Nguyên nhân gây ra bệnh trĩ
Hiện nay nguyên nhân, cơ chế bệnh sinh của bệnh trĩ vẫn chưa được sáng tỏ, có thể thấy một số nguyên nhân như:
- Rối loạn lưu thông tiêu hóa (táo bón hoặc tiêu chảy, lỵ kéo dài...).
- Yếu tố gia đình.
- Chế độ ăn cay nóng, uống nhiều chất kích thích như bia, rượu, cà phê.
- Do phải đứng hoặc ngồi nhiều, làm việc nặng.
Ngoài ra, bệnh trĩ còn thứ phát sau một số bệnh như xơ gan, bướu vùng chậu, khối u vùng trực tràng, suy tim nặng, phụ nữ mang thai 3 tháng cuối...
Dấu hiệu nhận biết bệnh trĩ
- Chảy máu:
Đi cầu ra máu đỏ tươi: máu dính theo phân, nhỏ giọt hoặc thành tia, đôi khi máu từ búi trĩ chảy ra đọng lại trong lòng trực tràng rồi sau đó mới đi cầu ra nhiều máu cục màu đen.
- Sa búi trĩ:
Thường xảy ra sau một thời gian đi cầu có chảy máu đỏ tươi, lúc đầu thấy khối nhỏ lồi ra ở hậu môn, sau đó tự tụt vào được (Trĩ nội độ II). Càng về sau khối lồi to lên và không tự tụt vào được mà phải dùng tay đẩy lên (Trĩ nội độ III). Cuối cùng khối lồi đó thường xuyên nằm ngoài hậu môn (Trĩ nội độ IV).
- Triệu chứng khác:
Ngoài hai triệu chứng chính trên, bệnh nhân có thể có kèm theo các triệu chứng khác như đau khi đi cầu, ngứa quanh lỗ hậu môn. Thông thường, trĩ không gây đau, triệu chứng đau xảy ra khi có biến chứng như tắc mạch, sa trĩ nghẹt hay do các bệnh khác ở vùng hậu môn như nứt hậu môn, nung mủ cạnh hậu môn... Triệu chứng ngứa xảy ra do búi trĩ sa ra ngoài và tiết dịch gây viêm da quanh hậu môn làm cho bệnh nhân cảm thấy ướt và ngứa.
Phòng bệnh trĩ
Y học cổ truyền rất coi trọng các biện pháp dự phòng bệnh trĩ. Mục đích không chỉ để người khỏe không mắc bệnh mà người đã mắc bệnh thì bệnh cũng nhẹ, sau điều trị không tái phát và không có các biến chứng nặng nề. Một số biện pháp dự phòng cụ thể như sau:
- Điều chỉnh thói quen ăn uống:
+ Hạn chế các chất kích thích như rượu, bia, cà phê,...
+ Hạn chế các thức ăn nhiều gia vị cay nóng như: ớt, tiêu,...
+ Uống đủ nước (2 lít/ ngày).
+ Ăn thực phẩm giàu chất xơ có tính thanh nhiệt, nhuận tràng như: cháo đậu xanh, chuối tiêu, đu đủ, thanh long, bột sắn dây và ăn các loại rau như: mồng tơi, rau lang...
+ Tập thói quen đi vệ sinh hàng ngày đều đặn vào một thời gian nhất định, tốt nhất là vào sáng sớm.
- Thường xuyên rèn luyện thể lực hợp lý: tập thể dục, luyện khí công dưỡng sinh..., đặc biệt đối với những người phải ngồi nhiều, đứng nhiều.
- Hàng ngày nên xoa bụng và day bấm một số huyệt. Cụ thể: dùng hai bàn tay đặt chồng lên nhau xoa bụng từ phải sang trái theo chiều kim đồng hồ với một lực vừa phải, mỗi lần 30 - 50 vòng, mỗi ngày 2 lần. Sau đó dùng ngón tay trỏ hoặc ngón tay giữa day ấn hai huyệt: Bách hội (nằm ở đỉnh đầu, là giao điểm giữa đường nối hai đỉnh vành tai khi gấp tai và đường trục dọc đi qua giữa đầu) và Trường cường (nằm ở đầu chót xương cụt), day theo chiều kim đồng hồ, mỗi lần từ 3 - 5 phút, mỗi ngày 2 lần vào buổi sáng khi tỉnh giấc và buổi tối trước khi đi ngủ.
- Khi đói bụng nên tập theo tư thế như sau: đứng thẳng hai chân, thân mình hơi nghiêng về phía trước, hai tay chống thẳng lên giữa bắp đùi, hít vào một hơi dài rồi từ từ thở ra, đồng thời bụng thóp vào hết cỡ, kết hợp với động tác nhíu hậu môn. Giữ trạng thái này và nín thở càng lâu càng tốt. Tư thế này cũng có thể tập trong lúc ngồi thiền, nó có tác dụng phòng ngừa bệnh trĩ rất tốt, ngoài ra còn góp phần trị liệu các bệnh lý sa phủ tạng, táo bón và di tinh. Vì tư thế này tập trong lúc đói nên còn gọi là thế “trống lòng”.
Trĩ không phải là bệnh nguy hiểm ảnh hưởng đến tính mạng nhưng lại là căn bệnh gây ra biến chứng khó chịu và giảm chất lượng cuộc sống. Vì thế chúng ta nên thực hiện các biện pháp dự phòng trên để tránh mắc bệnh. Khi có dấu hiệu của bệnh trĩ, bệnh nhân nên đi khám để phát hiện bệnh sớm và điều trị kịp thời để tránh cảm giác đau đớn và tránh bệnh diễn tiến nặng khó chữa sau này.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận