21/04/2015 11:29 GMT+7

Phóng sự đoạt Pulitzer phơi bày sự thật về nạn bạo hành

SƠN HÀ
SƠN HÀ

TTO - Phóng sự đoạt giải Pulitzer của báo The Post & Courier đã phơi bày một thực trạng đau lòng tại bang South Carolina thuộc miền nam nước Mỹ. Đó là nạn bạo hành phụ nữ nghiêm trọng.

Các phóng viên The Post & Courier vui mừng khi nghe tin đoạt giải Pulitzer - Ảnh: Post & Courier 

Loạt phóng sự có tựa đề "Đến chết mới chia lìa" đoạt giải Pulitzer dịch vụ công của các phóng viên Doug Pardue, Glenn Smith, Jennifer Berry Hawes và Natalie Caula Hauff mở đầu bằng thông tin gây sốc.

Đó là hơn 300 phụ nữ ở bang South Carolina đã bị bắn, đâm, thắt cổ, đánh hoặc thiêu cho đến chết trong 10 năm qua.

Trung bình, cứ 12 ngày ở South Carolina lại có một phụ nữ thiệt mạng vì nạn bạo hành trong gia đình.

Năm ngoái, South Carolina đứng đầu danh sách 10 bang có tỉ lệ án mạng với nạn nhân là phụ nữ, cao gấp hai lần con số trung bình toàn nước Mỹ.

Các nạn nhân bị bạo hành được The Post & Courier kể câu chuyện - Ảnh: Post & Courier
Hơn 300 phụ nữ ở bang South Carolina đã bị bắn, đâm, thắt cổ, đánh hoặc thiêu cho đến chết trong 10 năm qua.

Vài tuần trước, South Carolina là tâm điểm của dư luận vì vụ một cảnh sát bắn chết nạn nhân da đen và bị quay video. Tuy nhiên những vụ bạo hành phụ nữ mới thật sự là tội ác bị che giấu ở bang miền nam này.

“Máu đã đổ ở mọi ngóc ngách tại South Carolina” - The Post & Courier khẳng định.

Trung tâm động vật nhiều hơn nhà trú ẩn

Rất nhiều vụ án mạng đẫm máu đã xảy ra tại South Carolina với nạn nhân là phụ nữ và hung thủ là chồng hoặc bạn trai. Erica Olsen, 25 tuổi, có bầu hai tháng hồi tháng 10-2006 trước khi bị bạn trai đâm 25 nhát. Hung thủ giết Olsen ngay trước mặt cô con gái nhỏ tuổi của cô.

Dara Watson, 30 tuổi, bị chồng sắp cưới bắn vào đầu hồi tháng 2-2012. Hắn đem thi thể cô giấu trong rừng trước khi tự sát.

Năm 2014, Sheddrick Miller, 38 tuổi, cầm súng vào từng phòng ngủ trong nhà, lần lượt bắn chết hai con 1 và 3 tuổi, trước khi hành quyết người vợ rồi tự sát. Những vụ tương tự là rất nhiều.

Điều đáng nói là tất cả 46 hạt ở South Carolina đều có ít nhất một trung tâm động vật để chăm sóc chó mèo hoang, nhưng cả bang chỉ có 18 trung tâm hỗ trợ phụ nữ bị bạo hành gia đình.

Con số này là quá nhỏ so với số 36.000 vụ bạo hành gia đình xảy ra trong bang mỗi năm. Trong năm 2012 và 2013, có 380 nạn nhân bạo hành bị các trung tâm từ chối tiếp nhận vì không đủ chỗ.

Năm ngoái tại hạt Oconee, bà Gwendolyn Hiott, 58 tuổi, bị chồng bắn chết vì đòi ly dị. Bà từng bị chồng đánh đập nhiều lần nhưng không biết trốn đi đâu.

Điều nực cười là sau khi ông chồng tự sát, 24 con chó và mèo của bà Hiott lập tức được đưa vào một trung tâm động vật địa phương và được chăm sóc tử tế trong khi chờ người nuôi mới.

The Post & Courier kể chi tiết trường hợp của bà Therese D’Encarnacao, người bị chồng bắn vào đầu nhưng sống sót. Trong suốt 13 năm, bà bị chồng Keith Eddinger kiểm soát hoàn toàn, hằng ngày bị đánh đập và hứng chịu những lời xỉ nhục như “Cô là đồ béo ị”, “Cô xấu như ma”, “Chẳng ai thèm cô ngoài tôi đâu”…

Therese nhiều lần tìm cách bỏ đi nhưng không biết đi đâu, rồi phải quay lại với người chồng vũ phu. Năm 2010 không chịu nổi sự đau khổ, bà nói với chồng sẽ làm đơn ly dị. Eddinger lập tức rút súng, nói “Tao không để mày sống với ai khác” trước khi xả đạn trúng đầu bà rồi tự sát.

Therese sống sót nhưng bị mù một mắt, điếc một tai và ảnh hưởng đến trí nhớ.

Phụ nữ là công dân hạng hai

The Post & Courier cho biết South Carolina là một bang miền nam, người dân sùng đạo sâu sắc, các giá trị gia đình truyền thông là bất khả xâm phạm. Tuy nhiên điều đó cũng đồng nghĩa với việc đây là xã hội của đàn ông, phụ nữ chỉ xếp hàng thứ yếu.

Mãi đến năm 1949 phụ nữ ở South Carolina mới có quyền đâm đơn ly dị.

South Carolina đã có nữ thống đốc đầu tiên, nhưng số lượng phụ nữ giữ chức vụ cao trong chính phủ chỉ đếm trên đầu ngón tay. Do đó, các dự luật chống nạn bạo hành phụ nữ luôn bị phớt lờ tại nghị viện South Carolina, nơi đàn ông thống trị.

“Ở South Carolina, phụ nữ chỉ là vật sở hữu của đàn ông” -  thẩm phán Brian Rawl của Hạt Charleston khẳng định.

Nhiều dự luật được đưa ra trong thời điểm hàng loạt phụ nữ bị bạo hành và sát hại, nhưng tất cả đều rơi vào quên lãng. Tội đánh vợ hoặc bạn gái chỉ bị xử tù 30 ngày, trong khi tội hành hạ súc vật bị tù tới 5 năm. Gần 50% vụ bạo hành phụ nữ không bị đưa ra xét xử.

Ở các nhà thờ tại South Carolina, cha xứ luôn giảng dạy con chiên rằng bạo hành gia đình là vấn đề riêng của mỗi gia đình và các cặp vợ chồng phải tự xử lý. Và người dân theo đạo Thiên Chúa luôn được khuyên rằng phải tôn trọng nghiêm khắc lời thề nguyện khi kết hôn, không được ly dị.

“Điều đó giống như việc bảo các nữ nạn nhân trở lại ngôi nhà đang cháy của họ” - cảnh sát trưởng Mike Crenshaw của Hạt Oconee bức xúc.

South Carolina còn là nơi cực kỳ tôn sùng quyền mang vũ khí, đến mức chỉ một tháng sau khi hung thủ Sheddrick Miller thảm sát cả gia đình, các nghị sĩ bang thông qua luật mở rộng quyền sở hữu súng, cho phép người dân cầm súng vào quán bar và nhà hàng.

Các dự luật ngăn chặn những kẻ bạo hành phụ nữ được quyền mua súng đạn đều bị gạt đi dù súng là vũ khí mà hung thủ sử dụng trong 7/10 vụ bạo hành gia đình khiến phụ nữ thiệt mạng. Ngược lại, 2/3 các bang ở Mỹ có luật cấm kẻ bạo hành mua súng.

Nỗ lực tuyệt vời

Để thực hiện phóng sự gây chấn động này, các phóng viên báo The Post & Courier đã đọc hàng trăm báo cáo, nghiên cứu về tình trạng  bạo hành gia đình tại South Carolina, phỏng vấn hàng trăm nạn nhân, cảnh sát, luật sư, thẩm phán, nghị sĩ…

Báo này chỉ có vỏn vẹn 80 thành viên, số phát hành 85.000 bản/ngày. Đây là giải Pulitzer mà The Post & Courier lần đầu tiên giành được kể từ năm 1925.

SƠN HÀ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên