Bệnh thường gặp nhất là ngứa da, dày sừng da (đồi mồi), zona, loét da, vẩy nến...
Ngứa da
Ngứa da ở tuổi già không gây tổn hại đến sức khỏe nhưng mang lại rất nhiều phiền toái và khó chịu. Ngứa da, gãi nhiều làm da bị trầy xước và có chỗ dày lên như các vết sừng. Nguyên nhân ngứa da chủ yếu là do tuổi đã cao, sức khoẻ suy yếu, các chức năng cơ thể bị thoái hoá, các hóc môn sinh dục bị mất cân bằng dẫn đến khô da. Bệnh nặng lên bởi thời tiết lạnh, hanh khô, tắm quá nhiều hoặc tắm nước quá nóng, dùng xà bông hay chất tẩy rửa mạnh...
Theo các chuyên gia lão khoa, để hạn chế ngứa, người cao tuổi chỉ nên tắm nước đủ ấm (không tắm nước nóng quá) và hạn chế dùng xà phòng. Có thể dùng một số loại kem dưỡng ẩm giúp giữ ẩm cho da. Mặc quần áo mỏng và rộng tránh bó sát vào người dễ gây cọ xát và kích ứng da. Đồ ăn cần phải thanh đạm, không nên ăn quá mặn, quá nhiều dầu mỡ, hạn chế ăn các loại thức ăn cay và có chứa các chất mang tính kích thích. Ít uống các loại đồ uống như rượu, chè đặc hay cà phê. Ăn nhiều các loại rau củ và hoa quả.
Uống nhiều nước trên 2 lít một ngày kể cả nước trái cây. Uống thêm từng đợt dầu cá, vitamin C, F. Đảm bảo ngủ đủ giấc, tránh tình trạng sức khỏe kém, tinh thần không tốt và không được lao động quá sức. Đặc biệt, hạn chế gãi, vì gãi nhiều làm cho da bị trầy xước, dày lên và rất có nguy cơ nhiễm trùng mưng mủ, có thể lây lan ra nhiều vùng da khác nhau.
Lưu ý, triệu chứng ngứa ở người cao tuổi cũng có khi không đơn thuần do ngứa tuổi già mà có thể là biểu hiệu của nhiều loại bệnh khác nhau. Vì vậy, trong trường hợp này, để điều trị triệt để triệu chứng ngứa, người cao tuổi cần đi khám tại chuyên khoa da liễu.
Dày sừng da (đồi mồi)
Dày sừng da là bệnh hay gặp ở người sau 50 tuổi, do sự lão hoá của da. Dày sừng da thường xuất hiện ở mặt, cổ, cánh tay và xuất hiện nhiều hơn ở người tiếp xúc với ánh nắng mặt trời. Ban đầu, các đốm này màu nâu nhạt, sau đó ngày càng trở nên đậm màu hơn với kích thước to nhỏ không đều.
Để làm chậm sự lão hoá của da, có thể tăng cường sự tuần hoàn bằng mát xa da mặt, xoa bóp cánh tay hàng ngày hoặc dùng kem dưỡng da. Hạn chế để da tiếp xúc trực tiếp nhiều với ánh nắng mặt trời, khiến các đốm này ngả dần sang màu nâu sậm.
Bệnh Zona
Bệnh zona (hay còn gọi là bệnh giời leo). Bệnh do vi rút Herpes Zoster gây ra, vi rút này cũng chính là loại vi rút gây ra bệnh thủy đậu ở trẻ nhỏ. Sau khi gây bệnh thủy đậu lúc còn nhỏ, vi rút sẽ nằm yên ở dạng ngủ, không hoạt động bên trong các dây thần kinh cảm giác. Khi về già, hệ miễn dịch của cơ thể bị suy yếu, vi rút sẽ tấn công cơ thể gây ra bệnh zona.
Ban đầu người bệnh có biểu hiện sốt, đau, rát, ngứa ở vùng da bị zona. Sau 1 – 3 ngày, tại vùng da bệnh xuất hiện một mảng dát màu hồng đỏ, có các mụn nước mọc lên từng chùm sát vào nhau hoặc thành mảng, kèm theo triệu chứng đau nhức dữ dội nơi các dây thần kinh vi rút cư trú.
Tùy theo hướng di chuyển của vi rút ở các dây thần kinh, các mụn nước có thể xuất hiện một phần bên trái hoặc phải của cơ thể. Bệnh thường kéo dài khoảng 2 tuần thì lành ngoài da, nhưng triệu chứng đau nhức có thể kéo dài hàng tháng hay hàng năm. Chính vì đau nhức rất khó chịu làm cho người cao tuổi mệt mỏi, ăn kém, rối loạn giấc ngủ kéo dài và có thể xuất hiện nhiều bệnh khác cho người cao tuổi.
Các bác sĩ da liễu khuyên rằng, khi nghi ngờ bị bệnh zona, người cao tuổi cần đi khám bệnh càng sớm càng tốt nhằm làm giảm thời gian trị bệnh (thuốc sẽ làm hạn chế sự phát triển của vi rút, qua đó hạn chế sự tấn công của chúng vào thần kinh) và đặc biệt làm giảm các cơn đau cho người bệnh. Tùy theo vị trí và mức độ của bệnh, bác sĩ sẽ có chỉ định điều trị thích hợp. Cần vệ sinh da vùng bị bệnh sạch sẽ để tránh bội nhiễm vi khuẩn.
Loét da
Ở người cao tuổi, tĩnh mạch chân thường bị suy yếu, làm suy giãn tĩnh mạch, gây khó khăn cho máu trở về tim và ứ đọng lại ở chân, gây loét cẳng chân hoặc loét ở da mắt cá trong do ứ trệ tĩnh mạch bên dưới. Bệnh có thể xảy ra một bên hoặc cả hai bên cẳng chân.
Ngoài loét da do giãn tĩnh mạch hoặc ứ trệ, người cao tuổi cũng có thể bị loét da do nằm lâu bởi một số bệnh như tai biến mạch máu não, chấn thương gãy xương phải nằm dài ngày… Những vùng bị tì đè nhiều dễ gây loét như vùng mông, bả vai, hai mạng sườn, vùng chẩm, gót chân…
Đặc biệt, vết loét càng sâu thì càng dễ nhiễm trùng dẫn đến việc điều trị lâu hơn, gây thêm đau đớn cho bệnh nhân. Trường hợp nặng có thể loét tới xương và nhiễm trùng máu gây nguy hiểm.
Theo các bác sĩ, khi bị giãn tĩnh mạch chân, người cao tuổi cần đi khám bệnh để được tư vấn và điều trị. Chăm sóc tại chỗ tốt để tránh nhiễm trùng; nằm kê chân cao. Đối với người cao tuổi phải nằm lâu ngày, thậm chí không ngồi dậy được thì người nhà, người chăm sóc cần thường xuyên thay đổi tư thế cho người bệnh.
Chăm sóc vệ sinh sạch sẽ những vùng bị tì đè nhiều và xoa bóp hàng ngày. Nên cho người bệnh nằm đệm chuyên dụng dành cho người nằm lâu, ít cử động (ví dụ dùng đệm bằng hơi hoặc nước). Thực hiện chế độ dinh dưỡng tốt với việc tăng cường ăn cá, rau và quả, hạn chế ăn thịt. Điều trị vết loét cần thay băng và chăm sóc mỗi ngày, thường xuyên quan sát vết loét để tránh lan rộng. Ngoài ra, phơi nắng vùng da bị hoại tử vào buổi sáng có thể giúp vết thương mau lành.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận