. Bởi vậy mới có chuyện đặt điều kiện quan chức cấp cao phải có văn bằng tiến sĩ; chưa nói đến hiện tượng quan chức hành chính đăng ký xin công nhận đạt chuẩn chức danh giáo sư, phó giáo sư, vốn là những chức vụ thuần túy đại học.

Hậu quả ai cũng thấy. Một mặt, một số lượng không nhỏ thành viên trong bộ máy công quyền dành một khối lượng không nhỏ thời gian cho việc đi học, thay vì dành cho công vụ; ngân sách công phải đầu tư một khoản đáng kể cho việc học của quan chức, nhân viên. Mặt khác, thói tôn sùng bằng cấp, học vị phổ biến khiến người ta có thể làm mọi việc, trả bằng mọi giá để có được tấm văn bằng, chức danh khoa học mong đợi. Rốt cuộc, không ít quan chức có bằng nhưng không hề có thêm kiến thức; môi trường giáo dục, về phần mình, bị hoành hành bởi tệ nạn mua bằng bán điểm, trở nên vẩn đục, xuống cấp, nếu không muốn nói là suy đồi.

Rất nhiều ý kiến bạn đọc phản hồi đã cho rằng bài viết của GS Thọ nêu đúng thực chất tấm văn bằng tiến sĩ ở nước ta, song cũng có ý kiến trái chiều.

Luận văn thạc sĩ không khác gì luận văn ĐH

Bài viết của GS Trần Văn Thọ phản ánh đầy đủ, rõ ràng suy nghĩ của nhiều trí thức, bạn đọc như tôi. Trong ba hiến kế thì hiến kế thứ ba có thể mở rộng ra không chỉ tiến sĩ mà cả ngăn chặn việc “phổ cập thạc sĩ” vì giá trị thạc sĩ hiện tại đã không còn được tôn trọng như trước. Nên chăng chỉ cấp bằng/chứng chỉ sau đại học, còn muốn trở thành thạc sĩ thì phải có những công trình/bài báo khoa học thực tiễn đóng góp cho ngành theo học và được đăng trên tạp chí chuyên ngành uy tín.

Hiện tại chỉ riêng cơ quan tôi đang làm việc thì gần 2/3 theo học cao học, 1/3 “tốt nghiệp” thạc sĩ. Tôi đã đọc qua bảy luận văn và đi dự gần 10 buổi bảo vệ luận văn thạc sĩ của đồng nghiệp và thấy nhiều luận văn không khác gì luận văn đại học, có khi còn thua xa, có khi lạc đề hội đồng đưa ý kiến như thế luôn mà vẫn cho 5-6 điểm để qua rồi yêu cầu học viên sửa tên đề tài cho phù hợp nội dung mới. Nếu cứ duy trì “phổ cập thạc sĩ, bỏ ngỏ chất lượng đào tạo cao học” như hiện nay, chỉ bỏ tiền và chút thời gian đến lớp là được làm thạc sĩ để được thăng quan tiến chức là điều không thể chấp nhận.

Lãng phí

Tình trạng gần đây là các công chức ganh đua học lấy học vị cao để giành chức ngày càng phổ biến. Có vị móc tiền túi tự nâng cao nhưng có vị tranh thủ tiêu chuẩn đào tạo của ngành để mưu cầu hạnh phúc cho riêng mình. Nhiều vị lãnh đạo cũng vẫn xoay xở cho mình một tấm bằng thạc sĩ - tiến sĩ cho oai. Trong khi đó ngành giáo dục đại học của ta lại thiếu các giảng viên cơ hữu với tấm bằng đó, thậm chí vẫn còn có nơi đại học dạy đại học. Thiết nghĩ Nhà nước cần chấn chỉnh việc này kẻo lãng phí trong đào tạo và không triệt bỏ được cái bệnh “sĩ” của cán bộ công chức thời nay.

Vụ trưởng hướng dẫn vẫn được

Tôi trao đổi thêm về ý kiến của GS Thọ vấn đề vụ trưởng của một bộ có nên hướng dẫn nghiên cứu sinh hay không. GS Thọ nói vụ trưởng không có nhiều thời gian cho việc này. Theo tôi, không nhiều thời gian thì chỉ hướng dẫn 1-2 người. Vả lại quỹ thời gian của mỗi người do họ sử dụng và khai thác hiệu quả. Tầm vụ trưởng chắc chắn sắp xếp được thời gian. GS Thọ nói vụ trưởng không phải giáo sư chuyên nghiệp, không cập nhật được thông tin nghiên cứu hàn lâm trong và ngoài nước. Điều này chưa thật chính xác, còn tùy người hướng dẫn cụ thể. Hơn nữa, nếu hướng dẫn là người làm thực tiễn thì họ lại có thế mạnh trong việc cập nhật, bổ sung những yêu cầu của cuộc sống thực tiễn cho tính khả thi và ứng dụng được trong các đề xuất của công trình nghiên cứu, nhất là đối với ngành khoa học xã hội và kinh tế.

PGS.TS NGUYỄN NGỌC ĐIỆN(phó hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế - luật, ĐHQG TP.HCM)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên