02/12/2017 10:24 GMT+7

Phòng ngừa các bệnh về da trong mùa Đông

Nguồn: Trung tâm Truyền thông Giáo dục Sức khỏe Quảng Ninh
Nguồn: Trung tâm Truyền thông Giáo dục Sức khỏe Quảng Ninh

Mùa đông ở nước ta thường kéo dài, độ ẩm không khí rất thấp, lượng tiết mồ hôi giảm vì vậy luôn khiến cho da chúng ta bị khô và nứt nẻ.

photo-1

Do trời lạnh nên hầu hết mọi người ngại tắm hay chỉ tắm nước ấm nóng, thói quen sưởi ấm, ngồi điều hòa nhiệt độ cao… cũng sẽ khiến cho da thiếu độ ẩm cần thiết. Thêm vào đó chất bã nhờn, vi khuẩn tích tụ nhiều hơn trên bề mặt da cũng là nguyên nhân chính dẫn đến mắc phải các bệnh lý về da như: viêm da cơ địa, viêm da dị ứng, khô da, vẩy nến, chàm, cước tay chân…

Các bệnh về da thường gặp

Vẩy nến là một bệnh da mạn tính, tiến triển từng đợt, dai dẳng suốt đời. Ngoài tổn thương da, bệnh còn có tổn thương niêm mạc, móng và khớp xương. Căn nguyên của bệnh chưa rõ ràng, nhiều tác giả cho rằng đây là bệnh do rối loạn miễn dịch và có yếu tố di truyền. Một số yếu tố có thể khiến khởi phát bệnh như:  Xúc động tâm lý mạnh ảnh hưởng lên hệ miễn dịch; Chấn thương liên tục trên da như vết trầy, vết cắt, cháy da; Các tình trạng nhiễm trùng, nhiễm độc da; Tác dụng của một số loại dược phẩm; Sử dụng nhiều rượu hoặc thuốc lá…

Về triệu chứng của bệnh:

- Da: Là những dát đỏ trên có vảy trắng đục dễ bong, ranh giới rõ với da lành. Vị trí thường gặp ở chỗ tì đè như khuỷu tay, đầu gối,… hoặc những chỗ bị sang chấn hay vết bỏng, sẹo, vết cào gãi.

- Móng: Mặt móng có những chấm lõm, hoặc những vân ngang, bong móng, móng dày, mủn.

- Khớp: Biểu hiện đau khớp, viêm đa khớp…

- Vẩy nến thể mủ: Trên da có các mụn mủ khô và nông.

- Vẩy nến thể đỏ da toàn thân.

Để phòng bệnh vảy nến cần: Tránh căng thẳng (stress), tránh các sang chấn trên da: cào, gãi… Tránh để vùng da bị bệnh tiếp xúc với các chất có tính bazơ cao như xà phòng, vôi,... vì khi đó vùng da nhiễm bệnh sẽ mở rộng ra. Tránh nhiễm khuẩn, đặc biệt là nhiễm khuẩn tai, mũi, họng. Tránh các chất kích thích như rượu, bia, thuốc lá… Cẩn trọng khi dùng một số loại thuốc có thể làm cho bệnh nặng lên.

Chàm là một bệnh viêm da thường gặp, hay tái phát, căn nguyên của bệnh bao gồm nhiều yếu tố như di truyền, miễn dịch, nhiễm trùng, hàng rào bảo vệ da bị tổn thương…

Bệnh thường xuất hiện ở trẻ em và có thể tồn tại suốt đời. Đây là một bệnh tiến triển dai dẳng, thành từng đợt cấp tính, mạn tính. Thông thường bệnh tiến triển qua các giai đoạn

Cấp tính: Thường gặp ở trẻ < 2 tuổi, tổn thương là các mụn nước tập trung thành từng đám thường gặp ở má, trán, cằm (có thể lan ra tay, chân, bụng, lưng…), đỏ da, chảy nước, phù nề, ngứa nhiều…

Giai đoạn bán cấp: Thương tổn giảm phù nề, khô hơn.

Giai đoạn mạn tính: Hay gặp ở trẻ > 10 tuổi, tổn thương là các sẩn nổi cao hơn mặt da, tập trung thành mảng hoặc rải rác, dày da, có thể gặp các mụn nước tập trung thành đám, rất ngứa. Vị trí thường gặp ở mặt duỗi tay chân, hay nếp gấp như khuỷu tay, khoeo chân, cổ, mí mắt…

Khoảng 50% các trường hợp này không khỏi bệnh và chuyển sang giai đoạn khu trú, dai dẳng, khó điều trị và có thể tồn tại đến lớn.

Các biến chứng thường gặp của bệnh viêm da cơ địa:

- Mắt: Viêm kết mạc dày sừng

- Nhiễm trùng: Hay gặp nhất là nhiễm virus Herpes, tụ cầu vàng…

Một số trường hợp bội nhiễm không điều trị kịp thời có thể gây viêm cầu thận.

Để phòng bệnh chàm nên dùng các loại xà phòng, sữa tắm thích hợp, các sản phẩm giữ độ ẩm cho da, tránh kích thích da. Khi sử dụng thuốc cần được bác sĩ tư vấn sử dụng hợp lý tránh tác dụng phụ do thuốc, tránh các yếu tố kích thích, stress để tránh tái phát bệnh.

Ngứa ngoài da là một căn bệnh rất hay gặp vào mùa đông. Ngoài các nguyên nhân gây ngứa do viêm da như: Mày đay, vẩy nến, á sừng, mụn nhọt... thì hiện tượng ngứa khi trời lạnh là do chức năng điều tiết của tuyến mồ hôi, tiết bã bị hạn chế nên làm cho da bị khô. Bình thường da tiết ra những chất hữu cơ như axit organic cùng với mồ hôi. Các axit hữu cơ có tác dụng giữ cho da nhờn, đàn hồi chống lại sự xâm nhập của các loại vi khuẩn, nấm, ký sinh trùng, bụi bẩn... Khi thời tiết khô lạnh, da ít tiết mồ hôi và các axit hữu cơ khiến da bị khô và nứt nẻ sinh ngứa.

Phòng ngừa

Để bảo vệ da trong mùa lạnh, ngăn ngừa các bệnh về da nên lưu ý thực hiện các biện pháp sau đây:

- Bổ sung dinh dưỡng đầy đủ: Ăn nhiều loại rau có màu đậm, các loại củ quả như cà rốt, dưa, cam… có nhiều betacaroten, cần thiết cho da. Giảm thiểu các loại hành, tỏi…có nhiều sulfur kích thích da.

- Giữ vệ sinh cho da: Việc tắm rửa, vệ sinh thân thể hàng ngày là rất cần thiết, kể cả mùa đông vì nó có tác dụng loại bỏ vi khuẩn trên da, tránh tình trạng nhiễm trùng da dẫn đến các bệnh về da trầm trọng hơn.

- Khi tắm chỉ nên dùng nước đủ ấm, không chà xát mạnh. Nên dùng các loại sản phẩm xà phòng, sữa tắm có tác dụng diệt khuẩn và thân thiện với làn da để đạt được mục đích loại bỏ vi khuẩn và bảo vệ da tốt hơn.

- Giữ ẩm cho da: Không chỉ người bị bệnh mà cả người không bị bệnh cũng cần giữ ẩm cho da bằng cách tránh sử dụng nước quá nóng, tránh tiếp xúc với các chất tẩy rửa mà không sử dụng bao tay. Dùng kem dưỡng ẩm phù hợp với làn da, nhất là những lúc vừa tắm xong.

- Giữ ấm tay chân: Muốn ngăn chặn bị cước tay chân (cước là các đầu ngón tay, ngón chân bị sung căng cứng, nổi màu đỏ mà đặc biệt là rất ngứa) thì trước hết cần giữ ấm cho mặt, nhất là mũi, tai. Vì đây là nơi gặp lạnh sẽ bị co thắt mạch, sau đó lan ra khiến tay chân tím tái…

Khi bị ngứa nhiều, ngứa kéo dài, người bệnh cần đến cơ sở y tế chuyên khoa da liễu để được chỉ định dùng thuốc phù hợp. Không được tự ý sử dụng thuốc hoặc gãi mạnh gây trầy xước, gây nhiễm trùng, viêm da./.

Nguồn: Trung tâm Truyền thông Giáo dục Sức khỏe Quảng Ninh
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên