30/11/2017 15:24 GMT+7

Phòng ngừa tiền sản giật - sản giật cho bà mẹ mang thai

Nguồn: Trung tâm Truyền thông Giáo dục Sức khỏe Bình Định
Nguồn: Trung tâm Truyền thông Giáo dục Sức khỏe Bình Định

Tiền sản giật và sản giật có thể gây biến chứng nghiêm trọng cho người mẹ và thai nhi. Nếu không được phát hiện và điều trị sớm có thể đe dọa tính mạng cả mẹ và con.

Phòng ngừa tiền sản giật - sản giật cho bà mẹ mang thai - Ảnh 1.

Ảnh minh họa. Nguồn: shethepeople.tv

Tiền sản giật được chẩn đoán ở người phụ nữ mang thai khi họ có ba triệu chứng: huyết áp cao (>140/90 mmHg), phù, nước tiểu có protein niệu. Sản giật là biến chứng cấp tính của tiền sản giật, có kèm theo co giật và hôn mê. Về mặt lý thuyết, tiền sản giật và sản giật thường xảy ra ở mọi lứa tuổi mang thai, nhưng thường gặp ở những thai phụ mang thai lần đầu, phụ nữ lớn tuổi (trên 40), phụ nữ béo phì, chế độ dinh dưỡng kém, có bệnh như bệnh thận mãn tính, bệnh đái tháo đường, tăng huyết áp, thai trứng, hoặc những thai phụ mang đa thai, đa ối và thai phụ có tiền sử lần trước mang thai bị tiền sản giật – sản giật. Tuy nhiên, tiền sản giật và sản giật thường không bị phát hiện nếu không kiểm tra huyết áp hoặc xét nghiệm nước tiểu định kỳ khi mang thai. Nhiều sản phụ chủ quan không đi khám thai định kỳ để được kiểm tra huyết áp, xét nghiệm nước tiểu… khi vào viện mới biết huyết áp cao, protein niệu mức độ cao ảnh hưởng tính mạng bà mẹ và đứa trẻ.

Đáng chú ý, tiền sản giật và sản giật có thể gây biến chứng nghiêm trọng cho người mẹ và thai nhi. Với người mẹ có thể gây phù não, xuất huyết não-màng não, phù võng mạc, xuất huyết vùng dưới bao gan, suy tim, suy thận, phù phổi cấp, rối loạn đông chảy máu trong lòng mạch, giảm tiểu cầu… Với thai nhi: làm thai nhi chậm phát triển, suy thai, tử vong chu sinh cao… Nếu không được phát hiện và điều trị sớm có thể đe dọa tính mạng cả mẹ và con.

Đối với trường hợp tiền sản giật nhẹ bà mẹ mang thai có thể điều trị bệnh bằng cách nghỉ ngơi hợp lý, ăn nhạt, khám thai định kỳ 01 lần/tuần để kiểm tra huyết áp, chức năng gan thận, xét nghiệm nước tiểu, siêu âm và đo sức khỏe tim thai nhi (CTG-cardiotocography) để theo dõi tình trạng phát triển của thai nhi. Các bà mẹ có thể được hướng dẫn để tự đo huyết áp tại nhà, theo dõi cân nặng, tình trạng thai máy. Các bà mẹ nên được tư vấn nhập viện để theo dõi và điều trị khi tuổi thai đã bước sang tuần thứ 37.

Các bà mẹ được chẩn đoán tiền sản giật nặng phải bắt buộc nhập viện, theo dõi huyết áp 2 lần/ngày, cân nặng và protein niệu, xét nghiệm công thức máu, chức năng đông máu toàn bộ, đánh giá chức năng gan thận, tình trạng trưởng thành phổi thai nhi… và tuân thủ nghiêm ngặt theo chỉ định điều trị của bác sĩ.

Phòng ngừa tiền sản giật – sản giật các bà mẹ mang thai nên đi khám thai định kỳ (ít nhất 3 tháng/ lần). Có một chế độ ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng, bổ sung canxi, vitamin D hợp lý có thể giúp giảm nguy cơ mắc bệnh. Ăn nhạt tốt cho tim mạch và giúp hạn chế triệu chứng phù khi mang thai. Đồng thời, bà mẹ mang thai nên giữ ấm khi thời tiết lạnh, ẩm ướt và được nghỉ ngơi, chăm sóc tích cực trong thời kỳ hậu sản.

Nguồn: Trung tâm Truyền thông Giáo dục Sức khỏe Bình Định
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên