21/04/2018 10:16 GMT+7

Phòng ngừa bệnh sởi

Nguồn: Trung tâm Y tế Dự phòng TP. Hồ Chí Minh
Nguồn: Trung tâm Y tế Dự phòng TP. Hồ Chí Minh

Bệnh sởi làm suy yếu sức đề kháng của cơ thể cho nên thường kèm theo biến chứng như viêm phổi, viêm tai, tiêu chảy,…

Phòng ngừa bệnh sởi - Ảnh 1.

Tiêm ngừa là cách phòng bệnh sởi tốt nhất. Ảnh: patientcareonline.com

Bệnh sởi là một trong những bệnh nguy hiểm, có tính lây truyền có thể gây dịch lớn. Bệnh rất nghiêm trọng ở trẻ nhỏ và trẻ suy dinh dưỡng, một số biến chứng của bệnh  bao gồm viêm tai giữa, viêm phổi, tiêu chảy và viêm não có thể gây tử vong.

Hiện bệnh sởi đã xuất hiện rải rác tại nhiều tỉnh, ngày 17-4-2018, Bộ Y tế có công văn số 2080/BYT-DP yêu cầu các địa phương tăng cường chỉ đạo công tác phòng, chống dịch bệnh sởi, không để dịch bùng phát và lây lan rộng, do đó các bậc phụ huynh cần lưu ý phòng tránh bệnh cho trẻ.

Những ai có thể mắc bệnh?

Tất cả những người chưa bị mắc bệnh hoặc chưa được tiêm chủng đều có nguy cơ mắc bệnh.

Vụ dịch sởi năm 2013-2014 xảy ra chủ yếu ở nhóm đối tượng dưới 10 tuổi chưa được tiêm vắc xin sởi tại những nơi có tỷ lệ tiêm chủng vắc xin sởi thấp trong những năm trước đây, và những vùng có biến động dân cư cao.

Bệnh sởi nguy hiểm nhất đối với trẻ em nhỏ tuổi (< 3 tuổi). Bệnh sởi làm suy yếu sức đề kháng của cơ thể cho nên thường kèm theo biến chứng như viêm phổi, viêm tai, tiêu chảy gây nên bởi vi khuẩn gây bệnh có điều kiện. Những bệnh này khi mắc cùng bệnh sởi có diễn biến rất nặng.

Sởi lây lan như thế nào?

Bệnh sởi lây bằng đường hô hấp do tiếp xúc trực tiếp với các chất tiết của mũi họng bệnh nhân, có thể lây gián tiếp qua những đồ vật mới bị nhiễm các chất tiết đường mũi họng của bệnh nhân. Cứ 10 người tiếp xúc mật thiết với bệnh nhân sởi thì sẽ có 9 người có thể bị lây bệnh nếu họ chưa từng mắc bệnh sởi hay chưa được tiêm vắc xin sởi trước đó. Bệnh sởi chỉ có thể cắt đứt được sự lây truyền của bệnh trong cộng đồng khi nào đạt được > 95% tỷ lệ miễn dịch bảo vệ đặc hiệu sởi trong quần thể dân cư.

Bệnh sởi có những dấu hiệu gì?

Sởi là bệnh truyền nhiễm vi rút cấp tính với các triệu chứng khởi đầu: Sốt, viêm kết mạc mắt (mắt đỏ), viêm sổ mũi, ho và có nốt koplik ở niêm mạc miệng, ban đỏ xuất hiện từ ngày thứ 3 đến ngày thứ 7 của bệnh. Ban bắt đầu từ mặt, sau lan ra toàn thân và kéo dài 4-7 ngày.

Một số biến chứng nguy hiểm của bệnh: Viêm tai giữa, viêm phổi, tiêu chảy, viêm phế quản và viêm não, tử vong xảy ra ở trẻ dưới 5 tuổi do viêm phổi, viêm não. Trẻ mắc bệnh sởi có nguy cơ cao đặc biệt là thiếu vitamin A, nếu thiếu vitamin A trầm trọng có thể dẫn đến mù.

Cần làm gì để phòng bệnh?

Tiêm chủng cho trẻ em theo lịch tiêm chủng Quốc gia:

Mũi 1: Vắc xin sởi lúc 9 tháng tuổi

Mũi 2: Vắc xin sởi - Rubella lúc 18 tháng tuổi

Ngoài tiêm chủng vắc xin cần lưu ý một số biện pháp phòng ngừa khác như sau:

Nâng cao sức đề kháng cơ thể bằng: Ăn uống đủ chất dinh dưỡng, bổ sung hợp lý các vitamin và khoáng chất.

Tăng cường vệ sinh cá nhân:

+  Rửa tay thường xuyên bằng xà phòng.

+ Thường xuyên vệ sinh đường mũi, họng, mắt hàng ngày bằng các dung dịch sát khuẩn thông thường đặc biệt là những người tiếp xúc gần với bệnh nhân (người sống cùng nhà, thấy thuốc trực tiếp chăm sóc, điều trị).

 Hạn chế tiếp xúc với người bệnh:

+ Hạn chế tiếp xúc với người mắc/nghi mắc bệnh, khi phải tiếp xúc với người bệnh phải đeo khẩu trang y tế và các trang bị phòng hộ cá nhân.

+ Không cho trẻ em dùng chung vật dụng cá nhân (khăn mặt, bàn chải, kính, cốc, chén, bát, đũa..), đồ chơi hoặc đồ vật dễ bị ô nhiễm chất tiết mũi họng.

Nguồn: Trung tâm Y tế Dự phòng TP. Hồ Chí Minh
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên