15/10/2018 14:50 GMT+7

Phòng thí nghiệm đại học: chuyển mình theo hơi thở cuộc sống

TRỌNG NHÂN
TRỌNG NHÂN

TTO - Phòng thí nghiệm ở các đại học đang có xu hướng liên kết với doanh nghiệp ngày càng mạnh mẽ. Qua đó tạo cho sinh viên môi trường cọ xát với đời sống và đem lại nhiều giá trị khác.

Phòng thí nghiệm đại học: chuyển mình theo hơi thở cuộc sống - Ảnh 1.

Robot không còn là đam mê đơn thuần mà đã mang hơi thở cuộc sống nhiều hơn. Trong ảnh: một robot dạy tiếng Anh cho học sinh tiểu học đang được Open Lab nghiên cứu - Ảnh: TRỌNG NHÂN

Từ thành công này, các trường càng tự tin, mạnh dạn đầu tư hơn nữa cho môi trường nghiên cứu của sinh viên.

Từ đề bài thực tế...

Để chuẩn bị cho chủ đề năm học này, Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM đã tổ chức nhiều sự kiện trong năm qua, thu hút hơn 300 doanh nghiệp, tìm kiếm cơ hội hợp tác các dự án khoa học. 

Hoạt động hơn 10 năm nay, phòng Open Lab của khoa cơ khí - chế tạo máy từ lâu nổi danh là "lò" robot các loại của trường. Thế nhưng, từ những chú robot nhảy múa, robot tiếp tân chủ yếu hiện thực hóa ước mơ của sinh viên, hiện nay phòng nghiên cứu đã tiếp cận được các dự án hữu ích cho doanh nghiệp.

PGS.TS Nguyễn Trường Thịnh, trưởng phòng Open Lab, cho biết 5 năm trở lại đây, các giảng viên như ông bắt đầu tìm đường liên kết với các doanh nghiệp để tự nuôi sống phòng thí nghiệm và tạo môi trường thực hành tốt hơn cho sinh viên. 

"Lúc đầu mọi thứ với chúng tôi rất mới mẻ khi trước giờ chỉ biết việc nghiên cứu, nay phải đảm nhiệm các công việc khác như tiếp thị hay tính toán giá cả, trong khi quan hệ gần như chưa có" - thầy Thịnh kể.

Các giảng viên đã phải chủ động tiếp cận các doanh nghiệp, thường xuyên tham dự những buổi triển lãm, hội thảo như một cách thức để chào hàng. 

Dần dần, những dự án đến với Open Lab ngày càng nhiều, đến nay đã chiếm khoảng 50% tổng số dự án hằng năm tại phòng, bao gồm các loại máy đã được đưa vào đời sống như máy bán phở, máy bán sim... 

Trong năm 2018, phòng thí nghiệm tiếp tục nghiên cứu máy phân loại bưởi, phân loại xoài cho một doanh nghiệp tỉnh Đồng Tháp, máy philê cá cho doanh nghiệp ở Bà Rịa - Vũng Tàu, máy lau lá chuối xuất khẩu cho một đơn vị ở TP.HCM...

Điều đặc biệt, tất cả các nghiên cứu này đều do sinh viên thực hiện. "Trong thời buổi công nghệ phát triển, cách học lý thuyết thầy chiếu máy, trò chép đã lạc hậu. Vì vậy, yêu cầu quan trọng nhất với sinh viên là có một môi trường sáng tạo để rèn luyện kỹ năng giải quyết các vấn đề phức tạp.

Các vấn đề này phần nhiều đến từ những đề bài thực tế của doanh nghiệp" - PGS.TS Đỗ Văn Dũng, hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM, cho biết.

Những dự án của phòng nghiên cứu đòi hỏi tôi phải liên tục suy nghĩ và siêng năng tìm tòi, dần dần tạo được một thói quen tốt cho nghiên cứu khoa học".

Nguyễn Trần Thanh Phong - sinh viên Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM


Đến "lò" luyện sinh viên chất lượng

TS Võ Tường Quân, hiện đang sở hữu một phòng thí nghiệm ở Trường ĐH Bách khoa (ĐH Quốc gia TP.HCM), cho biết những đòi hỏi từ doanh nghiệp những năm gần đây khó khăn hơn. 

Chẳng hạn với ao nuôi tôm, trước đây phòng nghiên cứu nhận được đơn hàng chỉ yêu cầu cải tiến chất lượng nước, giờ đây phải xây dựng một hệ thống quan trắc và tự động hóa cho cả một khu vực nuôi trồng rộng lớn.

Tuy nhiên, "đó lại là cơ hội cho sinh viên" - TS Quân nói. Sinh viên được tiếp cận kiến thức chuyên môn, được rèn luyện tay nghề và rèn luyện tư duy sáng tạo, hơn nữa còn có cơ hội có những bài báo khoa học đăng trên các tạp chí chuyên ngành quốc tế. 

Chính vì thế, sinh viên từng "lăn lộn" trong phòng thí nghiệm thường có chất lượng rất tốt và hơn phân nửa tìm được những cơ hội học tập cao hơn ở nước ngoài.

Nguyễn Trần Thanh Phong, sinh viên năm 4 Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM, là một ví dụ. Vào Open Lab từ giữa năm 3, Phong bắt tay vào dự án robot massage và sở hữu riêng cho mình một suất trình bày dự án tại Hội thảo quốc tế về khoa học và kỹ thuật hệ thống năm 2018 (ICSSE) tại Đài Loan. 

Sau thành công ban đầu, Phong tiếp tục bắt tay vào ý tưởng thiết kế một chú robot chuyên dạy tiếng Anh và lại nhận được chiếc vé tham dự Trại hè sáng tạo robot ở một trường ĐH thuộc bang Michigan, Mỹ. 

Vào phòng thí nghiệm, một sinh viên như Phong thường được chia thành từng nhóm nhỏ đảm nhiệm một dự án hoặc một phần trong dự án cùng với một, hai bạn có kinh nghiệm hơn làm nhiệm vụ hướng dẫn.

Dương Tân Đạt (26 tuổi) - hiện đang học thạc sĩ tại ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM, đồng thời đang đảm nhiệm dự án máy lau lá chuối xuất khẩu tự động - cho biết nhóm nghiên cứu của Đạt gồm 5 người, trong đó có 3 sinh viên năm 3, hiện đang cùng nhau hoàn thiện những bước cuối cùng trước khi chuyển giao sản phẩm. 

"Các bạn sinh viên thường khá vững lý thuyết, chỉ thiếu kinh nghiệm nên khi chịu làm thường nắm được cách làm rất nhanh, một thời gian sau thường đưa ra được nhiều ý tưởng mới" - Đạt cho biết.

Sải cánh vươn xa

Tuần rồi, phòng thí nghiệm của TS Quân vừa chuyển giao một phần mềm phát triển robot cho doanh nghiệp Autonics (Hàn Quốc) sau 2,5 tháng nghiên cứu. Do từng du học Hàn Quốc, TS Quân được các giáo sư trường cũ giới thiệu và bắt đầu có những dự án "xuất ngoại" đầu tiên.

Tới đây, phòng thí nghiệm này tiếp tục có một đơn hàng lớn yêu cầu thiết kế thiết bị điều khiển cũng cho Autonics trong thời hạn 3 năm. "Phòng thí nghiệm sẽ đi sâu hơn vào các lĩnh vực thế mạnh như điện tử y sinh, tự động hóa dệt may, nông nghiệp công nghệ cao và phần mềm quản lý... để có những hướng đi mới trong tương lai" - TS Quân nói.

PGS.TS Đỗ Văn Dũng cho biết trường đang triển khai dự án trung tâm sáng tạo kỹ thuật ngay trong khuôn viên trường với đầy đủ máy móc thiết bị cho sinh viên nghiên cứu, dự kiến đưa vào hoạt động cuối năm nay. Ở trung tâm mới, sinh viên có thể tự do tìm kiếm các đồ án, dự án của mình có thể từ cả doanh nghiệp và thầy cô chỉ đóng vai trò cố vấn cho các bạn hoàn thành sản phẩm của mình.

TRỌNG NHÂN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên